Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kích thích óc tò mò của bé



Từ thuở nằm nôi: Ngay từ trong nôi, đứa bé luôn nhìn mẹ dù chỉ mới có vài ngày tuổi. Trẻ không ngừng đảo cặp mắt, chú ý đến mùi hương, âm thanh và “trữ” thông tin trong bộ óc non nớt của mình.

Vài tháng sau trẻ không còn nhìn vào những gương mặt và vật dụng trở nên quen thuộc nữa để tập trung vào những gì mà mình chưa biết. Đó chính là óc tò mò muốn biết cái mới. Các chuyên gia tâm lý trẻ em khẳng định: “Trẻ sơ sinh đã có sẵn óc tò mò trong đầu. Nó gắn liền với đặc tính của đứa bé”. Từ chỗ muốn biết, rồi khả năng tự nhiên này phát triển trong suốt quãng đời thơ ấu.

Tìm hiểu bằng đôi tay: Khoảng 5 - 6 tháng tuổi, đứa bé vượt qua một giai đoạn quan trọng là biết sử dụng đôi tay để tự tìm hiểu. Cách tốt nhất để phát triển óc tò mò của trẻ là đừng kích thích nó một cách giả tạo. Phải tự đứa trẻ hành động, phát hiện bằng nhiều cách và với những cố gắng lớn để đạt mục đích. Đó chính là cách thức của một đứa trẻ có óc tò mò thực sự: Về lâu dài phương pháp này sẽ càng bổ ích hơn việc “tự làm giùm” hoặc cho trẻ thấy để bắt chước. Để vừa giám sát vừa ghi nhận những tiến bộ của trẻ, bạn hãy thay đổi vị trí các món đồ chơi bỏ thêm vào các gối mềm để trẻ có thể bò lên đó... Với một đứa trẻ đã biết đi và leo trèo, chuyện sẽ phức tạp hơn vì ở độ tuổi này, óc tò mò của bé vận hành hết công suất.

Theo Treem.net