Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những nhà sản xuất đồ chơi không chuyên


Các bộ đồ chơi Lego đắt tiền giờ đây không còn được các bé học mầm non say mê như trước nữa, thay vào đó là một số lượng đáng kể các bộ học cụ được sáng tạo từ lòng yêu nghề của các cô giáo trẻ. Và sản phẩm của họ thường mang những cái tên rất hấp dẫn như “chiếc quạt thần kỳ”, “quân cờ di động”, “tấm thảm thông minh”... Chơi để học Bộ đồ chơi ghép que của cô giáo Nguyễn Thị Thùy San và các đồng nghiệp Trường mầm non Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM) được thai nghén từ một sự bức xúc nho nhỏ: “Mỗi năm y tế quận xuống khám sức khỏe các bé hai lần, mỗi lần như vậy hàng trăm chiếc que chuyên dùng khám họng bị bỏ đi”. Tiếc của, các cô bèn đem đi luộc vô trùng, sau đó sơn đủ thứ màu, viết thêm các con số, vẽ thêm cây trái, vật dụng, chim thú trên que. Thấy chưa “đã”, các cô bèn thêm các chấm tròn ở đầu que để các phép toán trên que đa dạng hơn, đồng thời tận dụng luôn mặt sau que để đưa thêm vào các nội dung mới. Cô hiệu phó Trường mầm non bán công quận Tân Bình Nguyễn Từ Dũ thì đưa ra một cuốn sách nước ngoài tựa đề Rhymes with cub, giải thích: “Bức tranh được đặt ở trang cuối cùng. Trang đầu khoét một lỗ, trang hai có hai lỗ, trang ba có ba lỗ... Những chi tiết lộ dần ra càng lúc càng gây tò mò. Nhưng chỉ có một bức tranh cuối sách thì quá ít nội dung, giá lại tới 27.000 đồng/quyển, khó mua. Thế là các cô tự làm lấy bộ đồ chơi Bé vui học với vật liệu là các tấm bìa cứng”. So với quyển sách nước ngoài nói trên, sản phẩm của các cô giáo hấp dẫn hơn ở chỗ có thể thay đổi nhiều bức tranh khác nhau. Chẳng hạn muốn dạy bài “vật nuôi trong gia đình”, các cô chuẩn bị bức tranh có bốn con gà, mèo, heo, chó. Các bé lật trang đầu thấy gà gáy “ó... o” bèn háo hức lật thêm trang hai sẽ thấy xuất hiện chú mèo vểnh râu, và cứ vậy cho đến khi thấy toàn bộ bức tranh. Bé lật đến đâu giáo viên lại diễn giải thêm về các con vật. Ở Trường mầm non Tân Định (Q.1), hai giáo viên Ngọc Ánh - Quỳnh Như làm “tấm thảm thông minh” trên cơ sở kết hợp hai môn giải trí là cờ tướng và gọi lô tô. Tấm thảm là một tấm nhựa có 70 ô cờ. Tại một số ô cờ được đặt sẵn các miếng nhựa có hình, tại một số ô cờ khác được vẽ sẵn các con số, đường đi từ các số đến các miếng nhựa được tính toán trước. Người chơi lấy một quân cờ có ghi con số trong “chiếc túi thần kỳ”, áp đúng số lên bàn cờ, đi theo ký hiệu hướng dẫn trên quân cờ thì sẽ lấy được phần thưởng là miếng nhựa. Giáo viên đưa nhiều nội dung vào miếng nhựa như biển báo giao thông, động - thực vật, các loại trái cây,... Còn cô giáo Trần Thị Lan (Trường mầm non Họa Mi 2, Q.5) phát triển trò chơi “những chiếc hộp thần kỳ” dựa trên cơ sở thói quen thích sắp xếp của bé. Từ nội dung trên những chiếc hộp giấy, các bé có thể tập ráp hình, phân biệt kích thước đồ vật, khám phá môi trường xung quanh… Quà tặng của lòng yêu nghề Không phải bộ đồ chơi nào cũng được các trường mầm non đưa vào ứng dụng, như lời cô hiệu phó Nguyễn Từ Dũ: “Bộ sách Bé vui học hiệu quả hơn hẳn sách nước ngoài do có thể dạy được nhiều nội dung, cô trò cùng làm, chi phí rất rẻ”. Theo cô Thùy San và các tác giả, “phải biết rõ trẻ cần gì, nếu làm ra sản phẩm mà không xài được thì đừng nên làm”. Bộ đồ chơi ghép que có thể đã “chết yểu” nếu không được đưa thêm vào các nội dung khác ngoài các con số khô khan. “Việc giáo viên các trường mầm non đua nhau sáng tạo học cụ chỉ sôi động trong một vài năm gần đây và xuất phát từ yêu cầu nâng chất giáo dục mầm non” - cô Trần Thị Lan giải thích. Sáng tạo học cụ trong trường mầm non có một nguyên tắc bất thành văn là ngon và rẻ. “Ngon” về nội dung lẫn hình thức, rẻ về giá thành. Mà đúng là sản phẩm của các cô rẻ thật bởi họ tận dụng tối đa các loại nguyên vật liệu bỏ đi như giấy vụn, que khám họng, bộ cờ mất quân, dép xốp hư,... Ở các góc chơi của các bé Trường mầm non Tân Định, chúng tôi bắt gặp nhiều con vật được làm bằng một chất liệu tận dụng từ dép xốp đứt quai. Cô Quỳnh Như cho biết: “Làm đồ chơi mà tốn nhiều tiền thì thà... đi mua cho lẹ, mày mò chi cho tốn sức. Nhưng quan trọng hơn nữa là tính hiệu quả, hấp dẫn và đa dụng trong chuyển tải nội dung”. Một cuộc đua ngầm sáng tạo học cụ đã diễn ra tại Trường mầm non Nguyễn Cư Trinh từ sự kiện bộ đồ chơi ghép que được áp dụng thành công. Cô hiệu trưởng Trương Thị Ánh Ngọc cho biết: “Chỉ cần có ý tưởng khả thi thôi là nhà trường đã tính tới chuyện biểu dương. Thường thì các giáo viên hợp sức lại để biến ý tưởng thành hiện thực”. Từ đó, hai mô hình phục vụ bộ môn kể chuyện đã được trao giải sáng tạo học cụ cấp quận và được sử dụng trong toàn trường đến tận bây giờ; ngoài ra còn “chuyển giao công nghệ” cho các trường bạn. Còn ở Trường mầm non bán công quận Tân Bình, một nhóm giáo viên khác cũng đã mày mò cho ra lò một sản phẩm học cụ sáng tạo khác dưới hình thức một quyển tập. Các bé có thể tha hồ vẽ tranh, tô màu, làm các phép toán mà quyển tập không hề hư hỏng do đã được phủ nhựa. Cô hiệu phó Nguyễn Từ Dũ khẳng định: “Các giáo viên mầm non muốn lên tiết thành công thì ngoài nghệ thuật giảng dạy nhất thiết phải có đồ chơi. Những cô vắt óc sáng tạo học cụ thường phải rất yêu nghề”. Song các cô giáo sáng tạo lại có cách nghĩ đơn giản hơn, như lời cô Quỳnh Như: “Các bé cần đồ chơi thì mình cố gắng, vậy thôi!”. THÁI BÌNH(Tuổi Trẻ)