Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm cho trẻ con thì đừng tính toán


Bắt đầu từ 12.8, tại Nhà hát TP.HCM, mỗi tháng hai lần vào sáng chủ nhật sẽ diễn ra chương trình tạp kỹ Cầu vồng tuổi thơ gồm ca nhạc, xiếc, múa rối, cải lương thiếu nhi, hoà nhạc kèn đồng... phục vụ thiếu nhi hoàn toàn miễn phí. 500 chỗ ngồi trong nhà hát cùng các hoạt động phía tiền sảnh sẽ mở ra muôn vàn điều thú vị cho tuổi thơ. Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với ông Lê Hữu Luân (nghệ sĩ, MC Hữu Luân), phó giám đốc trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, về chương trình này.


Ca sĩ Cẩm Vân trong chương trình Cầu vồng tuổi thơ. Ảnh: Thanh Hiệp


Các chương trình giải trí sống động, thú vị nhưng có tính giáo dục dành cho thiếu nhi là mơ ước của nhiều phụ huynh, thế nhưng đến thời điểm này, dường như không nhiều các sân chơi định kỳ dành cho các em. Cầu vồng tuổi thơ chắc đã trải qua rất nhiều thử thách mới có mặt vào dịp này?
Các chương trình miễn phí dành cho thiếu nhi đã được suy tính rất nhiều, nhưng rồi vì vấn đề kinh phí mà cứ lần lữa hoài. Trung tâm biểu diễn đã nhiều lần đi phục vụ cho các em thiếu nhi ngoại thành nhưng không theo định kỳ. Chúng tôi đã rất xót xa và suy nghĩ nhiều về khát khao của nhiều em nhỏ vùng ven, ước mong được một lần ngồi xem ca nhạc, xem kịch ở nhà hát. Cầu vồng tuổi thơ ra đời từ mơ ước đó của các em, không chỉ phục vụ miễn phí cho các em thiếu nhi thành phố, chúng tôi còn chủ động mời các em từ các nhà mở, mái ấm tình thương, làng SOS, trẻ em vùng ven đến với chương trình. Đây sẽ là chương trình tạp kỹ với hoà nhạc kèn đồng, xiếc, múa rối, ca nhạc, cải lương...


Trong ngày ra mắt đầu tiên, chương trình đã có sự tham gia của ca sĩ Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ, NSƯT Phi Vũ... bên cạnh hai hoạt động chính là triển lãm ảnh Con nít cười với 35 bức chân dung với nhiều góc cạnh khác nhau về nụ cười trẻ thơ của Đoàn Khoa và công diễn vở cải lương Tiểu anh hùng Nam quốc. Với vở cải lương này, chúng tôi mong muốn đem đến cho các em những giờ thư giãn thú vị với nghệ thuật truyền thống của dân tộc và giúp các em thêm tự hào về lịch sử cha ông.


Cầu vồng tuổi thơ hoạt động không dựa trên số tiền vé bán được. Vậy anh có lo lắng cho sự tồn tại lâu dài của chương trình hay không?
Khi chúng tôi làm chương trình này, nhiều người hỏi tiền ở đâu ra mà làm. Đành rằng làm gì cũng phải có tiền nhưng nếu cái gì cũng nói đến tiền, tính bằng tiền thì lấy đâu ra các chương trình định kỳ, miễn phí, có chất lượng dành cho các em thiếu nhi? Ban đầu là kinh phí được hỗ trợ từ Nhà nước, sau đó các đơn vị muốn tham gia tài trợ thì chúng tôi rất sẵn lòng, ví dụ như ngay lần đầu tiên đã có Kinh Đô tham gia. Hiện tại chương trình diễn hai lần/tháng, nhưng qua năm 2013, nếu được thì sẽ diễn ra bốn lần/tháng. Mục đích của chương trình là phục vụ cho các em thiếu nhi, đặc biệt là các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, các trung tâm, mái ấm, các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ ngay tại trung tâm quận 1 nên hoàn toàn miễn phí. Tôi tin rằng khi mình đặt vấn đề khác đi, không phải là làm nghệ thuật để kiếm tiền thì người ta cũng sẽ đến với mình bằng cách khác.


Buổi ra mắt đầu tiên, ban tổ chức có nhận được sự quan tâm như mong đợi?
Hội trường Nhà hát TP.HCM và tiền sảnh rất đông. Nhiều người lớn, trẻ em lần đầu tiên đặt chân đến đây. Chùa Lá đưa 250 em đến, rồi mái ấm Thiện Duyên từ Củ Chi, một mái ấm từ quận 10, các phụ huynh cũng đưa con em đến... đã tạo nên một ngày chủ nhật sinh động, đầy ý nghĩa. Sau này, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các đơn vị hỗ trợ khâu đưa đón, bánh nước phục vụ cho các em ngày càng tốt hơn.


Các nghệ sĩ có sẵn lòng tham gia phục vụ cho các em không, thưa ông?

Ngay trong chương trình đầu tiên đã có rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng tham gia. Chúng tôi cũng sẽ tính toán kỹ để mời những ca sĩ có các ca khúc phù hợp. Riêng ở phần cải lương thiếu nhi, nhóm của Bạch Long sẽ là lực lượng nòng cốt.


Theo SGTT.VN