Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Căng thẳng khi mang thai có ảnh hưởng em bé?


Căng thẳng kéo dài khi mang thai có thể gây sảy thai hoặc sinh non, thai phụ cần biết cách thư giãn để em bé khỏe mạnh.

Căng thẳng khi mang thai xuất phát từ nỗi lo về công việc; sợ sảy thai; khó chịu khi có các triệu chứng như nôn, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, đau lưng; lo lắng về tài chính và chăm sóc cho đứa trẻ trong tương lai; hoặc sợ chuyển dạ và sinh con đau đớn. Nếu thời gian căng thẳng không kéo dài, em bé không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, người mẹ bị căng thẳng mạn tính hoặc trải qua các sự kiện tiêu cực có thể gây sảy thai hoặc sinh non. Các sự kiện tiêu cực bao gồm người thân qua đời, ly hôn, bị sa thải, thay đổi chỗ ở, khó khăn về tiền bạc, trầm cảm, trải qua thiên tai...

Một đánh giá năm 2017 đã chỉ ra những phụ nữ phải trải qua sự kiện tiêu cực trong cuộc sống hoặc tiếp xúc với căng thẳng tâm lý, bị tăng gấp đôi nguy cơ sảy thai. Đánh giá tương tự cũng chỉ ra sự liên kết giữa tăng căng thẳng nơi làm việc và sảy thai, đặc biệt ở nhóm làm ca đêm.

Một nghiên cứu nhỏ khác liên kết căng thẳng với sinh non, tức là em bé chào đời trước tuần thứ 37, cho thấy trẻ sinh non có nguy cơ cao bị chậm phát triển, rối loạn học tập, tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch mạn tính, tiểu đường khi trưởng thành.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người mẹ nên giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt.

Căng thẳng mạn tính ảnh hưởng tiêu cực tới thai kỳ. Ảnh: Freepik

Thai phụ nên nói chuyện với người tin cậy, ví dụ bạn đời, bạn thân, bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc tham gia nhóm các bà bầu trực tuyến. Việc nói chuyện trút bầu tâm sự và cảm thấy được lắng nghe mang tới các giải tỏa về mặt tinh thần tức thì. Nếu gặp khó khăn, nên nhờ bạn bè, gia đình, hàng xóm và đồng nghiệp giúp đỡ khi mệt mỏi.

Bài tập thiền, tập yoga trước khi sinh cũng có tác dụng. Mỗi khi căng thẳng, thai phụ hãy hít thở sâu để tâm trí bình tĩnh, cơ bắp thư giãn.

Nghỉ ngơi và tập thể dục cũng có tác dụng xoa dịu tinh thần. Ví dụ đi ngủ sớm hơn bình thường hoặc ngủ một giấc ngắn, tập các bài có tác động thấp như bơi lội hoặc đi bộ, hoặc thực hiện một chuỗi yoga ngắn trước khi sinh.

Người mẹ cũng có thể nghe nhạc trong vòng 30 phút để giảm cortisol, một loại hormone gây căng thẳng cho thể; ngâm mình trong bồn nước ấm; nên nhờ gia đình xoa bóp chân để khắc phục cơn đau nhức khi mang thai.

Tránh tình trạng ăn không kiểm soát để giảm căng thẳng, hãy cố gắng ăn uống lành mạnh, giảm đường, uống nhiều nước và ăn sáng đều đặn. Chị em không nên tăng cường độ làm việc hoặc để tình trạng mệt mỏi kéo dài; không cố gắng làm việc quá sức; nên tham gia lớp học về mang thai, chăm sóc trẻ sơ sinh, lập kế hoạch sinh nở. Nếu chị em cảm thấy quá mệt mỏi, hãy đi khám ngay để được điều trị.

Những người từng trải qua thảm họa có thể mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có nguy cơ cao sinh non hoặc sinh em bé nhẹ cân. Lúc này, thai phụ cần được điều trị y tế.

Chi Lê(Vnexpress.net)

(Theo Healthline)