Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quân cờ di động


Bốn kỳ thủ bé tí ngồi bệt xuống quanh bàn cờ. Quân cờ số 1 được chọn. Hàng loạt quân cờ khác phải "né" đường cho quân cờ số 1 tiến từng bước một. Sau nhiều cuộc chuyển quân rầm rộ, quân cờ số 1 đã được đưa vào một góc bàn cờ. Phải mất 30 phút sau đó, tất cả 16 quân cờ từ số 1 đến số 16 mới được sắp xếp yên vị tại các điểm "dừng chân" trên bốn đường biên của bàn cờ. Quá hứng thú, các bé mở nắp hộp gỗ lôi ra nhiều chiếc nắp lạ mắt rồi úp lên các quân cờ, bắt đầu kiểu chơi thứ hai. Một lúc sau, ở bốn góc bàn cờ xuất hiện các nhóm quân cờ theo các chủ đề khác nhau: chim chóc, trái cây, xe cộ, quần áo. Đấy là một trong các ứng dụng của bộ đồ chơi "Bé xếp hình học toán", mà theo cách gọi của các giáo viên là "quân cờ di động", của tác giả Lương Trọng Bình, hiệu phó Trường mầm non bán công Tuổi Thơ 7 (Q.3, TP.HCM). Bàn cờ sáng tạo của thầy Bình chỉ có năm đường ngang và năm đường dọc. Các quân cờ phải di chuyển theo các rãnh "chiến hào" thay vì trên mặt phẳng như một bàn cờ thông thường. Ban đầu các quân cờ chỉ mang số, trẻ chơi mãi đâm ra chán. Thầy Bình bèn tìm các nắp chai, sơn phết cho thêm hấp dẫn, lại dán lên bề mặt đủ thứ nội dung như các con vật, đồ vật, cây cỏ và cả các dấu so sánh trong toán học rồi... úp lên các quân cờ. Giáo viên có thể đố các bé sắp xếp các hình - đối tượng theo một qui luật nào đó (chẳng hạn sắp xếp các loại trái cây theo hai nhóm: ít hột hay nhiều hột, da láng hay sần sùi), tìm các hình - đối tượng có cùng đặc điểm (chẳng hạn con vật ăn thịt hay ăn cỏ) hoặc so sánh, sắp xếp và thậm chí tính toán với các quân cờ số học. "Muốn dạy cái gì thì đưa hết vào các nắp chai, từ toán học cho đến tìm hiểu môi trường xung quanh - thầy Bình cho biết - còn việc sử dụng các "bài học nắp chai" sáng tạo đến đâu là do nghệ thuật của giáo viên". Theo thầy Bình, tùy độ tuổi của bé mà giới hạn nội dung đưa vào. "Việc các bé loay hoay tìm đường di chuyển quân cờ thật sự kích thích sự phát triển trí tuệ, còn động tác di chuyển các quân cờ giúp các bé định hướng không gian, "tập thể dục" cho các cơ bắp, tăng tính khéo léo" - thầy Bình nói đến ích lợi của bộ đồ chơi. Với bộ "đồ nghề" vui học gọn nhẹ này, trẻ có thể chơi với nhau một cách sáng tạo theo nhu cầu và chơi với bất cứ ai, ở bất cứ chỗ nào. THÁI BÌNH(TT) (Hình:Trẻ 3 tuổi Trường mầm non bán công Tuổi Thơ 7 chơi "quân cờ di động" )