Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con ơi ra nhanh nào!


Bác sĩ bảo đúng lịch tháng 3 vừa rồi mẹ sẽ được gặp con, thế mà con lại trễ hẹn đến gần 2 tuần sau đó. Thế vẫn chưa đủ, con còn ngập ngừng khi ra khiến mẹ khổ sở vô cùng...

Đó là lời tâm sự trong cuốn nhật ký thai kỳ của một bạn đọc, Khánh Thương (Nghệ An). Tính đủ 40 tuần mang thai, thế nhưng khi chuyển dạ cu cậu trong bụng Thương có vẻ thích cuộn mình ấm áp trong lòng mẹ hơn là ra ngoài.

Còn mẹ thì cứ đếm từng giây chờ thời khắc con chui ra, tính từng cơn co thắt xuất hiện liên hồi, thậm chí đã nhập viện từ hai ba ngày trước vì sợ đau. Không thua gì Thương, bà bầu Khai Minh (Hải Phòng) cũng gặp trường hợp "khó nhằn" không kém.

"Thời gian chuyển dạ khi sinh con đầu của tôi dài vô cùng. Đó là do thai nhi nằm trật tư thế, và tôi phải điều chỉnh cách nằm một lúc để con quay lại với vị trí sinh nở ban đầu mới ra được".

Đau đẻ luôn là nỗi ám ảnh tột cùng của nhiều phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Nhưng điều tồi tệ hơn là thời gian đau đẻ bị trì hoãn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình như vị trí của thai nhi, các cơn co thắt bất thường, xương chậu hẹp, thai phụ kiệt sức hoặc mất nước, tâm lý không ổn định gây cản trở cơ thể tiết hormone sinh nở.

Tuy vậy, thời gian chuyển dạ nhanh hay chậm phần lớn phụ thuộc vào cơ địa của bà bầu, bạn vẫn có thể tự trau dồi những bí quyết riêng để gọi bé ra nhanh với mẹ.

Con chuẩn bị ra nào!

Bước 1: Đi dạo

Thông thường những rắc rối trong thời gian đau đẻ đa phần do thai nhi dịch chuyển khỏi vị trí sinh nở. Chính vì vậy, những cuộc đi dạo ngắn vào những ngày cuối thai kỳ sẽ giúp chỉnh lại "lỗi", đặt đầu con trở về dưới xương chậu.


Những cuộc đi dạo ngắn vào những ngày cuối thai kỳ sẽ giúp chỉnh lại "lỗi",
đặt đầu con trở về dưới xương chậu. (ảnh minh họa)

Bước 2: Kích thích "nhũ hoa"

Nhằm sản xuất oxytoxin một cách tự nhiên, giúp tăng tốc cơn đau đẻ để nó kết thúc sớm trong thời gian sớm nhất. Massage vùng ngực trong vòng 20 phút khi tắm và để dòng nước kích thích oxytoxin trong cơ thể bạn.

Ngoài ra, hiện nay nhiều bà bầu đã sử dụng máy hút sữa bằng tay trong quá trình nuôi trẻ sơ sinh. Nếu kết hợp nó trong quá trình kích thích "nhũ hoa", có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bước 3: Làm "chuyện ấy"

Miễn là bạn chưa bị vỡ ối hay đang trong giai đoạn đầu của cơn đau, thì một chút "cuộc vui" đôi lúc là liều thuốc tuyệt vời. Nó cung cấp một loại hormone mang tên relaxin được tìm thấy ở tinh dịch, có khả năng làm mềm cổ tử cung cũng như kéo dài dây chằng xương chậu, giúp chuyến vượt cạn dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, tốt nhất nên kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi bắt đầu bất cứ phương pháp nào. Cho dù bạn có muốn được gặp cục cưng sớm đến mức nào, thì thời gian đủ để thai nhi hoàn thiện mình là vô cùng quan trọng vì chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau của bé.

Bước 4: Chế độ dinh dưỡng đặc biệt

Uống nhiều nước và cung cấp thức ăn vặt cho cơ thể vì cơ thể trong tình trạng thiếu nước sẽ kéo dài tiến trình sinh nở. Bên cạnh đó, thức ăn vặt có khả năng cung cấp năng lượng giúp bạn chống chọi với cơn đau đẻ một cách nhanh chóng nhất. Ngoài ra, còn một vài gợi ý mà bạn không thể bỏ qua:

Nước dứa: Không chỉ chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, C và kali, nước dứa còn cung cấp cả bromelain giúp làm mềm tử cung. Tuy nhiên, chỉ nên dùng nước dứa trong giai đoạn cuối thai kỳ. Nếu sử dụng vào giai đoạn đầu có thể gây tiêu chảy, khó chịu.

Chè mè đen: Dùng trong khoảng tuần thứ 2 - 35, vừa tăng cường dinh dưỡng, vừa chữa được nhiều chứng bệnh phổ biến trong thai kỳ. Chè mè đen còn giúp tiêu hóa tốt.

Nước lá tía tô: Được coi là thức uống phổ biến của thai phụ, nước lá tía tô giúp làm mềm cổ tử cung và giảm cơn đau. Đừng quên chỉ nên dùng thức uống này trong những lần xuất hiện cơn chuyển dạ.

Rau lang luộc: Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, món ăn này còn chữa táo bón và trĩ, hai "thủ phạm" nguy hiểm cho những cơn đau đẻ. Trong những tuần cuối cùng, thai phụ nên ăn rau lang luộc thường xuyên để mở rộng cổ tử cung và rút ngắn thời gian sinh nở.

Bước 5: Cầu cứu bác sĩ

Tham khảo ý kiến bác sĩ về piocin vì đây là loại chất thường xuyên được kê đơn khi cơn đau đẻ kéo dài trầm trọng. Dù vậy, đây không phải là thuốc kê đơn thông thường mà có thể bạn phải vừa dùng, vừa sử dụng máy theo dõi trong bệnh viện. Từ bác sĩ, bạn còn có thể tìm ra tư thế thoải mái nhất khi sinh.

Phương pháp "thủ công" khi ở nhà

- Nếu bạn đang nằm trên giường, hãy dậy ngay. Tư thế thay đổi linh hoạt có khả năng suy giảm co thắt, làm hạn chế cơn đau rất nhiều.

- Nếu không thể đi dạo, bạn cần tìm mọi cách di chuyển trong nhà để thai nhi nằm đúng vị trí, đầu chúi xuống tử cung.

- Trong những tháng cuối thai kỳ, bạn có thể đăng ký vài buổi học để biết cách massage để quá trình chuyển dạ diễn ra nhẹ nhàng nhanh chóng.

- Châm cứu và sử dụng một số loại thuốc thảo dược trong thai kỳ cũng cho kết quả tương tự.

Theo Bảo Vi (Mẹ yêu bé)