Vui chơi cùng trẻ
   Con nhà giàu học bơi
 

Khóa học 1 thầy - 1 trò, chi phí khoảng 2,4 triệu đồng và đây là sự lựa chọn số 1 của phụ huynh khá giả ở thủ đô khi cho con đi học bơi mùa hè này.

Chiều thứ 6, chị Hương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chờ hẹn thầy Tân, vận động viên bơi lội quốc gia, ở sân bể bơi trong khách sạn Bảo Sơn. Chị đang xin cho cô con gái 6 tuổi học bơi. Sau đợt lũ lụt ở Hà Nội tháng 10/2008 có học sinh bị chết đuối, chị và ông xã nhất trí cho con đi học bơi bằng được.
Thầy giáo là vận động viên thể thao chuyên nghiệp, bể bơi trong khách sạn, có nước nóng và mái che, nở rộ dịch vụ 1 thầy kèm 1 trò... Đây đang là sự lựa chọn số 1 của phụ huynh khá giả ở thủ đô khi cho con đi học bơi mùa hè.

Các vị phụ huynh có xu hướng cho con đi học bơi từ nhỏ. Ảnh chụp ở bể bơi trong khách sạn Thắng Lợi 21/5/2009

Nở rộ dịch vụ 1 thầy 1 trò

Chị Linh, làm việc ở tổ chức Y tế Thế giới, cho con 6 tuổi học bơi trọn gói 1 thầy kèm 1 trò ở bể bơi khách sạn Bảo Sơn. Chị cho biết, các thầy cô cam đoan, học khoảng 5 buổi, cháu biết bơi. Rèn thêm động tác chuẩn thì mất 10 buổi.

Tổng số tiền chi cho học bơi 1 kiểu khoảng 2,4 triệu đồng.

Trong đó, học phí đóng cho thầy là 1,4 triệu đồng. Một ca, học phụ huynh sẽ phải trả thêm 90.000 đồng phí vào bể cho cô giáo và con (người lớn 50.000 đồng, trẻ em 40.000 đồng). Chưa kể, phí thuê kính và mũ bơi 10.000 đồng.

Chị Linh chia sẻ: "Tôi có thể linh hoạt sắp xếp thời gian đi bơi cho con. Học bơi tập thể sẽ phải đi đúng giờ cố định. Nếu bận không bố trí được thì con lại phải bỏ học".

Chọn bể bơi cho con, chị Linh đặc biệt chú ý độ sạch của bể, bể có mái che và hệ thống cung cấp nước nóng. Bể bơi trong khách sạn Bảo Sơn, người không đông nghịt, xô bồ như bể bơi công cộng.

1 thầy - 1 trò là "giao ước ngầm" giữa phụ huynh và thầy dạy. Phụ huynh truyền tai số điện thoại của thầy để xin học cho con.

Trong lúc chờ thầy, chị Hương được "mách": Nếu 1 thầy 2 trò, thì giá mềm hơn, khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, chị không yên tâm: "Chỉ 1 thầy dạy 1 trò cho an toàn, con mình nhỏ, thầy lãng đi, biết làm sao được".

Dù được dặn "thầy dạy là vận động viên bơi lội quốc gia", chị cũng chỉ yên tâm phần nào. Chị đến tận nơi, thầy dạy con 1 tiếng, chị ngồi đó "kèm" con cùng thầy.

Cũng lựa dịch vụ "1 thầy - 1 trò", nhưng chị Lan ở ngõ 93 (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) đưa con đi học bơi ở bể bơi Phụ nữ. Ưu điểm của bể bơi này là thầy có mặt 24/24, có thể đưa con đi học ở bất cứ giờ nào. Giá lại mềm hơn, 800.000 đồng cho mỗi kiểu bơi.

Gian nan tìm bể

Ở Hà Nội không có nhiều bể bơi nước nóng. Bể bơi ở Trần Hưng Đạo chật và nước bẩn hơn. Ở Ngọc Khánh có 1 bể bơi nước nóng nhưng mới bị dỡ bỏ.

Sau khi khảo sát kĩ như vậy, chị Nguyễn Thị Hạnh, tổ 26 Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội mua vé tháng 700.000 đồng ở bể bơi Bốn mùa.

Một kiểu tắm sông "điệu nghệ" của trẻ em nông thôn. Ảnh: Lê Anh Dũng


Chị Bạch Thị Dung ở tập thể nhà máy Điện Yên Phụ thường cho con bơi ở bể Quân đội. Nhưng bể mới bị dỡ bỏ nên chị đưa con đến bơi trong khách sạn Thắng Lợi.

Bơi ở bể trong nhà, hôm mưa trẻ không bị cảm, nhưng vì bí nên chị không thích. Chị hay đưa con đến bể bơi có không gian rộng, phong cảnh đẹp để cháu vừa bơi, vừa thư giãn.

Đầu hè, bể bơi Thắng Lợi còn vắng, khi vào giữa vụ nếu quá đông đúc, chị sẽ cho con ra bơi ở bể bơi trong khách sạn Daewoo.

Dù phí bơi tính bằng 'đô" (phí người lớn 100 USD/lượt, trẻ em 5 - 7 USD/lượt), chị không nề hà, chỉ cần có môi trường tốt để con vui chơi.

Mùa hè trước, chị thuê thầy dạy bơi là vận động viên bơi lội quốc gia riêng cho con, phí 700.000 đồng mỗi kiểu bơi. Tuy nhiên, cho học 2 vụ hè vẫn không ăn thua vì cháu nhỏ mải chơi, không bơi đúng động tác.

Có ngoại khóa nhưng thiếu bơi

Các trường đã tổ chức các lớp học ngoại khóa cho học sinh, nhưng dạy bơi vẫn bị bỏ ngỏ, trong khi, nhu cầu của phụ huynh cho môn thể thao này lại rất lớn.

Từ 5h chiều, Trường Tiểu học Nghĩa Tân có tổ chức hoạt động ngoại khóa như dạy: đàn, thể dục nhịp điệu, võ, đá cầu..., chỉ thiếu môn bơi.

Chị Hạnh không cho con học thêm các môn văn hóa vì căng thẳng. Chị muốn cho con học bơi để cơ thể vận động toàn diện. Còn học múa ba - lê tay, người đẹp nhưng chân to.

Chị Bạch Thị Dung ở Tập thể nhà máy Điện Yên Phụ cho biết: ở Trường Tiểu học Việt Nam - Cu ba, con chị đang theo học, có Câu lạc bộ Mặt trời bé thơ. Trường chưa có lớp dạy bơi cho học sinh.

Chị Linh có con học ở Trường mầm non Hoa Sen. Hè năm ngoái, chị cho con học bơi ở bể của trường. Cô giáo không khuyến khích, bởi bơi vào lúc 2h chiều, các cháu phải qua sân nắng chang chang mới đến bể, dễ bị ốm.

Năm nay, bể bơi ở trường khô cong nước, biến thành bể bóng.

Chị Lê Thị Mai Ly đang dạy bơi cho con ở bể bơi trong khách sạn Hilton. Ảnh chụp ở bể bơi trong khách sạn Hilton 21/5/2009


Chị Lê Thị Mai Ly ở 15B, Nguyễn Cao, vẫn còn kinh hoàng khi con đi hoạt động ngoại khóa ở trường bị gẫy tay.

Đưa con đến bể bơi công cộng, chị cũng không yên tâm bởi "đông đúc nhốn nháo, các cháu cứ nhảy ùm xuống bể, vầy nước là chính".

Ở Trường THCS Lê Ngọc Hân nơi con đang học cũng có tổ chức học bơi, múa, bóng rổ. Nhưng chị chọn "liệu pháp" an toàn nhất là đưa đến bể bơi trong khách sạn Hilton, tự dạy cho con.

Chị thường chọn bể bơi cao cấp trong khách sạn Tháp Hà Nội, Sheraton, Hilton để cho con bơi vì cho rằng "ít người, sạch sẽ và phục vụ chu đáo".

Khi đời sống cải thiện, phụ huynh có điều kiện hơn để chăm sóc con cái. Tâm lý muốn đầu tư tốt nhất cho con, phụ huynh xu hướng chọn cho con nơi học tốt nhất, thầy giáo giỏi nhất.

Thầy Trịnh Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Thể thao Thiếu niên 10 - 10 kể: "Có phụ huynh nói ở nhà tôi cho con tắm nước hoa hồng nên cứ nằng nặc vào xem nước ở bể rồi mới liệu cho con vào học hay không".

Anh Hiền, giáo viên dạy bơi ở bể bơi Bốn mùa cho hay, từ đầu mùa hè đến giờ, anh nhận dạy riêng cho 20 cháu học tiểu học.

"Khó khăn nhất khi dạy trẻ là ý thức về động tác chưa có, tôi phải nhắc đi, nhắc lại kỹ thuật nhiều lần trẻ mới bơi được".

Anh khuyên phụ huynh, trẻ từ 8 tuổi trở lên hãy cho đi học bơi. Thời gian bơi vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn là tốt nhất cho sức khỏe. Trước khi đi bơi 1 tiếng, phụ huynh nên cho con ăn đồ ăn nhẹ.

Theo VNN

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đồ chơi giúp trẻ phát triển thế nào? (15/5)
 Giúp trẻ 5 tuổi học với đồ chơi (13/5)
 Du lịch cùng em bé (12/5)
 Chọn cách vui chơi cùng bé (1-4 tuổi) (5/5)
 Nguy hiểm trẻ chơi trò xe điện ở công viên Thống Nhất (4/5)
 Hà Nội: Nhiều điểm vui chơi dịp lễ (29/4)
 Những lưu ý cho phụ nữ mang thai và trẻ em đi chơi xa trong dịp lễ (27/4)
 Mua gì, ăn gì và đi chơi đâu trong dịp lễ 30/04 và 1/05 (27/4)
 Tác dụng nhiều mặt của vận động với các bé (23/4)
 Những trò chơi cho huynh đệ (21/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i