Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi truyện tranh VN tự ái


Cả triệu thiếu nhi VN đang bị cuốn vào cơn lốc của truyện tranh nước ngoài, còn truyện tranh "nội" thì lép vế ngay trên sân nhà. Thế nhưng càng tự ái, càng phải nghĩ ra cách đứng dậy "làm bàn"... Công ty Phan Thị là người "ghi bàn" ngoạn mục nhất. Thần đồng đất Việt sút một cú thủng lưới truyện tranh Nhật Bản, khi anh bạn này đang làm mưa làm gió trên thị trường. Hiện nay, Thần đồng đất Việt có ấn phẩm "chấp" hết truyện tranh Nhật Bản, thậm chí có kỳ xuất bản gấp đôi gấp ba. Cô giám đốc trẻ Phan Thị Mỹ Hạnh cũng vì lòng tự hào dân tộc mà xông vô chốn khó khăn, dám bán cả miếng đất duy nhất của mình để ra thuê nhà trọ ở mà xây dựng ước mơ "thần đồng". Cô từng thức trắng đêm bóp trán: "Tức thật, tại sao thiếu nhi mình không có nổi một nhân vật made in VN để ngưỡng mộ? Tại sao lại để truyện tranh Nhật tràn ngập thị trường và tràn ngập tâm hồn người Việt?". Thế là Mỹ Hạnh nhờ bạn gửi mua từ Nhật cả thùng truyện tranh nguyên bản về nghiên cứu thử. Kỹ thuật vẽ trên vi tính phức tạp kiểu này thì ở VN ta chưa hề có. Không biết học ai, Hạnh leo lên máy tính tự mày mò. Mỹ Hạnh bán đất, kêu gọi đám bạn trẻ rất "máu" của mình cùng nhau góp sức. Cái công ty nhỏ xíu nằm trong con đường nhỏ xíu, và bà giám đốc lại không hề tự ái khi phải đứng bán từng cuốn sách mới ra lò. Lúc đó, chẳng ai biết "thần đồng" ra sao, nên phát hành chỉ 2.000 cuốn thì các đại lý trả về. Lỗ nặng, nhưng Phan Thị không nản. Hạnh coi lại, rồi nghĩ phải vẽ đẹp hơn, viết kịch bản hay hơn một chút. "Thần đồng" được nuôi bởi biết bao mồ hôi và nước mắt, rồi cũng "lớn" lên. Đến lượt các nhà xuất bản cũng tự ái khi thấy một đơn vị tư nhân làm được mà mình bề thế như vậy lại chưa có cú sút nào ngoạn mục. Dù vậy, họ vẫn thừa nhận thành công của Phan Thị. Ông Bùi Ngọc Anh - trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP HCM - nói thẳng thắn: "Chúng tôi khâm phục sự dũng cảm của Phan Thị. Mình chưa làm được thì phải hết lòng ủng hộ Phan Thị. Và phải đặt ra chiến lược để có thêm những ấn phẩm mới, thêm đồng minh với Phan Thị trên thị trường". Ông Nguyễn Trí Công, Phó ban truyện tranh của NXB Trẻ, tiết lộ: "Đâu phải chỉ chúng tôi tự ái, mà trong thư các em thiếu nhi gửi về viết rằng cũng rất tự ái, muốn có truyện tranh VN thật hay "phủ sóng" thị trường. Cho nên, NXB ráo riết đầu tư để thỏa mãn độc giả". Tuy nhiên, 3 bộ truyện Đá và nấm, Chuyện ở xứ hoa tỉ muội, Tam Quy xem ra chưa ăn khách. Ngược lại, bộ Đội đặc nhiệm thời gian liên kết với một đơn vị tư nhân lại vượt lên nhanh chóng. NXB Trẻ đúc kết kinh nghiệm: "Phải xã hội hóa việc làm truyện tranh. Tận dụng mọi tài năng trong xã hội, không phân biệt nhà nước hay tư nhân". Thủ pháp manga hiện rất phổ biến trên thế giới. Đã có ý kiến cho rằng chúng ta nên dùng kỹ thuật vẽ này kết hợp với nhân vật, cốt truyện Việt Nam để xây dựng hình ảnh các nhân vật mới nhằm thu hút các em nhỏ đã có thói quen xem manga. Thế nhưng, ứng dụng như thế nào, với chừng mực ra sao để vẫn là truyện tranh Việt và mang lại nhiều điều bổ ích, thú vị cho trẻ em là cả một vấn đề đòi hỏi nhiều sự nghiên cứu. Nhìn lại truyện tranh Việt Nam, từ thành công của Thần đồng đất Việt, Phan Thị lại tiếp tục ghi bàn bằng cách khai thác kho tàng cổ tích VN bằng một loạt truyện tranh màu tuyệt đẹp, in giấy trắng và dày nhất trong làng truyện tranh. Những câu chuyện cũ Sơn Tinh Thủy Tinh, Cóc kiện trời, Thạch Sanh nay được làm mới lại, kéo dài gần 20 tập với cốt truyện được hư cấu dí dỏm. Lũ trẻ đọc mà cười ha hả... Rồi Công ty Kiến Vàng lại vừa tung ra bộ truyện Kiến Tí Nị in 4 màu trên giấy couché, lời thoại song ngữ Anh - Việt. Với tác phẩm này, trẻ em không chỉ luyện tiếng Anh mà còn học được rất nhiều về văn hóa, phong tục, sự kiện của đất nước bằng chuyến phiêu lưu hấp dẫn của chú Kiến qua khắp các tỉnh thành bằng kịch bản hài hước của cây cười Mạc Can. Ấp ủ suốt 2 năm trời, tất cả vốn liếng đều trút vào đó, chỉ để chứng minh một điều là truyện tranh VN sẵn sàng đương đầu với truyện tranh ngoại nhập. Dù sao, ứng dụng thủ pháp manga hay vẫn giữ lại cách vẽ truyền thống thì cũng không quan trọng bằng vấn đề làm sao có được kịch bản hấp dẫn, khai thác được nguồn văn hóa dân tộc để có thể khẳng định giá trị và thị phần của truyện tranh Việt Nam ít ra là trên chính thị trường nội địa. Thanh Niên