Giải trí
   Phim hè cho thiếu nhi: Chưa phải cái trẻ cần
 
 
 Kỷ băng hà 2
Mùa hè đến cũng là lúc các nhà làm phim trình làng những tác phẩm của mình dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên chưa lúc nào trẻ em Việt Nam lại “đói phim” như thời điểm hiện tại.

 Sở dĩ số lượng phim chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chất lượng lại không như mong đợi là vì bên cạnh những lý do chủ quan như khan hiếm kịch bản hay, kinh phí thấp còn vì thói quen “nói bằng giọng người lớn” trong các tác phẩm dành cho thiếu nhi.

Tôi nhớ có một lần xem bộ phim Phải sống của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, tôi đã thật  sự  xúc động ở cảnh kết, khi đứa cháu (Bánh Bao Nhỏ) hỏi Phú Quý: “Ông ngoại ơi, bao giờ thì chúng lớn ?” - “Chẳng bao lâu nữa  !” - “Rồi  sao nữa ?” - “Mấy chú gà con sẽ biến thành ngỗng, những con ngỗng sẽ biến thành cừu, cừu sẽ biến bò...” - “Và sau những con bò là gì ?” - “Sau những con bò, Bánh Bao Nhỏ sẽ lớn lên...” - “Cháu sẽ nuôi một con bò đen” - “Bánh Bao Nhỏ sẽ không nuôi bò đen, mà nó sẽ khai hoang đất đai, để có cuộc sống tốt đẹp hơn về lâu dài...” . Câu chuyện về cuộc đời Phú Quý đầy biến động, gian truân, không có nhiều hạnh phúc lớn lao nhưng điều đáng trân trọng ở nhân vật là cách gieo hy vọng, sự quật cường vào thế hệ con cháu. Phải sống cho dù bất cứ điều gì xảy ra ! Lời thoại kết mở ra một khung trời tươi sáng hơn cho thế hệ tương lai tiếp nối nghị lực sống phi thường của thế hệ trước. Không triết lý hoa mỹ, nhưng những câu hỏi mộc mạc, ngây thơ ấy lại bén duyên ngầm, khiến người xem day dứt mãi. Nhìn lại những bộ phim của Việt Nam dành cho thiếu nhi được trình chiếu trong thời gian gần đây như Mẹ vắng nhà, Sơn ca trong thành phố, U14 trong mơ, Đội đặc nhiệm nhà C21... thì quả thực các diễn viên nhí của chúng ta nói như những “ông, bà cụ non” với âm điệu quá khô cứng, nghe có cảm giác như các em đang học thuộc lòng một đoạn văn với giọng đọc vô cảm. Chẳng có gì tẻ nhạt hơn khi những bộ phim dành cho thiếu nhi với những cô cậu học trò còn đang hồn nhiên ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, ấy vậy mà hễ cứ mở miệng ra là khuyên bảo, giáo dục, hành động luôn gương mẫu y như... sách giáo khoa khiến cho các em có cảm giác mình đang “ăn” một món ăn tinh thần nặng giáo điều và khô cứng, xa cách với chính thế giới của chúng.

Một lý do khác dẫn tới lối mòn giáo dục ấy là kịch bản phim không hấp dẫn, chỉ quẩn quanh với những đề tài đơn điệu kiểu “người tốt - việc tốt” hay thay đổi một chút thì kể lại quá trình một bạn hư, nghịch được “giác ngộ” trở nên ngoan ngoãn như thế nào, rồi phát ra một tràng hối lỗi đầy tính luân lý ở cuối phim. Các tác giả, đôi khi đã không thực sự lắng nghe, thấu hiểu xem trẻ em muốn gì mà cứ sáng tác theo một thói quen cố hữu thay vì nhọc công tìm tòi, thể hiện những cảm xúc đa chiều, nhiều màu sắc của thế giới trẻ thơ. Lướt qua một loạt những bộ phim ăn khách của nước ngoài dành cho thiếu nhi đang trình chiếu trên các rạp tại Hà Nội như Kỷ băng hà 2, Hai chú mèo siêu quậy, Vương quốc xe hơi, Biệt đội siêu quậy, Xứ sở thần tiên, Gấu bự và hươu còi... các tác giả đều khai thác những đề tài viễn tưởng, không có thật nhưng cách hành xử của nhân vật lại rất gần gũi với thế giới của các em nên đã giúp các em vừa mở rộng trí tưởng tượng vừa thấy gần gũi, quen thuộc. Kỷ băng hà 2 là một ví dụ. Tác giả đã khai thác đề tài dưới khía cạnh là hành trình tìm sự sống của cộng đồng sinh vật khi kỷ băng hà bỗng chốc bị tan biến thành nước do băng tan chảy dưới sức nóng của mặt trời. Đối diện với sống và chết, 3 người bạn thân Manny, Diego và Sid đã đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, gợi mở cho các em biết bao nhiêu điều lý thú bằng óc tưởng tượng phong phú.

Có cả chục lý do đã được người trong nghề đưa ra, ngụy biện về chất lượng của những bộ phim dành cho thiếu nhi. Từ những nguyên nhân riêng như tìm diễn viên nhí đã khó, chỉ đạo chúng diễn còn khó hơn, đến những khó khăn chung của cả nền điện ảnh - truyền hình như thiếu kinh phí, kịch bản tốt... Đạo diễn Minh Chung, người được coi là gắn liền với phim cho tuổi nhỏ đã có lần ca thán rằng “Phim thiếu nhi là nghèo kịch bản nhất” và ông đã nhìn nhận rằng trong 5 năm trở lại đây, ngoài bộ truyện Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật ánh được dựng thành phim, bản thân ông chưa thể bắt nhịp cùng một kịch bản nào để làm phim cho khán giả nhỏ tuổi. Một nguyên nhân quan trọng nữa là nguồn diễn viên nhí lại càng hiếm hoi hơn. Khi làm phim, nhiều đạo diễn có hẳn một chiến dịch “săn tìm” diễn viên khắp nơi nhưng cũng khó khăn lắm mới tìm được một vài diễn viên ưng ý gọi là có chút năng khiếu diễn xuất. Có thể nói Việt Nam thiếu hẳn một chiến lược đào tạo diễn viên nhí, tạo nguồn cho phim thiếu nhi. Về mặt sản xuất, người làm phim cho thiếu nhi sức lực, thời gian, sự sáng tạo phải bỏ ra gấp 2-3 lần so với làm phim thông thường. Diễn viên chưa được đào tạo nên sử dụng khó đã đành, thời gian của các em cũng không được rảnh rang, đạo diễn phải sắp xếp lịch quay sao cho không trùng vào các buổi học. Có phim chuẩn bị rậm rịch từ hồi đầu năm nhưng phải “cắn răng” chờ dịp hè mới bấm máy được. Như vậy là chưa nói đến việc làm những bộ phim khoa học viễn tưởng, hành động, cổ tích mà những bộ phim bình thường thôi cũng khó khăn đủ bề.

Thực tế trên cho thấy trách nhiệm định hướng của các nhà quản lý văn hóa là hết sức quan trọng. Nếu trong các hoạt động tổ chức trại sáng tác hay liên hoan phim, các nhà quản lý có một tiêu chí hoặc một giải pháp cụ thể nhằm phát triển phim về các em và cho các em thì mọi lời lẽ to tát về định hướng sẽ không chỉ là những lời nói suông, che đậy một thực tế quản lý mang tính cào bằng và ban phát. Hy vọng thời gian tới điện ảnh nước nhà dành cho thiếu nhi sẽ có nhiều hướng đi mới, nhiều đề tài rộng hơn nữa cho các nghệ sĩ thể nghiệm và thể hiện, để phim dành cho thiếu nhi sớm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: tác phẩm dở - lỗ vốn - đầu tư ít - tác phẩm dở...

                                        ( Theo Hà Nội Mới )
  
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Góc chơi ngộ nghĩnh cho bé (2/8)
 Búp bê bé gái (1/8)
 “Đồ Rê Mí”: Sân chơi hấp dẫn của thiếu nhi tối thứ bảy hàng tuần (30/7)
 Chương trình giải trí hấp dẫn tại nhà thiếu nhi TP.HCM (28/7)
 Văn chương đang ở trong nhà thiếu nhi (27/7)
 Đào tạo năng khiếu trẻ em, còn bỏ ngỏ (26/7)
 Ý tưởng cho phòng bé yêu (25/7)
 Tường... giấy (24/7)
 Khán giả nghĩ gì về những chương trình Truyền hình cho bé? (23/7)
 Làm mới không gian phòng trẻ (23/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i