Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phim hoạt hình lịch sử khởi động với "Rùa vàng"


Dự án giáo dục lịch sử bằng phim hoạt hình đang được Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình (VFC) khởi động với 100 tập Rùa vàng. Những tập đầu tiên đã được đưa vào sản xuất với phần kịch bản của Phan Huyền Thư. Rùa vàng dự định ra mắt khán giả vào năm 2006. Câu chuyện xoay quanh cậu bé Lập Duy và một nhóm bạn. Các cậu bé, cô bé là học sinh tiểu học (khoảng lớp 4, lớp 5) rất nghịch ngợm, hiếu động và ghét học nhất là môn lịch sử. Một lần Lập Duy ngủ mơ được gặp cụ rùa nghìn tuổi sống ở hồ Hoàn Kiếm, được cụ giới thiệu với cháu cụ là rùa nhỏ Tiêu Bản đang nằm ở đền Ngọc Sơn. Cuộc hội ngộ giữa Lập Duy và rùa Tiêu Bản (hay còn được gọi là Tiểu Kim Quy) đã bắt đầu những chuyến phiêu lưu trở về hàng nghìn năm quá khứ dựng nước và giữ nước. Tập 1 được bắt đầu từ một lần vui chơi, Lập Duy, Tiểu Kim Quy và một nhóm bạn lạc vào Hoàng thành. Đang loay hoay tìm lối ra, nhóm bạn của Lập Duy đến bên chiếc giếng cổ nằm giữa Hoàng thành. Từ chiếc giếng, cả nhóm lạc về thời tiền sử… Xưa nay, hình ảnh cụ rùa trăm tuổi luôn được xem như những chứng nhân của lịch sử. Rùa thường xuất hiện với hình ảnh thần Kim Quy trong những câu chuyện cổ. Rùa giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Rùa cho Lê Lợi mượn gươm báu giết giặc… Đây cũng là dụng ý của các nhà làm phim khi chọn hình ảnh rùa vàng làm nhân vật chính trong 100 tập phim lịch sử. Với thời lượng phát sóng 13 phút, mỗi tập là một chuyến phiêu lưu của nhóm bạn gắn với một sự kiện lịch sử. Những tập đầu sẽ là chuyện từ thời trăm trứng nở trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đến chuyện Hùng Vương dựng nước, Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày tiến vua cha… Một trăm tập phim Rùa vàng sẽ cùng các em đi suốt chặng đường dài lịch sử từ thời dựng nước, trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những sự kiện lịch sử nổi tiếng, những nhân vật huyền thoại sẽ đến với thiếu nhi qua từng tập phim. Theo ê-kíp làm phim, Rùa vàng chỉ là tên gọi tạm thời, sau khi hoàn tất có thể được phát sóng với một cái tên mới: Chiếc giếng thời gian, hay Cuộc phiêu lưu của rùa vàng và các bạn… Đạo diễn hoạt hình Minh Trí của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình tâm sự: “Vấn đề không nằm ở lịch sử mà là kể chuyện lịch sử như thế nào để hấp dẫn được các em? Với Rùa vàng, chúng tôi xác định phải có một cách kể vừa dí dỏm, hấp dẫn, vừa đảm bảo tính chính xác của lịch sử. Trong phim, chúng tôi cố gắng để lịch sử trở nên gần gũi, được tái hiện cùng với những nhân vật của hiện tại. Ví dụ, hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát trái cam khi không được tham gia cuộc họp bàn đánh giặc, thay vì trái cam chúng tôi có thể đưa hình ảnh Trần Quốc Toản đang tưởng tượng được bóp nát cả chiến thuyền của giặc chẳng hạn. Hay, nhân vật Tiểu Kim Quy sẽ đứng trên một cái cọc tre ngay trên sông Bạch Đằng để chứng kiến tận mắt trận thủy chiến oai hùng của Ngô Quyền với quân Nam Hán. Phim sẽ có sự giao lưu giữa quá khứ với hiện tại. Những câu chuyện lịch sử nhờ vậy sẽ trở nên hấp dẫn hơn”. Thực hiện dự án 100 tập phim hoạt hình lịch sử, xưởng phim hoạt hình của VFC đứng trước nhiều thách thức. Với quân số chỉ vỏn vẹn trên dưới 30 hoạ sĩ, một số hoạ sĩ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, những người thực hiện dự án đã mời thêm hoạ sĩ Phương Hoa (Hãng phim hoạt hình Việt Nam), hoạ sĩ Tạ Huy Long (NXB Kim Đồng) cùng cộng tác. Phần kịch bản cũng được triển khai với nhiều nhóm biên kịch. Mỗi nhóm thực hiện kịch bản cho một giai đoạn lịch sử (thời dựng nước, thời nhà Đinh, Lý, Trần…). Trong quá trình lên kịch bản sẽ có sự cố vấn của Giáo sư sử học Phan Huy Lê để đảm bảo tính chính xác cho từng sự kiện lịch sử. Đạo diễn Minh Trí tiết lộ, kinh phí cho phim hoạt hình lịch sử không khác so với phim hoạt hình bình thường, mặc dù vẽ những con thú cách điệu dễ hơn vẽ… người, không những thế phải nghiên cứu kỹ về trang phục cho các nhân vật ở từng thời kỳ. Theo VnExpress