Mang thai và sinh đẻ
   9 kiểu nghén 'độc'
 

Nghén là chuyện bình thường đối với các bà bầu. Tuy nhiên, có người nghén ít, có người nghén nhiều, thậm chí có người còn có những kiểu nghén lạ, nghén ‘kinh dị' như nghén chồng, nghén xà phòng...

1. Nghén chồng

Chuẩn bị có con lần đầu, Liên vô cùng mừng rỡ khi thấy trong giai đoạn nghén, mình không phải kiêng khem gì nhiều. Cô cũng không mấy mệt mỏi hay sợ khi gặp thực phẩm có mùi tanh, rán...

Tuy nhiên, cứ gặp mặt chồng là Liên... buồn nôn. Thậm chí, nhìn chiếc áo của chồng treo trên mắc, Liên cũng nôn thốc nôn tháo, ngay cả "mùi" của anh ở trong phòng ngủ cũng làm cô mệt lử vì nôn. Sau nhiều lần kiểm nghiệm, mọi người khẳng định, Liên bị "nghén chồng".

Chồng Liên cũng thấy buồn bực vì không hiểu sao vợ lại đi nghén mình, rồi nghĩ lẩn thẩn đủ điều... Khi những buồn bực qua đi, anh lại thấy áy náy vì không thể gần gũi, chăm sóc vợ. Nhiều lúc, thương vợ, anh chỉ đứng ngoài cửa lén nhìn vào trong, vậy mà Liên cũng ngửi thấy "mùi" và lại nôn thốc nôn tháo... Anh không còn cách nào khác, đành ngậm ngùi chịu "cách ly" với vợ trong suốt thời gian thai nghén.

2. Nghén ‘yêu'

Chuyện ốm nghén của Vân cũng ảnh hưởng đến chồng, tuy nhiên lại theo một kiểu khác. Vân có bầu 4 tháng, trông tươi tắn, hạnh phúc. Trong khi ấy, chồng Vân, anh Tuấn lại ngày càng phờ phạc, mệt mỏi. Những người có kinh nghiệm đều cho rằng anh "nghén" thay vợ. Tuy nhiên, có những việc chỉ có "người trong cuộc" mới hiểu rõ.

Anh chẳng thể tâm sự được với ai nguyên nhân của sự mất phong độ thê thảm của mình là vì vợ nghén, mà lại nghén... "chuyện ấy". Anh không hiểu trong y học có khái niệm "nghén sex" không, nhưng rõ ràng là vợ anh trở nên "ham hố" một cách bất ngờ so với thời kỳ trước khi mang thai.

Sau 2 năm kết hôn, vợ chồng anh đã quyết định sẽ có con. Cả hai người đều khỏe mạnh, yêu thương và hợp nhau về chuyện chăn gối nhưng nhịp độ bình thường cũng chỉ 2-3 lần mỗi tuần. Kể từ khi Vân có bầu, hầu như ngày nào Vân cũng muốn được "yêu".

Dù rất mệt mỏi, công việc bận rộn... nhưng không muốn để vợ mất vui hay "bức xúc" vì bất cứ điều gì, anh vẫn cố gắng cắn răng "chiều vợ". Nhiều hôm về nhà, thấy vợ cơm nước sẵn sàng, tắm gội sạch sẽ, mắt long lanh mà anh lại thấy... hãi.

Với tần suất "hoạt động" cao như vậy, chỉ sau hơn một tháng, anh Tuấn cảm thấy mệt rũ rượi, lúc nào cũng chỉ thèm ngủ. Thêm vào đó, cảm giác không được yên tâm vì sợ ảnh hưởng tới bé cũng khiến anh thấy chật vật để duy trì cảm xúc. Vân đã đi khám và được biết rằng hiện tượng đó là hoàn toàn bình thường ở phụ nữ do sự thay đổi nội tiết tố và các hormone trong thời kỳ thai nghén.

Lời khuyên: Xét ở khía cạnh tích cực, quan hệ tình dục đạt được thỏa mãn rất có ích cho tâm lý và sự co giãn cơ vùng chậu, thuận lợi cho việc sinh nở. Tuy nhiên, ham muốn quá nhiều có thể gây áp lực cho chồng và chính người mẹ. Để cân bằng vấn đề tế nhị này, người mẹ có thể nghĩ nhiều hơn đến sự an toàn của thai nhi, sức khỏe của chồng, tìm hiểu những thông tin nuôi dạy bé...

3. Chồng 'nghén' thay vợ

Rất nhiều trường hợp những ông chồng có vợ mang bầu cũng mắc phải triệu chứng thai nghén như buồn nôn, chuột rút, đau lưng... và thậm chí to bụng. Theo các chuyên gia, đây được gọi là hội chứng "tục sản ông". Nguyên nhân của nó còn chưa xác định rõ, có thể là do người chồng quá lo lắng về việc có thai.

Anh Trung vốn là người "ghét cay ghét đắng" thịt mỡ, vợ mua thịt về dính một chút mỡ là anh đã la lối om sòm, cả khu tập thể đều nghe. Vậy mà khi vợ mang thai được một tháng, anh bỗng nhiên thèm thịt mỡ kinh khủng, thèm đến nỗi phải mua nguyên một cục thịt mỡ gần nửa cân, đem luộc, chấm mắm ăn dần với cơm.

Lời khuyên: Nhiều ông khi vợ mang thai bỗng dưng thèm... ngủ, giờ nào cũng ngủ, phút nào cũng ngủ, ngay cả trong giờ làm việc, dù trước đây là người "kén" ngủ. Có nhiều ông lại sợ mùi tanh của cá và thèm ngọt ghê gớm, cứ làm việc được một tiếng đồng hồ là lẳng lặng đi kiếm đồ ngọt để ăn...

Hầu hết các triệu chứng này đều xuất hiện trong giai đoạn đầu vợ mang thai, và dần biến mất sau khi đứa con ra đời. Theo tiến sĩ Harriet Gross, tại khoa Khoa học nhân bản thuộc Đại học Loughborough nhận định, hội chứng này có thể là dấu hiệu của sự lo lắng thái quá và bắt nguồn từ sự cảm thông với vợ.

4. Nghén xà phòng

Chuyện nghén của Hạnh cũng "lạ" không kém. Hạnh sợ tất tần tật các loại xà phòng, từ xà phòng tắm, giặt, gội... cho đến nước rửa bát, nước lau nhà. Chính vì vậy mà Hạnh cách ly luôn những ai thơm tho mùi xà phòng. Mọi người trong nhà Hạnh cũng cố gắng tránh tắm gội những lúc cô ở nhà. Trong công ty, bạn bè đồng nghiệp chị cũng biết ý mà tránh dùng những loại xà phòng có mùi mạnh.

Chỉ có chồng Hạnh là khổ nhất. Dù anh đã cố gắng... "khử mùi" mỗi khi bên vợ nhưng Hạnh vẫn ngửi thấy và anh lại phải chứng kiến vợ nôn ra mật xanh mật vàng vì mình. Trong thời gian vợ nghén, hễ được sếp phân công đi tỉnh xa là anh vô cùng phấn khởi vì được tắm gội thỏa thích.

Bản thân Hạnh cũng là người ưa sạch sẽ. Nhưng từ lúc ốm nghén, 10 ngày Hạnh mới gội đầu một lần, tắm không dùng xà phòng. Hạnh cũng thôi không động đến việc lau dọn nhà cửa, giặt giũ hay rửa bát.

5. Nghén đủ... 9 tháng 10 ngày

Chị Hà (người có một lịch sử nghén rất "đáng nể") mang bầu 9 tháng 10 ngày thì nghén đủ 10 ngày 9 tháng. Cho dù chị Hà ăn gì thì cũng chỉ đến nửa tiếng sau là nôn bằng hết. Người ta thường chỉ bị nghén trong ba tháng đầu, còn chị nghén luôn tới tận lúc đẻ. Nghén thế nhưng hai bé trai của Hà ra đời vẫn khoẻ mạnh, tuy nhẹ cân song dễ nuôi. Cho tới bây giờ, khi hai người con đã trưởng thành, lấy vợ, sinh con, thì chính chị và gia đình cũng không hiểu tại sao chị lại bị nghén kinh khủng thế.

Thức ăn duy nhất không bị chị cho ra ngoài là củ lạc. Trong suốt thai kỳ, chị chỉ ăn hết lạc luộc, lạc muối rồi lại lạc kho... Đến lúc chị mang bầu đứa thứ hai, tình trạng cũng không khả dĩ hơn. Nhiều lúc, chị cho rằng hai đứa con của mình được nuôi sống nhờ... lạc.

6. Nghén mùi... cơm nóng và gạo nếp

Nhiên có kiểu nghén khá ‘độc' - nghén mùi cơm nóng. Buổi trưa ở chỗ làm, Nhiên phải lót dạ bằng bún, miến, phở... vì hễ ngửi thấy mùi cơm là muốn... chạy. Để thích ứng với cơn nghén, vợ chồng Nhiên đã có cách. Tối về, Nhiên xào nấu đồ ăn trong bếp, còn chồng Nhiên có nhiệm vụ xách nồi cơm điện lên tận tầng 3 cắm. Cơm chín, anh đơm cơm ra bát tô to, bật quạt rồi quạt cho cơm thật nguội mới đem xuống cho vợ. Nhân thể, anh lấy đồ ăn ở bếp rồi lại hì hụi leo lên tầng 3 ăn một mình. Nhiên chỉ sợ mùi cơm sôi, cơm nóng chứ cơm nguội thì cô "chén" ngon lành.

An (Hà Đông, Hà Nội) không bị nghén cơm nóng như Nhiên mà lại nghiện mùi gạo nếp. Sáng ngủ dậy hay chiều đi làm về, An chạy vội đến thùng gạo nếp, hít lấy hít để cho đỡ cơn... thèm. Thấy vậy, chồng An xúc cho vợ một hộp gạo nếp, bảo mang theo khi đi làm, nửa buổi mang ra hít cho đã. Vài ngày, An lại được chồng thay mới gạo nếp, cho vào hộp, mang tới chỗ làm.

7. Nghén ‘đỏng đảnh'

Còn Hồng (Long Biên, Hà Nội) bị chồng giận chỉ vì cơn nghén "đỏng đảnh". Gần 9h tối, trời nổi gió như sắp có cơn giông, Hồng bỗng nhiên nổi hứng thèm nem chua rán. Hồng năn nỉ chồng đi mua nem chua, còn dặn dò cẩn thận chỉ mua nem sống về tự rán vì cô sợ, ngoài hàng họ dùng dầu mỡ kém chất lượng.

Chỉ khổ chồng Hồng, cố phóng xe nhanh để hoàn thành vụ mua nem chua cho vợ lại tránh được cơn giông. Thế mà khi về đến nhà, Hồng đặt chảo lên bếp, đổ dầu vào, chuẩn bị rán nem chua thì cái mùi dầu và nem chua bốc lên khiến Hồng nôn ra "mật xanh - mật vàng". Hồng sợ, chẳng dám động tới nem chua, còn chồng Hồng thì cau có vì mất bao công sức mua về lại bị vợ... chê.

8. Nghén mùi... đầu mẩu thuốc lá

Linh (Mỹ Đình, Hà Nội) khi mới mang bầu không thấy sợ mùi tanh, rán cũng ít khi mệt mỏi. Linh vui mừng vì mình ăn được, ngủ được, không phải kiêng khem nhiều. Có điều, Linh thích ngửi mùi đầu mẩu thuốc lá vô cùng. Có lúc lên cơn "thèm", Linh phải "nịnh" chồng ra ngồi quán nước, hút thuốc rồi đem đầu mẩu về cho mình ngửi. Tuy nhiên, Linh cũng không dám hít nhiều vì sợ đầu mẩu thuốc lá cũng có chất độc như khói thuốc lá, không tốt cho thai nhi.

Linh còn được nghe chuyện về nghén thú vị từ mẹ chồng. Mẹ chồng Linh kể, hồi mang bầu anh trai chồng, bà thèm lạc sống kinh khủng. Khi ấy ở quê, nhà nghèo, lạc lại không dễ kiếm như bây giờ. Lúc đi làm đồng thấy ruộng nhà bên gieo lạc, bà mừng như bắt được vàng. Chờ hàng xóm làm xong ra về, bà hớt hải chạy sang. Họ gieo lạc chỗ nào, mẹ chồng Linh bới chỗ đó lên rồi phủi sơ đất cát là có lạc ăn liền.

9. Bi hài nghén... 'sến'

Từ khi có bầu, Hiền tự nhiên thấy nghén... các loại nhạc sến. Cả buổi tối, Hiền ngồi nghe đi nghe lại mấy bài hát lâm li, thất tình rồi sụt sịt... khóc khiến chồng phát hoảng.

"Chẳng hiểu sao mình lại ‘chuối' thế. Trước đây thì cực ghét mấy thể loại nhạc ‘rác' hay ‘thảm họa' ào ào trên mạng. Thế mà giờ đây lại mê mệt, nghe thấy rất hợp... tâm trạng mới buồn cười" - người mẹ 25 tuổi chia sẻ.

Khi mang thai, Hiền được gia đình chồng rồi chồng chăm chút, thích món gì là được ăn món ấy. Chồng Hiền tâm lý, chiều vợ, sẵn sàng cáng đáng việc nhà để vợ nghỉ ngơi. Anh cũng không ngại chở vợ đi ăn ốc, ăn phở nếu vợ thèm, dù đã khuya. Hiền không trong hoàn cảnh âu sầu, đau thương nhưng không hiểu sao lại thích nghe nhạc thất tình với chia ly.

"Không biết khóc nhiều có ảnh hưởng tới con không? Nhưng không nghe nhạc buồn thì mình cồn cào chịu không nổi" - Hiền nói.

Không nghén... nhạc sến như Hiền, Nguyên (Đà Nẵng) khi mang thai lại "kết" những tiểu thuyết thật buồn và bi thảm. Một lần tình cờ lướt web khi rảnh việc, Nguyên đọc được một đoạn tiểu thuyết trên mạng, không biết tác giả, cũng chẳng biết truyện của ta hay của Tàu rồi chợt bị... nghiện. Có những ngày mà sáng vừa đi làm, Nguyên cũng phải mở ra đọc một đoạn. Truyện miêu tả tình yêu của đôi trai gái bị gia đình ngăn cấm mà cũng khiến Nguyên rơi nước mắt thương xót.

"Mấy cái truyện kiểu này trước kia mình chẳng bao giờ đọc vì nội dung toàn bịa tình yêu trắc trở, câu cú thì lê thê, nghĩ mình ngồi một lúc chắc ‘sáng tác' ra vài cuốn. Vậy mà giờ lại thấy thích lắm. Đọc một đoạn rồi khóc ‘hu hu' thấy nhẹ cả lòng" - Nguyên bộc bạch.

Nguyên bảo, mang bầu khiến tâm trạng thay đổi, dễ buồn và rơi nước mắt. Có lẽ vì thế nên Nguyên thấy thích những cuốn tiểu thuyết sến kiểu này.

Lời khuyên: Mang thai không chỉ khiến chị em có những thay đổi về thể chất mà còn cả thay đổi ở tâm lý. Sự xáo trộn hormone trong cơ thể khi mang thai có tác động lớn tới nồng độ serotonin - một chất chính ảnh hưởng tới tâm trạng. Đó là lý do vì sao nhiều chị em thấy mình dễ buồn rầu, hay xúc động và rơi nước mắt hơn khi mang thai. Người mẹ cũng có thể bất chợt thấy thích nghe những bài hát buồn, xem những bộ phim hay đọc những cuốn tiểu thuyết bi đát vì tâm trạng dễ xúc động này.

Các nghiên cứu cho thấy những hóa chất do cơ thể người mẹ giải phóng khi buồn có thể qua nhau thai tới thai nhi. Nhưng buồn rầu một vài ngày hoặc vài giờ đồng hồ không gây ra tác động xấu nào. Thường thì hết 3 tháng đầu, hormone sẽ ổn định, người mẹ thấy tâm trạng tốt hơn, hạnh phúc và bớt lo lắng, buồn rầu. Sở thích nghe nhạc, đọc truyện... sến cũng sẽ mất theo.

Nếu bà bầu thấy buồn rầu hay căng thẳng thì nên chia sẻ với chồng hoặc người thân. Điều quan trọng là nên giải thích lý do buồn rầu để được chồng thông cảm và trợ giúp. Một khi được chồng hiểu và giúp đỡ thì người vợ càng dễ dàng vượt qua giai đoạn này. Còn nếu tâm trạng xáo trộn nằm ngoài kiểm soát, tốt nhất thai phụ nên trao đổi với bác sĩ.

Theo Mevabe.net

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Các biện pháp chống nghén (7/3)
 Sự thật nhìn "tướng" bà bầu đoán em bé (6/3)
 Những bệnh thai kì ảnh hưởng tới mắt mẹ bầu (6/3)
 Bi hài chuyện những bà mẹ "phải" sinh con tuổi rắn (4/3)
 Những việc mẹ bầu không nên làm ngay sau khi ăn (4/3)
 Những lưu ý cho mẹ bầu khi ăn hoa quả (1/3)
 Giúp mẹ bầu giải quyết các vấn đề về da khi mang thai (1/3)
 Điều mẹ bầu phải biết khi ăn hải sản (28/2)
 3 "bí kíp" chống rụng tóc sau sinh (28/2)
 4 giai đoạn cần bổ sung canxi mẹ bầu nên biết (27/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i