Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Truyện tranh Việt bao giờ hút hồn trẻ Việt?


Khoảng 80% truyện tranh ở VN là truyện Nhật, 20% còn lại là một số bộ truyện của Hàn Quốc, Bỉ, Pháp, Mỹ... - đó là con số ước tính của những người chuyên làm truyện tranh. Nghĩa là truyện tranh VN đang rất hiếm hoi kỳ lạ ngay trên đất Việt... Nằm rất khiêm tốn trong số 20%, truyện tranh VN gần như chỉ có mỗi Thần đồng đất Việt (Nhà xuất bản Trẻ) là sống được. Otaku Việt mê mẩn Manga là thể loại truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản. Khi manga truyền bá vào VN với tốc độ ngày càng ồ ạt, tuổi nhỏ lúc đầu đọc truyện nhỏ: Đôrêmon, Pokemon, Ớt bảy màu..., bây giờ thì đọc cả truyện lớn để “hiểu thêm, biết nhiều”. Các em đọc tất tần tật truyện chiến đấu của nam: Jindo, Siêu nhân loạn thị..., truyện lâm li của nữ: Nữ hoàng Ai Cập, Dòng sông huyền bí, Vũ khúc Thiên Nga... Và những otaku (người mê truyện tranh theo phong cách Nhật) Việt từ lớn đến nhỏ cứ thế mà mê mẩn, tôn sùng, ca ngợi, học theo những khuôn mẫu, những ứng xử của thế giới truyện tranh Nhật. Bên cạnh những truyện có nội dung tốt, ngày càng xuất hiện nhiều “tác phẩm” mà người lớn nhìn vào cũng nóng mặt. Nhan nhản những cảnh máu me, chém giết, bạo lực hay gợi tình, gợi dục. Nguy hiểm hơn là có những thể loại như hentai, yaoi, yuri - chuyên về sex, shounen - ai -chuyên về đồng tính nam, shoujo - ai - chuyên về đồng tính nữ... Lắt lay truyện tranh Việt Với sự đổ bộ ào ạt về số lượng và chất lượng (hình thức đẹp, nội dung hấp dẫn) của truyện tranh Nhật, phải nói những Nam, Mai, Tí, Tèo của Cô tiên xanh hay Những tấm lòng cao cả - vốn dĩ đã nhạt phèo đối với trẻ Việt - nay càng hết đường sống! Một thực tế cần phải nhận thấy là “truyện mình xấu quá!” - rất nhiều fan truyện tranh than thở như thế. Nét vẽ cứng, không linh động, lại bê nguyên xi hình mẫu nhân vật bên ngoài vào truyện, trong khi truyện tranh là thế giới của sự cách điệu. Sở dĩ manga hấp dẫn về hình thức là vì ở đó nhân vật thường có vóc người cao lớn, mái tóc mượt đủ màu và đôi mắt to long lanh (dù người Nhật và người châu Á nói chung không có những đặc điểm đó). Các họa sĩ Nhật lại rất chịu khó vẽ quần áo, phục trang cho nhân vật, tất nhiên trừ những truyện nhảm nhí, lố lăng ra thì những Miki, Sakura, Shinji ăn mặc rất dễ thương, hợp thị hiếu chứ không chỉ đơn giản là áo sơmi, quần tây học sinh, đeo khăn quàng như Nam, Hải của mình. Cảnh vật xung quanh cũng rất quan trọng, Cô tiên xanh quanh quẩn vài mái nhà, đường làng, đồng ruộng, lớp học... trong khi mở bất kỳ cuốn truyện Nhật nào cũng có thể thấy rất sinh động một xã hội hiện đại, một Ai Cập huyền bí, một thế giới tương lai đầy mộng tưởng. Về nội dung thì truyện tranh VN lại quá đơn điệu trong cách giáo dục. Đã qua rồi cái thời Tí ham chơi, trốn học, không nghe lời cha mẹ rồi cô tiên xanh hiện ra bảo “Con phải làm như thế này...”, sau đó Tí hối hận và trở thành một em bé ngoan vô điều kiện. Nội dung trong sáng nhưng cách thể hiện quá đơn giản, thử hỏi có được bao nhiêu trẻ em tiếp thu những điều răn dạy cứng nhắc đó, trong khi những câu chuyện ly kỳ, những cuộc phiêu lưu nghẹt thở đang đợi các em trong những Đôrêmon, Tintin, Lucky Luke...? Bao giờ? Sự xâm chiếm ồ ạt của truyện tranh nước ngoài khiến những người làm công tác văn hóa không khỏi chạnh lòng. Và những động thái đầu tiên nhằm “kéo lại con em mình” cũng đã được hô hào, khởi xướng. Bắn phát pháo đầu tiên có lẽ là Công ty Phan Thị và bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, đến nay đã ra 59 tập và ngày càng ăn khách. Với cốt truyện dí dỏm lồng vào những tích trạng xưa, những Tí, Sửu, Dần, Cả Mẹo đã trở thành những người bạn thân thiết của độc giả. Công ty Sĩ Kiến Hoàng Design với bộ truyện dài tập Dzom nói về tình bạn của chú trâu Cancan và cậu nhóc Bobo siêu quậy, mang hơi hướm truyện viễn tưởng hài hước. Nguyễn Tiến Sĩ - sinh viên năm cuối khoa luật, cha đẻ Dzom - rất tự tin với ý tưởng về một bộ truyện tranh VN hiện đại bắt nguồn từ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống. Trên trang web ACCV, nơi tập trung đông đảo otaku say manga như điếu đổ, cũng đang rầm rộ một cuộc thi vẽ manga theo phong cách Việt. Nhưng phổ biến nhất có lẽ là cuộc thi “Một lần sáng tác hai lần nhận thưởng” nhằm phát hiện những họa sĩ nhí của Thần đồng đất Việt Fan Club, nội dung rất phong phú từ trinh thám, phiêu lưu mạo hiểm, khoa học viễn tưởng đến học đường, xã hội, ngụ ngôn, hài... Các em tỏ ra rất có năng khiếu, nhiều mẩu truyện vẽ rất chắc và đều tay, nội dung gần gũi và rất Việt. Như một cố gắng làm tăng sức hấp dẫn cho cuốn truyện tranh VN, những trang cuối mỗi truyện đều có phần câu lạc bộ, đố vui có thưởng, thi vẽ tranh... Những câu hỏi về các tích trạng xưa, về ca dao tục ngữ (trong Thần đồng đất Việt) hay những câu đố về khoa học, ô chữ, những bài giới thiệu dí dỏm về những nhà phát minh nổi tiếng thế giới (trong Dzom) rất được các em yêu thích. Bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn vì bên cạnh nội dung lành mạnh, con em họ còn có thể hiểu biết thêm về lịch sử, khoa học - vừa giải trí vừa học, một công đôi việc. Bao giờ truyện tranh Việt hút hồn được trẻ Việt? Đó không chỉ là câu hỏi mà còn là ước mơ của rất nhiều người. Tất nhiên, trong năm mười năm nữa ta cũng chưa thể mong có được một ngành công nghiệp truyện tranh mang lại 6 tỉ USD mỗi năm như Nhật, nhưng dẫu gì nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức thì mong muốn truyện tranh Việt lôi cuốn được trẻ Việt dẫu gian nan nhưng không phải là không có cơ sở... * Nhà văn Nguyễn Trí Công: “Không chỉ truyện tranh mà cả một nền văn hóa đọc của thiếu nhi ta rất thiếu và yếu. Những cuộc thi chỉ như sao băng lóe lên rồi tắt. Con em ta không có gì để đọc thì phải đọc truyện tranh, mà truyện tranh VN không đáp ứng được thì phải chuyển sang truyện Nhật. Và rồi chúng ta lại đi phê phán truyện tranh, theo tôi, như vậy là vơ đũa cả nắm, vì sau cơn mưa thì nấm độc mọc lẫn nấm lành, quan trọng là phải làm sao để có được một nền truyện tranh VN lành mạnh, bổ ích và có thể khiến các em “coi được””. * Huỳnh Bảo Ngọc (sinh viên, mê truyện tranh từ nhỏ): “Không phải chúng tôi quay lưng với truyện tranh Việt. Không phủ nhận Cô tiên xanh bổ ích, nhưng đối với những cái đầu U-16 trở lên thì nó đơn giản quá, đọc đầu biết cuối. Có lẽ các họa sĩ nên tìm hiểu thêm xem chúng tôi cần gì và cần như thế nào...”. * Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân tâm sự trên website của mình: “Tôi cũng đã đưa ra nhiều đề tài truyện tranh mới nhưng đành xếp xó vì các nhà xuất bản chỉ thích copy truyện Nhật, không phải trả nhuận bút, lợi nhuận lại cao. Như vậy thì còn ai ham thích vẽ truyện tranh VN nữa?”. HOÀNG OANH(TT)