Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sinh lý trẻ sơ sinh



Khi "thiên thần" của bạn chào đời, bạn có tự tin rằng mình đã hiểu hết về bé hay không? Hai yếu tố thể chất và sinh lý của bé yêu là những vẫn đề rất quan trọng, giúp bạn đánh giá được quá trình phát triển toàn diện của bé.

Chúng còn giúp bạn phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn để có hướng xử lý kịp thời.

Hô hấp
: Chỉ sau khi dây rốn bị cắt, các cơ quan hô hấp của bé mới đi vào hoạt động. Mỗi phút bé hít thở khoảng 40 - 44 lần. Bạn sẽ thấy bé chủ yếu thở bằng bụng, nhịp thở thường không đều, hơi thở ngắn và nông. Nhưng điều đó cũng chẳng có gì đáng lo ngại cả, bởi công năng của phổi lúc này còn chưa hoàn thiện, hơn nữa, phổi và các cơ quan hô hấp khác của bé sẽ khỏe lên mỗi ngày.

Một điều nữa mà bạn cần biết, đó là ống mũi của bé lúc này còn nhỏ, niêm mạc mũi khá mỏng, nên chỉ cần một tác động nhỏ từ môi trường cũng có thể làm cho bé bị ngạt mũi, gây khó thở, cản trở việc bú sữa của bé. Nếu bé bú không liên tục, đang bú thì nhè vú ra và khóc, rồi lại quay vào bú, lại khóc... có thể con bạn đang bị nghẹt mũi.

Khí quản của bé sơ sinh còn non yếu, cơ thể chưa tự tiết ra chất đề kháng nên trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm phế quản, vì thế bạn cần chú ý giữ ấm cho cổ, ngự và lưng của bé.

Khi nhiệt độ trong phòng quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài, cha mẹ cần cho bé làm quen dần với sự thay đổi đó trước khi đưa bé vào hoặc ra khỏi phòng. Để thực hiện điều này, bạn có thể để cửa hé mở, bế bé đứng lấp ló trước cửa một chút rồi mới bế bé đi tiếp.

Chức năng điều tiết thân nhiệt của bé chưa hoàn thiện, nếu nằm trong môi trường nóng quá hoặc lạnh quá, bé của bạn sẽ rất dễ bị cảm. Do đó, nhiệt độ phòng thích hợp nhất là khoảng 28-300C. Nếu bạn thấy bé bị lạnh thì cần phải ủ ấm cho bé ngay.

Sức đề kháng của trẻ lúc này còn rất yếu, kháng thể chủ yếu được truyền qua nhau lúc còn trong bào thai và qua sữa mẹ những tháng đầu đời. Các bộ phận cơ thể bé còn rất non nớt, vì vậy cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh cho bé, đặc biệt là cuống rốn, để tránh bé bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.

Tiêu hóa: Khi mới được sinh ra, dạ dày của bé vẫn còn đang nằm ngang, điều đó khiến bé rất dễ bị nôn, trớ.

Không phải em bé nào cũng hay trớ. Tùy theo cơ địa, có bé rất hay bị trớ nhưng lại có những bé ít bị hơn, thậm chí hầu như không trớ bao giờ. Nếu chẳng may em bé của bạn hay bị trớ, việc cần làm là: sau khi cho bé ăn xong, ngoài việc cho bé ợ hơi, bạn nên bế bé trên tay thêm năm - mười phút rồi mới đặt bé nằm.

Men tiêu hóa ở trẻ có sớm, ngay từ khi còn ở trong bào thai, nhưng khả năng tiêu hóa của trẻ còn rất kém, chất lượng và chủng loại men tiết ra chưa đủ.

Dạ dày trẻ tiêu hóa sữa mẹ nhanh hơn sữa bò vì protein sữa bò khó tiêu hóa hơn. Thậm chí có trẻ không thể tiêu hóa được sữa bò vì dị ứng lactose có chứa trong đó.

Bài tiết cũng là một trong các việc quan trọng của trẻ.

Lần đi ngoài đầu tiên của bé sẽ có phân su, đây là chất nhớt của quá trình tiêu hoá và trông có màu xanh đen. Lượng phân su đầu tiên phải được tống ra trong vòng 24 giờ đầu tiên, và thông thường là hai ngày sau bé mới đi cầu lần kế tiếp. Sau ngày thứ tư bé có thể đi ngoài 4-5 lần mỗi ngày.

Trung bình mỗi ngày bé đi tiểu khoảng 20-25 lần, đi ngoài 3-5 lần. Bé bú mẹ thường đi ngoài nhiều hơn, phân cũng khác phân của bé bú sữa ngoài. Phân của bé bú mẹ thường nhuyễn đều, sền sệt, màu vàng kim, hoặc vàng nâu, có mùi chua, trong khi đó phân của bé bú bình thường đặc hơn, có mùi thối, thậm chí có bé bú bình mắc phải chứng táo bón.

Tuần hoàn: Tim của bé sơ sinh đập nhanh, trung bình từ 130-140 lần/phút, tim sẽ đập chậm dần trong các giai đoạn phát triển.

Da của bé lúc này còn non và rất dễ bị tổn thương, do đó bạn phải năng tắm rửa và giữ gìn vệ sinh cho bé.

Lúc mới được sinh ra, da bé được bao phủ bởi một lớp chất gây màu trắng (vernix), đây là một chất kem bảo vệ tự nhiên giữ cho da khỏi bị thấm nước, giữ thân nhiệt, chống lại hiện tượng bong tróc da. Vì vậy, bạn không nên lau sạch hết lớp chất đó đi để bé của bạn có một lớp bảo vệ da tự nhiên.

Giấc ngủ: ngủ nhiều là một đặc trưng của trẻ sơ sinh, và các bé thường ngủ nhiều vào ban ngày hơn ban đêm. Trung bình trẻ có thể ngủ khoảng 20 tiếng mỗi ngày, và chỉ thường thức dậy khi đói, khi bị đái ướt. Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ, vì ở giai đoạn này trẻ có thể phát triển trong khi ngủ, vì vậy hãy luôn tạo không gian yên tĩnh, thoáng khí để giúp trẻ ngủ ngon.

Theo xinhxinh.com.vn