Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thức ăn gây dị ứng


Từ năm 1970 đến nay, tình trạng dị ứng thức ăn tăng gấp đôi ở nhiều nước. Đặc biệt, hiện tượng này rất phổ biến ở lứa tuổi nhi đồng. Các thống kê năm 2002 cho thấy, trên 10% số trẻ dưới 5 tuổi xuất hiện bệnh trạng quá mẫn cảm với thực phẩm (đặt biệt là các chế phẩm từ sữa). Ngày nay, các loại thức ăn chế biến sẵn, đông lạnh ngày càng phổ biến, nhất là ở các nước phát triển, các thành phố lớn. Trên nhãn của chúng đều ghi rõ các thành phần cơ bản nhất của thực phẩm, nhưng còn rất nhiều chất khác như chất phòng thối, đông tụ... (được gọi chung là “những phối liệu ẩn tàng”) không được ghi trên nhãn. Chúng có thể là nguyên nhân gây dị ứng. Bệnh nhân có thể bị sưng phồng môi, lưỡi, đau một bên đầu, ngứa ngáy... Cũng may là những trường hợp nặng rất hiếm xảy ra. Chất gây dị ứng có trong thức ăn khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn cảm. Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể đặc dị, được gọi là protein miễn dịch IgE. Nếu lại tiếp tục ăn thức ăn ấy, chất gây mẫn cảm sẽ thúc đẩy IgE kết hợp với tế bào phì đại của hệ thống miễn dịch để tạo ra histamine. Histamine sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau. Ví dụ, histamine phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm cho việc nuốt, thở khó khăn; phóng ra ở ruột thì gây đau rát như bị bỏng và đi tả; nếu phóng ra trên da sẽ gây mẩn ngứa, nổi mụn... Cũng có một số thức ăn chứa chất xúc tiến sinh histamine như cá, nhiều loại pho mát, thực phẩm lên men, rượu vang đỏ, chocolate... Đặc biệt, cá (nhất là cá đông lạnh) thường sản sinh nhiều histamine ở mặt ngoài. Thực phẩm dễ gây dị ứng nhất là các chế phẩm từ sữa, rồi tới trứng, trai, sò, ốc, đậu nành, đậu vàng, lạc, hạnh đào... Nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng quá mẫn cảm thực phẩm là do sử dụng quá nhiều chất phụ gia khi chế biến. Trong những thứ ta ăn hằng ngày, có tới 90% là thực phẩm gia công hoặc có cho chất phụ gia. Một nguyên nhân nữa là tính đơn nhất về chủng loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng. Để thỏa mãn 80% mức tiêu hao nhiệt lượng mỗi ngày, chỉ cần 11 loại thức ăn là đủ, nên mọi người thường chỉ quanh đi, quẩn lại sử dụng các loại đó mà thôi. Kết quả là sự tích tụ chất gây dị ứng từ các thực phẩm này ngày càng nhiều. Vì vậy, các chuyên gia khuyên nên tìm mọi cách để thay đổi chủng loại thức ăn nhằm làm chậm thời gian tích lũy những hóa chất đủ đạt tới số lượng gây dị ứng. Hiện nay, có thể thông qua một loạt thử nghiệm để xác định cơ thể có mẫn cảm hay không với một loại thức ăn nào đó. Một phương pháp phổ biến là thí nghiệm hấp phụ phóng xạ PRIST: đắp chất nghi ngờ gây dị ứng lên da bắp tay, sau đó quan sát phản ứng ở da để xác định. Khi đã xác định được chất gây mẫn cảm đối với một người nào đó, thì cách duy nhất để tránh là khuyên họ không ăn loại thức ăn chứa chất ấy nữa. Tuy một số phương pháp điều trị đã được đưa ra, nhưng đến nay chúng vẫn chưa được chấp nhận sử dụng (ví dụ phương pháp tiêm tăng dần liều lượng chất gây mẫn cảm để đạt tới mục đích miễn dịch). Như vậy, trên thực tế, hiện vẫn chưa có dược chất hữu hiệu nào để phòng ngừa các thức ăn quá mẫn cảm. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng hơn nữa trong vấn đề ăn uống. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)