Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhộn nhịp mua sắm trước khai trường


Đã thành lệ, cứ chuẩn bị bước vào năm học mới, phụ huynh lại tất bật lo sắm sửa mọi thứ cho con. Nhà khá giả thì mọi chi tiêu cũng dễ thở. Gia đình khó khăn thì phải chạy theo hụt hơi, cho con bằng bạn bằng bè... Gần đến ngày tựu trường, không khí mua sắm chuẩn bị cho năm học mới dường như càng trở nên "nóng" hơn.

* Mua sách cẩn thận "cò"
Địa chỉ mua sách giáo khoa truyền thống của người Hà Nội là 45 Lý Thường Kiệt. Mấy năm trở lại đây, tình trạng cò sách chèo kéo HS và phụ huynh ngay trước cửa hàng đã vãn, nhưng giờ lại có thêm "chiêu" lừa mới từ cò sách.

Chị Hương đưa con đi mua sách giáo khoa lớp 8, vừa dừng xe để vào nhà sách 45 Lý Thường Kiệt, thấy vắng vẻ vì đang vào giờ nghỉ trưa, chị Hương có vẻ tần ngần. Ngay lập tức, một phụ nữ mặc quần áo ngủ chạy đến, hỏi chị Hương ra vẻ quan tâm: "Chị đi mua sách à? Cửa hàng mấy hôm nay nghỉ rồi. Cơ quan đang đại hội công nhân viên chức. Em là nhân viên ở đây, nghỉ bán hàng nên phải đưa khách đi mua lẻ..." Chị Hương ngạc nhiên lắm, cũng định dắt xe đi theo người phụ nữ nọ. Nhưng nghĩ thế nào, chị lại ngó nghiêng vào trong cửa hàng, thấy các cô nhân viên đang dọn dẹp trong đó. Chị quay lại nói: "Vẫn thấy bán hàng mà..." và gọi anh bảo vệ đang đứng ở gần đó để hỏi thông tin. Ngay lập tức, người phụ nữ đi sang đường, biến mất trong một ngõ nhỏ. Và chị Hương được biết là cửa hàng vẫn mở cửa để cung cấp sách giáo khoa cho HS và GV như bình thường. Nếu chị nghe lời cò, rẽ sang đường mua điểm lẻ cho rẻ, chị sẽ bị lừa bởi những bộ sách giáo khoa in nhòe nhoẹt, chất lượng giấy không tốt, thậm chí là sách giáo khoa cũ.

Giá sách giáo khoa, sách tham khảo năm học này ổn định, không tăng so với năm ngoái. Bộ sách tiểu học 67.300đ- 124.200đ, bộ sách cấp 2 từ 83.500đ đến 144.000đ. Bộ sách cấp 3 khá đắt, trên dưới 200.000đ. Ngoài một số nơi như Fahasha treo biển giảm giá 10% giá SGK cho HS khá giỏi và 5% cho sách tham khảo, thì hiệu sách lớn như nhà sách của Công ty Sách - Thiết bị và Xây dựng trường học Hà Nội 45 Lý Thường Kiệt và số 2 Cửa Bắc, hiệu sách Tổng hợp cũng treo biển chiết khấu 10% khi mua trọn bộ. Năm học 2009 - 2010, HS vẫn có thể dùng lại SGK cũ do không có thay đổi.

Mua sách chuẩn bị cho năm học mới

* Phong phú về mẫu mã, chủng loại
Chỉ riêng tập vở đã có hàng trăm mẫu mã với nhiều thương hiệu: Vĩnh Tiến, Tân Vĩnh Tiến, Fahasha, Co.op Mart, Hoa Mai, Tân Mai,... từ vở kẻ hàng ngang, kẻ ô ly cho HS tiểu học, đến vở khổ lớn cho sinh viên. Bìa dày, cứng, mềm, 4 màu, 2 màu, đủ loại cho khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, giá vở năm nay tăng khoảng 5% so với năm học trước, loại rẻ tiền nhất cũng trên 3.000đ/quyển. Loại trung bình khoảng 4.500-6.500đ/quyển 96 trang hoặc 7.500-8.500đ/quyển 200 trang. Loại tốt nhất có thể lên đến hơn 10.000đ/ quyển. Năm nay, ngoài các loại vở giấy trắng sáng, còn có tập giấy trắng tự nhiên, chống loá mắt, mỏi mắt, mức giá chênh lệch hơn 500đ/cuốn. Chiếm lĩnh thị trường giấy vở HS năm nay vẫn là các nhãn hiệu quen thuộc như Hồng Hà, Vĩnh Tiến, Bãi Bằng với giá cả phải chăng, phù hợp với số đông người tiêu dùng.

Năm nay, thị trường giấy bao tập cũng đang sốt lên với nhiều mẫu mới. Đi dạo một vòng quanh các shop "online" sẽ thấy nhiều lời rao mời hấp dẫn như giấy hoa+ thêu nhân vật hoạt hình, thêu nhãn vỡ, biến nhãn vở thành một hình "sticker" Hàn Quốc hoặc vẽ giấy bao tập bằng màu nước, màu (bút) chì, màu gỗ, máu sáp, màu dầu tùy theo ý khách hàng với giá 3.000 đồng/bìa.

Bút sáp, chì màu cho HS mẫu giáo và tiểu học, ngoài hàng Việt Nam với giá bán trung bình còn có sự góp mặt của đông đảo hàng ngoại nhập đến từ Thái Lan, Malaysia, Đức, Mỹ, Braxin,... giá từ 40.000đ-100.000đ/hộp. Thị trường bút viết các loại mang thương hiệu Hồng Hà, Thiên Long, Han Sơn, Bến Nghé, cũng đắt hàng bởi mẫu mã và chất lượng không thua kém gì hàng ngoại nhập trong khi giá chỉ bằng 1/3. Giá bán các loại bút này phổ biến ở mức 1000-2.000đồng/chiếc đối với bút bi và từ 5.000-15.000đồng/chiếc đối với bút máy.

Nếu vở viết, bút bi, bảng viết, giấy bọc vở, nhãn vở... là sự phô trương mạnh mẽ của các hãng sản xuất nội địa thì thị trường dụng cụ học tập như hộp bút, thước kẻ, compa, bút dạ quang, bút nhũ, hồ dán, tẩy bút chì... lại là sự chiếm lĩnh của các mác nhãn Trung Quốc. Có vô số kiểu dáng, màu sắc và chất liệu, từ đơn giản như chiếc ví đựng bút bằng nylon giá 8.500đ đến những hộp bút vải cầu kỳ gắn con thú nhồi bông có giá trên 50.000đ.

Không có mẫu mã đột phá, các loại ba lô, túi xách bằng kaki, vải dù, vải thô, và cặp simili, cặp da vẫn như mọi năm. Ở các vùng nông thôn, loại cặp nhựa, simili bình dân giá từ 20.000- 45.000đ/chiếc bán rất chạy. Nhưng loại cặp này không được bền, dễ bị rách dây đeo, rách đáy cặp. Loại cặp tốt giá 75.000-150.000đ/chiếc, hàng siêu nhẹ Hami còn nhận bảo hành 6 tháng. Nếu vào những trung tâm thương mại lớn, loại cặp, ba lô nhập từ Thái Lan, Indonesia... cho HS có thể lên tới hơn 1 triệu đồng/chiếc.

Đồng phục cũng là mối quan tâm của các bậc phụ huynh. Đặc biệt về giá cả. Thông thường, "hàng chợ" trung bình từ 45.000-60.000đ/áo sơ mi và 50.000-100.000đ/ quần tây. Miền Bắc, phụ huynh hay chọn mua vải ở các chợ lớn như Đồng Xuân, Ninh Hiệp (HN). Còn ở miền Nam, chợ Tân Bình (Q.Tân Bình - TP.HCM) vốn là một trong những chợ đầu mối bán đồng phục HS giá sỉ. Khu Cao Thắng (Q.3) cũng là địa chỉ quen thuộc với tiêu chí đồ đẹp - giá rẻ. Giá mỗi bộ đồng phục từ 110.000 đồng/bộ đến 130.000 đồng/bộ (tùy theo kích cỡ). Ngoài ra, khu vực này không chỉ có đồng phục HS mà đồng phục thể dục có in sẵn tên trường cũng khá rẻ, chỉ khoảng 60.000- 70.000 đồng/bộ. Chợ Bàn Cờ (Q.3), chợ An Đông (Q.5)... cũng có thể nằm trong tầm ngắm của phụ huynh khi muốn mua đồng phục cho con em.
Phụ huynh nào có điều kiện hoặc kỹ tính có thể mua vải quần tây giá khoảng 120.000đ/quần, thêm công may, lên tới 200.000đ/quần. Vải áo dài khá đa dạng với các thương hiệu quen thuộc như Thái Tuấn, Phước Thịnh, khoảng 150.000đ-200.000đ/bộ chưa kể tiền công may.

Các siêu thị lớn cũng nhập cuộc thị trường năm học mới. Cụ thể như Siêu thị BigC, từ nửa cuối tháng 7 đến nay đang có chương trình giảm giá cho 400 mặt hàng phục vụ HS nhân ngày tựu trường. Hệ thống siêu thị đã dành sự ưu đãi đặc biệt này nhằm chia sẻ khó khăn đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Lô 10 tập vở Vibook 10 con giáp 96 trang chỉ còn 36 ngàn đồng, đầm bé gái 6-12 tuổi 59 ngàn đồng, ba lô cần đẩy HS Hami 179 ngàn đồng, cặp HS T729 giá 149 ngàn đồng, quần tây bé trai 10-12 tuổi 50 ngàn đồng, áo sơ-mi bé trai 40 ngàn đồng, xăng-đan bé trai và bé gái 70 ngàn đồng, hộp bút phao 43 ngàn đồng...

* Năm học mới, không nhất thiết sắm sửa đồ dùng mới!
Với những gia đình trung lưu, đi sắm sanh đồ dùng năm học mới cho con, tiết kiệm tối đa cũng mất hơn nửa triệu. Bởi vậy, có nhiều gia đình không đủ điều kiện lo cho các con đã chọn cách tận dụng lại những gì có thể dùng được từ năm học trước.

Em Nguyễn Thị A.T, HS lớp 11 Trường THPT Kim Liên mang đôi dép xăng-đan cũ ra hàng nhờ bác thợ khâu vào cho chắc. Em tâm sự: "Vào năm học mới, các bạn đều may áo dài mới, nhưng em vẫn mặc lại chiếc áo dài cũ từ năm lớp 10, để nhường phần quần áo mới cho đứa em trai năm nay lên lớp 7. Nhà có 2 chị em, bố mẹ là công nhân nhà máy, mua gì cũng phải mua gấp đôi, tốn tiền và thương bố mẹ lắm. Bởi vậy em luôn tận dụng những đồ dùng từ năm học trước".

Có rất nhiều HS có hoàn cảnh như cô nữ sinh A.T. Với các em, được đi học là hạnh phúc lớn lao, bởi vậy các em luôn cố gắng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để cắp sách tới trường. Nhà trường và địa phương hằng năm đều có chính sách khích lệ đối với những HS ngoan, học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, cho dù không có bút viết mới, không có cặp sách mới, không được mặc những bộ quần áo đắt tiền, nhưng tri thức đã cho các em niềm tin về ngày mai, về nghề nghiệp tương lai. Đến lúc đó, mua một chiếc hộp bút mới, may một bộ áo dài... không còn là mơ ước nữa. Đó chính là động lực để một bộ phận HS Việt Nam hôm nay bước vào năm học mới mà không sắm sửa đồ mới như các bạn đồng trang lứa.

Theo GD&TĐ