Tự kỷ
   Trẻ tự kỷ căn bệnh mới của trẻ em hiện đại
 

Có những đứa trẻ suốt ngày chỉ xem "quảng cáo" trên ti vi mà không quan tâm điều gì khác. Có trẻ thì chỉ thích chơi một mình, soi mói một đồ vật nào đó như một nhà nghiên cứu khoa học, dù trẻ đó mới được 3 tuổi. Có trẻ thì chỉ nói những tiếng "xì xà xì xồ" mà lại không nói được tiếng Việt. Cũng có những trẻ chỉ chơi một loại đồ chơi, mà lại chỉ chơi một kiểu mà không bao giờ nghĩ ra kiểu chơi khác. Có những đứa trẻ không bao giờ chia sẻ buồn vui với bố mẹ và người thân, chân tay lúc nào cũng "vân vê" một cách vô thức... Tất cả những hiện tượng trên là dấu hiệu của trẻ mắc "hội chứng tự kỷ" - Một căn "bệnh" mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây và ngày càng bùng phát mạnh mẽ.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh Viện nhi Trung ương về "căn bệnh" mới này.

* Thưa tiến sỹ, xin bà có thể nói rõ về khái niệm của bệnh tự kỷ ở trẻ em?

- Chúng ta thường gọi là bệnh tự kỷ, nhưng thật ra phải gọi là "Hội chứng tự kỷ" mới chính xác. "Hội chứng tự kỷ" là một trong những Hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em. Trong phân loại của tổ chức y tế thế giới trước đây thì người ta xếp nó vào loại bệnh tâm thần, nhưng ngày nay nó được tách ra như là một Hội chứng rối loạn phát triển.

* Vậy "Hội chứng tự kỷ" ở trẻ em được biểu hiện qua hành vi như thế nào, thưa Tiến sỹ?

- Hội chứng tự kỷ ở trẻ em được biểu hiện qua 3 loại hành vi sau:

Khiếm khuyết về quan hệ xã hội:

Trẻ tự kỷ rất hạn chế trong vấn đề giao tiếp xã hội. Ví dụ trong giao tiếp thì trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt, không có những giao tiếp "không lời" bằng những cử chỉ cơ thể. Tình cảm rất hạn chế ngay cả với bố mẹ và người thân trong gia đình. Không chia sẻ cảm xúc buồn vui, không quan tâm đến những hoạt động xung quanh trẻ.

Khiến khuyết về sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp:

Chậm, thậm chí rất chậm nói hoặc là nói xì xồ không rõ là tiếng gì. Có trẻ biết nói nhưng chỉ được vài câu như "bà", "mẹ"...còn lại là im lặng, những trẻ này không biết cách biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ.

Chơi tưởng tượng:

Trẻ tự kỷ thường không thích chơi với bạn bè mà chỉ thích chơi một mình. Không đa dạng trong cách chọn trò chơi, chỉ theo một mô típ. Kỹ năng chơi hạn chế, lặp lđi lặp lại một động tác. Chơi những đồ vật bất thường như tăm, đũa, điều khiển ti vi.... Gần 100% trẻ tự kỷ xem quá nhiều quảng cáo trên ti vi, tay chân hay vê xoắn, hay đi vòng quanh không có mục đích.

* Thưa tiến sỹ, vậy thì những nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc Hội chứng tự kỷ là gì?

- Hiện tại trên thế giới người ta vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Nhưng có thể nói rằng người ta đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản sau:

Tổn thương não thực thể:

Có thể xảy ra trước khi sinh, ví dụ có những bà mẹ bị nhiễm siêu vi trùng trong 3 tháng đầu mang thai và các bệnh khác trong thời kỳ mang thai. Hoặc xảy ra trong khi sinh như: Trẻ sơ sinh đẻ non, bị ngạt hoặc vàng da nhân. Hoặc trẻ sau sinh như: Trẻ suy hô hấp phải thở máy, thở ô xy...Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ khá lớn.

Di truyền (gien):

Nghiên cứu qua các bệnh nhân đã điều trị thì thấy rằng yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân của Hội chứng tự kỷ. Thực tế chữa bệnh ở Viện nhi Trung ương đã có trường hợp 2 trẻ mắc Hội chứng tự kỷ trong cùng một gia đình. Hoặc có gia đình thì bà ngoài, dì ruột đều tự tử, cháu bị tụ kỷ. Có gia đình thì 6 người đàn ông trong nhà không nói chuyện với nhau, lầm lũi như những cái bóng và có một đứa cháu bị tự kỷ...

Môi trường:

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tụ kỷ. Có thể do ô nhiễm môi trường như hoá chất, bụi khói... Một số gia đình có lối sống quá hiện đại như: thiếu sự quan tâm của bố mẹ, trẻ phải ở với người giúp việc đa số thời gian trong ngày, trẻ không được giao tiếo ra bên ngoài mà chỉ ở nhà xem ti vi...đó là ô nhiễm về lối sống.

* Vậy hậu quả của trẻ mắc Hội chứng tự kỷ là như thế nào, thưa Tiến sỹ?

- Hậu quả của Hội chứng tự kỷ rất nghiêm trọng: Nó ảnh hưởng không chỉ bản thân đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Một đứa trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì 30% có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% còn lại phát triển nói chung là tốt, có thể có trẻ giao tiếp được bằng lời nói hoặc không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng ý thức được hành vi và độc lập được cuộc sống. Còn trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp và rơi vào tình trạng nặng, kèm theo chậm phát triển trí tuệ thì sau này sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần. Xét về bảng phân loại bệnh tật của Tổ chức y tế thế giới rất có thể trẻ tự kỷ sẽ trở thành bệnh nhân tâm thần.

* Vậy biện pháp điều trị trẻ tự kỷ?

- Vấn đề này không được gọi là điều trị mà phải gọi là "can thiệp sớm". Vì nếu gọi là điều trị thì nhân dân sẽ nghĩ ngay đó là phải vào bệnh viện uống thuốc. Can thiệp sớm ở Việt Nam hiện tại còn rất hạn chế. Trên thế giới, nhất là ở Mỹ thì can thiệp sớm trẻ tự kỷ phát triển rất mạnh. Người ta có Hội những cha mẹ tự kỷ,Hội tự kỷ... và người ta đã đưa ra rất nhiều nghiên cứu. Họ đã thống nhất phác đồ như thế này: Can thiệp cùng lúc nhiều khía cạnh khác nhau mà trong đó chủ yếu là Y tế và Giáo dục. Đặc biệt, Y tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi vì hầu hết các trẻ dưới 3 tuổi đều ở nhà, cho nên cứ có vấn đề là đi bệnh viện chứ không thể nhờ thệ thống giáo dục được.

* Tiến sỹ có thể cụ thể biện pháp điều trị?

- Chúng tôi đã thiết kế ra một mô hình can thiệp sớm toàn diện, bao gồm giáo dục đặc biệt và trị liệu cá nhân. Trong trị liệu cá nhận thì có sử dụng chương trình can thiệp hành vi của Mỹ (ABA), chương trình này được thiết kế đặc biệt cho trẻ có hành vi bất thường, đó là trẻ tự kỷ. Can thiệp trị liệu cá nhân về vấn đề ngôn ngữ và huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày. Kết hợp với sử dụng một số thuốc nôm na gọi là thuốc bổ não, kích thích về độ tập trung, về mặt ngôn ngữ, giao tiếp.

Tự kỷ so với các bệnh khác của trẻ em.

* Tiến sỹ có thể cho biết tỷ lệ trẻ mắc Hội chứng tự kỷ chiếm tỷ lệ thế nào so với các loại bệnh khác?

- Ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về trẻ tự kỷ vì đối với chúng ta đây là vấn đề mới. Nhưng với 23 năm làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng nhi, khám cho các trẻ tàn tật thì chúng tôi thấy rằng mô hình tàn tật của trẻ thay đổi rất ghê gớm. Từ năm 1985 đến 1995 chủ yếu là bệnh bại liệt, từ năm 1995 đến năm 2000 thì 30% là bệnh bại não, từ 2000 trở lại đây thì trẻ tự kỷ xuất hiện ngày càng đông, năm sau cao gấp 2,3 lần năm trước. Điều đó không có nghĩa số lượng trẻ tự kỷ ở Việt Nam tăng lên gấp đôi gấp ba, mà nó có nghĩa sự thay đổi về mô hình tàn tật là rất lớn. Tại Mỹ, người ta nghiên cứu ở bang Califonia thấy rằng trẻ tự kỷ năm sau cao gấp 240 lần năm trước, một tỷ lệ được coi là kinh khủng.

* Vậy khi trẻ mắc Hội chứng tự kỷ thì phải điều trị ở đâu, thưa Tiến sỹ?

- Hiện tại, Khoa phục hồi chức năng viện Nhi Trung ương chúng tôi điều trị rất nhiều trẻ tự kỷ cũng như các trẻ tàn tật khác. Ngoài ra, Hội cứu trợ trẻ em TP Hà Nội thành lập Trung tâm hy vọng số 1 (nhà 35, ngõ 84 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội) và phòng khám nhi ABCD (29 - Giang Văn Minh - Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội). Đây là ba địa điểm duy nhất ở Việt Nam dùng phác đồ điều trị hiện đại nhất của Mỹ mà đồng nghiệp ở Mỹ và Nhật sang thăm cũng phải thán phục. Các trung tâm này gần như hoạt động từ thiện bởi chi phí khám và điều trị là rất nhỏ.

Hiện tại trẻ mặc Hội chứng tự kỷ rất nhiều mà các Trung tâm khám và điều trị lại cực kỳ ít, nhất là các tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa, rất mong được Nhà nước quan tâm đến mô hình này và nhân rộng để phục vụ cho việc điều trị trẻ tự kỷ ở mọi miền Tổ quốc.

* Xin cảm ơn Tiến sỹ Trần Thị Thu Hà!

 VnMedia

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Góp ý.
Ngày gửi: 1/18/2009 3:52:10 PM

Hiện nay có một trung tâm cũng rất uy tín ở Hà Nội mà các bác phụ huynh có con bị tự kỷ nên đến. Đó là trung tâm Sao Mai 0984417701


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i