Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lời khuyên cho bà bầu công sở


Cho dù bạn mệt mỏi vì những triệu chứng khó chịu của thời kỳ thai nghén, bạn vẫn phải hoàn thành công việc của mình. Cách tốt nhất là hãy làm quen và thích nghi với tình trạng mới của bạn.

Tránh nghén khi đi làm

Tùy theo cơ địa của từng người, nhưng đa phần phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng này trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt các tình trạng này bằng cách:

- Tránh xa tác nhân gây buồn nôn: Mũi bạn đặc biệt nhạy cảm với một số mùi thức ăn và hương thơm khiến bạn cảm thấy nôn nao, khó chịu... Bạn cần nhận biết các loại mùi này và tránh xa nó ở nơi làm việc.

- Ăn "qua loa": Hãy luôn để trong ngăn bàn hoặc tủ làm việc của bạn những đồ ăn nhẹ bạn thích. Đừng để mình bị đói hay no quá, vì lúc đó sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng buồn nôn.

- Uống nhiều nước: Cơ thể bạn rất cần nước khi mang thai, đặc biệt là giai đoạn đầu. Nếu bạn không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể cũng rất dễ bị buồn nôn.

Kiểm soát mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng song hành cùng bạn trong suốt thai kỳ, đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Hãy làm quen với triệu chứng này bằng cách:

- Sắp "lịch làm việc" cho cơ thể: Hãy tập trung giải quyết những công việc quan trọng, cần sự tập trung cao vào khoảng thời gian mà bạn làm việc hiệu quả nhất trong ngày (buổi sáng hay buổi chiều). Thời gian còn lại là lúc bạn bị sự mệt mỏi làm mất tập trung, vì vậy bạn chỉ nên giải quyết những công việc lặt vặt còn lại.

- Nghỉ ngơi: Đừng nên làm việc quá sức mà phải kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Cứ cách khoảng 1-2 tiếng, bạn nên đứng dậy đi lại vài phút, làm vài động tác thể dục đơn giản cho thư giãn. Bạn cần phải nghỉ trưa, dù bạn không buồn ngủ. Chỉ cần nhắm mắt khoảng 30 phút, để cho toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, bạn sẽ giảm được rất nhiều sự mệt mỏi.

- Tránh đồ ăn vặt ngọt: Đồ ăn có đường giúp bạn tăng năng lượng nhanh chóng nhưng chỉ là ngắn ngủi, bởi ngay sau đó, bạn sẽ thấy còn mệt hơn do lượng đường trong máu giảm xuống. Tốt nhất, bạn nên ăn nhẹ với những thứ có protein như bánh mỳ kẹp phô mai, sữa chua với hoa quả... Chúng sẽ giúp bạn tỉnh táo và có ngày làm việc hiệu quả.

- Nghe nhạc thư giãn: Nếu công việc cho phép, bạn có thể tranh thủ nghe nhạc thư giãn trong giờ làm việc. Hãy đeo tai nghe để không ảnh hưởng tới người xung quanh. Nếu không được nghe nhạc khi làm việc, bạn có thể tận dụng thời gian đi vệ sinh để nghe nhạc từ điện thoại di động. Mang thai sẽ khiến bạn phải tới nhà vệ sinh nhiều hơn.

- Rửa mặt với nước mát: Vốc nước mát rửa mặt và rửa tay sẽ khiến bạn sảng khoái ngay tức thì.

- Đơn giản là dừng lại và hít thở: Hầu hết chúng ta không hít thở đúng cách. Khi hít thở đúng, lượng oxy sẽ tăng cho cơ thể, khiến bạn tỉnh táo. Do đó, khi thấy uể oải, lờ đờ bạn hãy thử bài tập đơn giản: Đứng dậy, hít sâu qua mũi và thở ra từ từ qua miệng, vài phút. Nó sẽ khiến bạn thư giãn ngay lập tức.
Đi khám thai

Trong những tháng đầu thai kỳ, bạn nên đi khám thai định kỳ hàng tháng và tăng dần các lần khám khi vào giai đoạn cuối. Để tránh ảnh hưởng đến công việc, bạn có thể đi khám vào buổi trưa hoặc ngoài giờ hành chính. Bạn nên sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ để có được sự chăm sóc tốt nhất.

Vận động thích hợp

Đừng nên để cảm giác "chây ì" chế ngự bạn. Hãy chịu khó vận động hợp lý, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn.

- Ngồi: Nếu như bạn làm công việc văn phòng, ghế ngồi rất quan trọng. Ghế có độ cao vừa phải để giúp bạn dễ đứng lên ngồi xuống, và có chỗ tì cánh tay, có đệm mút...
Chú ý đến độ chắc chắn của ghế. Nếu có thể hãy gác chân bạn lên cao để giảm hiện tượng phù trong giai đoạn cuối thai kỳ.

- Đứng: Khi mang bầu, sự giãn nở mạch máu khiến cho máu dồn xuống chân khi bạn đứng lâu. Hiện tượng này có thể làm bạn thấy đau, hoa mắt chóng mặt, thậm chí còn bị ngất. Khi đứng, bạn có thể kết hợp tựa lưng vào tường, để giảm sức đè lên chân. Bạn cũng có thể đặt một chân lên cái hộp hoặc cái ghế thấp. Rồi lần lượt đổi tư thế sang chân kia.

Hãy chọn giày cho thật thoải mái, thỉnh thoảng bỏ giày ra để chân được nghỉ ngơi thoáng đãng.

- Cúi người và bê đồ: Để tránh bị đau lưng, hãy chú ý đến tư thế chuẩn khi cúi người hoặc mang vác vật nặng. Ngồi hẳn xuống và giữ chặt vật cần mang, giữ thẳng lưng hết sức có thể. Giữ vật gần sát với cơ thể khi vận dụng cơ chân đứng dậy. Uốn cong đầu gối một bên chân sao cho đầu gối cao hơn phần eo để lấy một vật gì lên khỏi sàn nhà. Tránh xoay người khi bê đồ.

- Tập thể dục: Sau giờ làm việc, buổi tối hoặc buổi sáng sớm, nếu bạn có thể sắp xếp được thời gian, hãy tập thể dục nhẹ như đi dạo, bơi... vừa giảm stress vừa tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong những tháng cuối những bài tập đòi hỏi sự căng cơ của yoga hay Pilates sẽ không thích hợp với bạn nữa (Do các khớp và dây chằng của bạn sẽ dãn dần trong khi mang thai nên những bài tập này có thể khiến bạn bị tổn thương).

Ngoài ra với những nhân viên văn phòng thì cả ngày ngồi trong môi trường điều hòa, thiếu nắng, thiếu gió sẽ làm bạn bị thiếu oxy, sinh mệt mỏi. Bởi thế ra ngoài dạo bộ 5-10 phút trước giờ ăn trưa giúp bạn tăng năng lượng và có thêm vitamin D từ ánh nắng.

Điều kiện làm việc

Điều kiện làm việc và những công việc hàng ngày ở công sở có thể gây nguy hiểm đối với bạn. Bạn nên lưu ý để không: Mang vác vật nặng liên tục; Đứng quá lâu; Làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, có độ rung mạnh, chẳng hạn như từ các nhà máy sản xuất công nghiệp; Tiếp xúc với hoá chất độc hại.

Lưu ý khi làm việc với máy tính

Nhiều phụ nữ lo lắng việc ngồi quá lâu trước máy vi tính có thể gây nên tình trạng chuyển dạ sớm hoặc bị sảy thai. Tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định, điện từ của các thiết bị điện tử trong đó có máy vi tính làm gia tăng tình trạng sảy thai hay những tổn hại sức khỏe khác cho bà bầu. Phần lớn các luồng điện tử đều phát ra từ mặt sau của máy vi tính. Hơn nữa, loại sản phẩm này ngày nay đã được cải tiến giảm thiểu tối đa tác hại của lực điện từ lên cơ thể người sử dụng.

Dĩ nhiên, bạn nên kiểm soát thời lượng ngồi trước màn hình máy tính (bao gồm cả việc xem tivi). Sẽ có lợi hơn cho sức khỏe khi thi thoảng, bạn đứng dậy đi dạo xung quanh cho dù bạn có mang thai hay không.

Khắc phục mệt mỏi do làm việc nhiều với máy tính:

- Trong quý I của thai kỳ, bạn có thể gia tăng triệu chứng buồn nôn, chóng mặt khi phải tiếp xúc với màn hình máy vi tính cả ngày. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn cùng lúc tiếp cận với nhiều mùi lạ của thức ăn. Nếu bạn muốn chống đói nơi công sở, nên chọn loại đồ ăn khô, ít mùi, dùng kèm với sữa, vừa giúp bạn nạp thêm năng lượng vừa giảm thiểu dấu hiệu ốm nghén. Bạn nên uống đủ nước trong cả ngày làm việc vì thiếu nước làm tăng nguy cơ buồn nôn.

- Khi mang thai, bạn khó mà duy trì tốc độ làm việc như trước đây. Ngay khi có dấu hiệu xuống sức, bạn nên nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể cho dễ chịu. Nếu được, bạn nên di chuyển đến một nơi thoáng gió hơn để thư giãn cơ thể hoặc chọn một chỗ trống trong phòng và duy trì giấc ngủ ngắn ban trưa.

- Nếu bạn thường mệt mỏi vào buổi chiều, nên sắp xếp công việc quan trọng vào buổi sáng, lúc đó tinh thần bạn thường minh mẫn hơn. Với những phần việc không đòi hỏi bạn phải ở bên cạnh máy tính như nghe điện thoại, kiểm tra hóa đơn, chứng từ... bạn nên đứng dậy hoặc tìm một chỗ làm việc khác, tránh xa màn hình máy tính. Với những phần việc căng thẳng như phải kiểm tra số liệu trên máy, bạn có thể nhờ đồng nghiệp làm giúp để tránh mỏi mắt, chóng mặt...

- Công việc đòi hỏi phải ngồi bên máy tính liên tục, cứ sau 1-2 giờ đồng hồ, bạn nên đứng dậy, đi loanh quanh khoảng 3-5 phút. Khi ngồi, bạn nên chọn vị trí phù hợp, có thể đặt một chiếc gối nhỏ sau lưng để dễ dàng khi tựa. Ngoài ra, bạn có thể đặt chân lên một chiếc hộp nhỏ để thoải mái và chia đều áp lực lên nhiều phần khác nhau của cơ thể khi thai nhi càng ngày càng lớn.

- Nếu phải cúi xuống để tắt, mở máy, bạn nên khuỵu một bên gối, không gập cả người xuống. Sau đó, từ từ chống một bên tay xuống trong khi tay kia điều khiển động tác khởi động máy. Bạn nên tránh những hành vi như vặn mình, cúi người quá sức...

Tránh bị khô, mỏi mắt:

- Bạn nên thường xuyên chớp mắt. Bởi vì cường độ làm việc trước màn hình máy tính không chỉ khiến mắt bạn khô mà còn bị mỏi do phải điều tiết nhiều. Do đó, chớp mắt là thói quen tốt, điều chỉnh được sự mỏi mắt.

- Cách 10 phút một lần, bạn nên nhìn xa khoảng 10m, tránh máy vi tính để mắt được thư giãn. Đừng nhìn chằm chằm vào màn hình vi tính trong thời gian dài. Điều này sẽ khiến mắt của bạn bị mỏi, ít nháy mắt, gây khô mắt. Hãy đảm bảo máy tính bằng hoặc thấp hơn tầm mắt để bạn không phải ngước mắt.

- Giờ nghỉ, bạn không nên chơi game hoặc lướt mạng nhiều, nên để mắt nhìn ngắm những hiện tượng, đồ vật tự nhiên xung quanh: Một bức tranh hoặc một chậu cây cảnh cũng giúp mắt bạn được xoa dịu.

- Chú ý tới vị trí đặt máy vi tính trong phòng làm việc. Nếu máy tính của bạn được đặt ở nơi nhiều ánh sáng, mắt sẽ nhanh bị mỏi. Thay vào đó, bạn có thể thảo luận cùng cấp trên hoặc đồng nghiệp, kê lại bàn làm việc sao cho máy tính được đặt ở chỗ tối hơn một chút, sẽ tốt hơn cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ mắt cách xa màn hình máy tính khoảng 20-30cm.

- Tạo bầu không khí đủ ẩm ở nơi làm việc. Có thể mở cửa sổ hoặc dùng máy tạo độ ẩm. Nên có cây cảnh trên bàn làm việc hoặc cây xanh xung quanh nhà. Nhớ tưới nước thường xuyên cho cây.

- Massage mí mắt bằng cách lấy đầu ngón tay trỏ, nhẹ nhàng day ở hai bên mí mắt, chuyển dần vào bầu mắt. Điều này kích thích các chất nhầy đẩy ra mắt của bạn.

- Vệ sinh mắt: Dùng bông gòn và nước ấm để làm sạch trên - dưới mí mắt và xung quanh mắt.

- Bảo vệ đôi mắt khỏi những yếu tố như gió, nóng, không khí khô. Vào mùa hè, nên đeo kính mát khi đi đường.

- Khói thuốc lá gây kích thích mắt. Vì thế, thêm một lý do nữa để bạn tránh xa khói thuốc lá.

- Để tránh tình trạng khô mắt, bạn nên chọn một loại thuốc nhỏ mắt an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú để vệ sinh mắt hàng ngày. Tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng thuốc nhỏ mắt.

Lưu ý khi sắp đến ngày sinh

Ngoài việc chuẩn bị những thứ cần thiết khi bạn đi sinh, bạn cũng cần phải sắp xếp lại công việc của mình cho hợp lý. Hãy báo cho cấp trên của bạn biết ngày dự sinh trước khoảng 2 tháng để đảm bảo công việc của bạn sẽ không bị gián đoạn trong thời gian bạn nghỉ.

Bạn cũng cần phải tìm hiểu về chính sách hỗ trợ đối với sản phụ ở cơ quan cũng như các chế độ bảo hiểm để được trợ giúp hợp lý. Dự tính đi làm trở lại khi bạn hoàn toàn sẵn sàng cả về thể chất và tinh thần.

Theo Mevabe.net