Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thương con từ thuở cấn thai



Ngay từ khi cấn thai, theo lời khuyên của các bác sĩ, thai phụ cần phải làm một số xét nghiệm cần thiết. Mục đích để phát hiện sớm những bất thường cho cả thai phụ lẫn thai nhi nhằm có biện pháp điều trị thích hợp


Chị Chánh cư ngụ tại Bình Thạnh đau buồn kể: “Khi trước chưa có chẩn đoán tiền sản để phát hiện dị tật thai nhi nên khi em trai tôi sinh ra mới biết là bị bệnh Down. Sau 28 năm sống cùng gia đình, em đã vĩnh viễn ra đi. Đến khi tôi có thai, mẹ tôi giục phải đi chẩn đoán tiền sản. Tôi biết bà không muốn tôi nếm trải nỗi đau như bà…"


Từ ngày đầu


Đầu tiên là thử nước tiểu toàn bộ; việc lấy nước tiểu được thực hiện tại phòng khám và có kết quả sau 30 phút. Xét nghiệm này nhằm phát hiện các trường hợp bị bệnh thận, cao huyết áp và biết được mức độ trầm trọng của bệnh để theo dõi suốt thai kỳ. Kế đến là xét nghiệm huyết trắng để phát hiện viêm nhiễm đường sinh dục. Kết quả cũng có sau 30 phút. Những viêm nhiễm này nếu không điều trị sẽ là nguyên nhân gây sảy thai, sinh non… Vì vậy, khi phát hiện có bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị và không bỏ dở nửa chừng. Xét nghiệm máu để dự phòng cho việc truyền máu có thể thực hiện khi sinh bị mất nhiều máu, việc thiếu máu khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi và bà mẹ.


Ái ngại nhất là xét nghiệm tìm các bệnh truyền nhiễm viêm gan siêu vi B, giang mai, HIV/AIDS. Thế nhưng dù có ngại vẫn phải thực hiện để tìm cách giải quyết tốt nhất cho trẻ. Nếu bị viêm gan, thai phụ sẽ được hướng dẫn cách tránh lây nhiễm cho bé sau sinh cũng như lưu ý nhiều hơn trong lúc mang thai vì có thể gan bị bệnh sẽ làm việc yếu hơn trong khi mang thai và đưa đến một số bệnh khác. Nếu bị giang mai, thai phụ cũng được điều trị sớm để không lây bệnh cho bé, các bệnh do giang mai gây ra cho thai rất nguy hiểm: mù, đần độn, dị dạng… Nếu bị nhiễm HIV, thai phụ sẽ được theo dõi thai trong chương trình đặc biệt, được phát thuốc và sữa miễn phí phòng lây nhiễm. Trong trường hợp này, thai phụ không bị phân biệt đối xử, không bị công khai danh tánh…


Tìm bất thường của thai


Trở lại với trường hợp bệnh Down, đây là bệnh khó phát hiện và kỹ thuật này cũng mới được thực hiện gần đây tại các bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, FV, Quốc tế phụ sản… Trung bình cứ 1.000 trẻ sinh ra có một trẻ bị bệnh này. Tuy nhiên khi thai phụ trên 40 tuổi, tỉ lệ này là 1/100. Bệnh không chữa được, kể cả ở các nước phát triển (do rối loạn nhiễm sắc thể 21) biểu hiện bằng chậm phát triển tâm thần và bất thường một số cơ quan khác.


Để phát hiện bệnh này, thai phụ cần thử máu khi thai được 14 - 20 tuần tuổi, nếu âm tính thì không làm thêm xét nghiệm nhưng nếu dương tính phải làm thêm xét nghiệm nước ối. Xét nghiệm này vừa phát hiện bất thường nhiễm sắc thể vừa xác định các bệnh nhiễm trùng bào thai (nguyên nhân gây sinh non, thai dị tật…). Kỹ thuật này cho kết quả chính xác. Ngoài ra, còn có một xét nghiệm tìm các bệnh nhiễm trùng bào thai (TORCH) chỉ thực hiện khi nghi ngờ nhiễm bệnh: Toxoplasma, Rubella… Khi xét nghiệm nếu phát hiện có bệnh sẽ không điều trị bệnh trong lần mang thai này nhưng dự phòng được cho lần mang thai sau.

 
Siêu âm là một trong những xét nghiệm được các "bà bầu" quan tâm thực hiện, có điều không phải để tìm bệnh mà là muốn biết con mình là trai hay gái. Thực chất siêu âm nhằm xác định tình trạng thai khoẻ hay không, có bất thường hay không. Tối thiểu trong một thai kỳ thai "bà mẹ tương lai" nên siêu âm 3 lần. Lần đầu xác định tuổi thai xem có phát triển bình thường hay không, siêu âm vào khoảng thai 10- 12 tuần tuổi. Lần thứ hai khi thai khoảng 20 - 24 tuần tuổi và lần 3 vào từ 30 -33 tuần tuổi nhẳm khảo sát thai, bánh nhau, nước ối (ít ối hay nhiều ối)…