Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nguyễn Nhật Ánh và “Harry Potter Việt Nam”


Với tập đầu của bộ sách Chuyện xứ Lang Biang mang tên Pho tượng của Baltalon (được in thành năm cuốn khổ nhỏ), Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn best-seller của thiếu nhi VN lại đang tạo ra một cơn sốt mới trong các bạn đọc nhỏ tuổi. Không cần nhiều thời gian lắm, chỉ mất khoảng ba tiếng đồng hồ cho năm cuốn truyện be bé xinh xinh, một người lớn cũng có thể hiểu được vì sao con em mình lại mê mẩn Chuyện xứ Lang Biang như vậy. Một thế giới của các phù thủy với vô số những nhân vật kỳ dị và các kiểu pháp thuật được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ thuần Việt, đặc trẻ con, được đặt trong một bối cảnh cũng vừa thần bí lại vừa có vẻ hiện thực: vùng đất Tây nguyên. Nhưng dù muốn hay không, người đọc vẫn bắt buộc phải liên tưởng đến cuốn truyện phù thủy đang “làm mưa làm gió” trên các quầy sách thiếu nhi khắp thế giới: Harry Potter. Cuộc trò chuyện với Nguyễn Nhật Ánh cũng xoay quanh sự liên tưởng ấy. * Thưa anh, nếu có người gọi Chuyện xứ Lang Biang là Harry Potter (H.P.) của VN thì anh vui hay là buồn? - Nếu gọi như vậy chỉ để nói đến sức hấp dẫn của nó với công chúng thì tôi rất vui, nhưng gọi như vậy để... hiểu thế nào cũng được thì tôi sẽ... hơi giận đấy. * Nhưng dù anh không muốn thì khi đọc người ta vẫn cứ liên tưởng, vậy anh có thể nói H.P. đã có tác động như thế nào đến anh không? - Có chứ, nó có vai trò cực kỳ quan trọng là gợi ý. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà văn VN chuyên viết cho thiếu nhi đã nhận thấy rằng văn học thiếu nhi VN, do lịch sử, đã bị gắn quá chặt với thực tế, bị gọng kìm của thực tiễn đè chặt, chính vì vậy nó không bay bổng, ít tưởng tượng. Trong khi đó, văn học cho thiếu nhi của thế giới đã có rất nhiều đột phá. Trong mỗi tác phẩm có rất nhiều tưởng tượng, nhiều tầng nấc. Theo tôi, nếu khai thác đúng cái chất tưởng tượng này thì văn học sẽ đến gần được trẻ em nhất. Hồi bé, ai trong chúng ta mà chả mê truyện Tấm Cám, mê Tôn Ngộ Không, mê Na Tra... Trong những câu chuyện tưởng tượng này đầy chất mê hoặc. Tiếc là văn học dân gian của VN rất giàu sự bay bổng, tưởng tượng mà sang đến văn học thành văn thì cái chất ấy lại mất biệt. Chính vì vậy mà H.P. là một sự gợi ý cho chúng tôi. * Bắt tay vào viết Chuyện xứ Lang Biang, anh có vấp phải một chuyện khó khăn là trước tiên phải viết sao cho khỏi giống H.P. không? - Vâng, viết sau bà Rowling nên tôi ý thức rất rõ điều đó. Viết xong tập 1, tôi đã đưa bản thảo cho ba cô cậu bé vào loại ham đọc sách. Chúng đều nói rất thích, và không giống H.P., mặc dù ban đầu chúng không khỏi liên tưởng đến tác phẩm kia. Những gì có thể tránh được, tôi đều hết sức tránh. * Nhưng vẫn có những chi tiết giống đến độ người ta không thể không nghĩ...Ví dụ như về ngôi trường đào tạo phù thủy, ông hiệu trưởng, các giáo viên đứng lớp, những câu thần chú, các môn học: thảo dược, biến hình, độn thổ... - Lúc đầu, tôi đã có ý tránh, vì tôi không muốn lặp lại bà Rowling, nhưng đến khi đi tìm đọc tài liệu về phù thủy, tôi mới kinh ngạc nhận ra trong tâm thức của xã hội Tây Âu tồn tại hẳn hoi một cái gọi là thế giới phù thủy, ở mỗi vương quốc xưa kia đều có trường đào tạo phù thủy, phù thủy thượng đẳng được vào làm phù thủy của triều đình... Tất cả những tư liệu này đã được bà Rowling sử dụng trong H.P.. Vì vậy tôi không tránh nữa, vì viết tránh đi mới chính là không “thật”, đã là thế giới phù thủy thì phải có trường đào tạo, quanh mỗi ngôi trường lại có một ngôi làng... đó chính là điều đương nhiên trong thế giới ấy. * Còn những lúc có thể tránh được thì sao? - Chuyện cổ tích, truyện tưởng tượng hấp dẫn chủ yếu ở thân phận của nhân vật. Các nhân vật chính bao giờ cũng là mồ côi cha mẹ, bị ngược đãi và có nghị lực vươn lên. Câu chuyện về quá trình vươn lên của họ tạo sự thương cảm, tò mò, xúc động và cảm phục. Đó là 60-70% thành công của truyện. H.P. hấp dẫn cũng vì thế. Nhưng tôi không thể lặp lại như vậy được. Tôi đã tự “tước vũ khí” của mình khi không xây dựng nhân vật theo môtip ấy. Nếu bí quyết thành công của truyện thiếu nhi là “cảm động + hài hước” thì tôi chỉ còn giữ lại cho mình vũ khí hài hước. * Con số 20.000 bản in ngay lần đầu xuất bản và số lượng hàng trăm bạn nhỏ gia nhập CLB chổi bay hằng tuần đã làm anh hài lòng chưa? Chuyện xứ Lang Biang sẽ kéo dài kiểu gì? - Không kéo dài lắm đâu, tôi dự kiến viết có bốn tập thôi, tập 1 đã ra mắt, tập 2 đã viết xong, gồm bảy cuốn nhỏ và sẽ ra mắt hằng tuần với tên gọi Biến cố ở Trường Đămbri. Tập 3 và 4 sẽ ra mắt trong năm 2005. Điều tôi hài lòng hơn cả là tôi đã bắt tay vào viết được một bộ sách ở một thể loại mới. Tôi muốn bằng tất cả sức lực của mình chứng minh rằng: nếu viết truyện tưởng tượng cho thiếu nhi thì nhà văn VN mình cũng không đến nỗi thua kém, vậy thôi. THU HÀ(Tuổi Trẻ)