Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trị bệnh dưới nước


Cả người điều trị và bệnh nhân đều ngâm mình dưới nước ướt sũng trong lúc chữa trị! Cô kỹ thuật viên đưa tay nâng nhẹ phía sau gáy bệnh nhi, điều khiển những bài tập dưới nước, bệnh nhi lướt qua lướt lại khi trồi lên, lúc thụp xuống dưới mặt nước. Một phương pháp trị bệnh đang được áp dụng tại Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM).

Từ thủy trị liệu ướt cho bệnh nhi...

Phương pháp "thủy trị liệu" đang dược áp dụng tại Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (nằm trên đường Âu Dương Lân, P.12, Q.8, TP.HCM). Phương pháp chữa trị bệnh này thoạt nhìn thấy là lạ, cả người điều trị và bệnh nhi đều ngâm mình dưới nước ướt sũng.

Bác sĩ Đinh Quang Thanh - Trưởng khoa Vật lý phục hồi chức năng của bệnh viện cho biết, thủy trị liệu là một trong nhiều phương pháp nằm trong "bộ sưu tập" điều trị bệnh, bao gồm: vật lý trị liệu; hoạt động trị liệu; ngôn ngữ trị liệu; điện trị liệu; tâm lý trị liệu và thủy trị liệu. Thủy trị liệu bao gồm thủy trị liệu ướt cho bệnh nhi; thủy trị liệu ướt, thủy trị liệu khô cho người lớn. Với thủy trị liệu ướt, là dùng lực tác động của nước để massage, điều hòa hệ thống tuần hoàn cho mạch máu, thần kinh của cơ thể, có tác dụng giảm đau, tạo cho bệnh nhân cảm giác sảng khoái, phục hồi sức khỏe... Phương pháp này thường áp dụng cho các bệnh nhân bị tổn thương tủy sống, đau thần kinh tọa, viêm khớp... và cho trẻ em bị bại não (có tác dụng làm giảm sự gồng cứng ở bệnh nhi, do bệnh nhi bị bại não thường xuất hiện những cơn gồng cứng... Vì thế, khi xuống hồ tập những bài tập dưới nước sẽ giúp giảm tình trạng gồng cứng đó).

Việc chữa trị cho trẻ bị bại não chủ yếu là áp dụng các bài tập vật lý trị liệu. Ngoài một số bài tập vật lý trị liệu khác, tại Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM) còn điều trị cho trẻ bị bại não bằng những bài tập dưới nước (thủy trị liệu). Mỗi tuần trẻ sẽ được trị liệu bằng thủy trị liệu một lần, thời lượng tập tùy theo bệnh lý của từng trẻ (trẻ bị gồng cứng nhiều hay ít), nhưng ít nhất cũng từ 15 - 30 phút/lần. Bác sĩ Đinh Quang Thanh cho biết: "Kỹ thuật viên xuống nước tập cho bệnh nhi là những người được đào tạo bài bản tại Bỉ về vật lý trị liệu theo phương pháp này. Hiện, tại bệnh viện chỉ mới có hai kỹ thuật viên nữ có chuyên môn, đảm trách việc... xuống nước trị liệu cho bệnh nhi mỗi ngày". Có những bài tập kỹ thuật viên cầm nhẹ cổ bệnh nhi để cho bé tự vận động trong nước; có bài tập kỹ thuật viên cho trẻ bại não bị yếu nửa người bên trái cầm phao (cầm bên tay phải) và để tay, chân bên trái của trẻ tự vận động trong nước; có bài tập kỹ thuật viên cho trẻ lượn qua lại trong nước... Nhờ tác động của sức nước sẽ tạo sự vận động mềm mại, giảm tình trạng gồng cứng cho bệnh nhi. Nhiều phụ huynh có con em bị bại não điều trị ngoại trú, mỗi tuần một lần họ lại đưa trẻ đến tập những bài tập dưới nước, vài mươi phút lại chở trẻ về... Mỗi buổi sáng tại đây tiếp nhận mười mấy trẻ đến tập thủy trị liệu.

...đến thủy trị liệu ướt và thủy trị liệu khô cho người lớn

Thủy trị liệu cho người lớn là phương pháp dùng để chữa trị cho những bệnh nhân bị viêm khớp, rối loạn tuần hoàn não, các bệnh viêm thần kinh ngoại biên... Kỹ thuật viên điều khiển phương pháp này không phải đào tạo "khắt khe" như thủy trị liệu ướt cho bệnh nhi nói ở trên, bởi hệ thống bồn nước có cài sẵn các chương trình. Thủy trị liệu dành cho người lớn có cả ướt và khô. Với thủy trị liệu ướt, người bệnh được đặt nằm vào một hệ thống bồn nước hình dạng cánh bướm (được nhập từ nước ngoài). Hệ thống bồn cánh bướm có chương trình điều chỉnh nhiệt độ, hệ thống lọc các chất cặn, thuốc khử trùng, đồng hồ canh áp lực, vòi phun massage điểm. Kỹ thuật viên sẽ cho vòi massage điểm nhắm vào những vị trí bị tổn thương trên cơ thể người bệnh (như chỗ khớp bị viêm, đau...).

Còn thủy trị liệu khô thoạt nghe dễ thắc mắc, vì đã gọi là "thủy"  sao còn lại bảo "khô"! Bác sĩ Đinh Quang Thanh giải thích: "Phương pháp thủy trị liệu khô cũng có những tác dụng như thủy trị liệu ướt, nhưng bệnh nhân không tiếp xúc trực tiếp với nước. Người bệnh được nằm trên một hệ thống (có cài đặt sẵn chương trình), bên trên có màng ngăn, phía dưới màng ngăn là nước. Các kỹ thuật viên sẽ bấm nút điều khiển tốc độ, cường độ của sóng nước. Những tác động của sóng nước sẽ tạo lực lên cơ thể bệnh nhân, cũng với mục đích chữa trị như thủy trị liệu ướt. Bác sĩ Đinh Quang Thanh cho biết, mỗi ngày các bệnh nhân đang điều trị tại các khoa của bệnh viện, nếu có chỉ định từ bác sĩ sẽ được đưa xuống đây để làm thủy trị liệu.

 Những dấu hiệu của trẻ khi bị bệnh bại não

Bệnh lý bại não ở trẻ em có thể xảy ra trong quá trình trước sinh, trong khi sinh và sau sinh.
- Chẳng hạn trẻ bị bại não trước sinh là do mẹ trong lúc mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm virus hay dùng thuốc trị bệnh bừa bãi...; bại não xảy ra trong lúc sinh do người mẹ chuyển dạ quá lâu, sinh ngộp, sinh có can thiệp (như sinh hút)...
- Còn nguyên nhân đưa đến bại não ở trẻ sau khi sinh là do trẻ bị những cơn co giật kéo dài, bị vàng da nhân sau sinh gây tổn thương các nơ-ron thần kinh (có thể làm tử vong hoặc bại não cho trẻ).
- Nếu trẻ bị bại não nhẹ có thể chỉ rối loạn vận động nhẹ. Có trường hợp bệnh nặng, trẻ không tự đi được.
- Bệnh được chia làm các nhóm: nhóm co cứng (gồng cứng), gây tăng trương lực cơ, biến dạng khớp; nhóm mềm nhũn (trẻ mất trương lực cơ - thường thấy là trẻ không ngóc đầu được, cổ không nhúc nhích được); nhóm mất vận động điều hợp (tay chân trẻ cử động không phối hợp nhau khi cầm nắm hay làm gì đó, mà đánh lung tung). Ở từng nhóm, có thể bệnh nhẹ hoặc nặng. Nhẹ nhất là những trường hợp trẻ chậm phát triển vận động (biểu hiện: trẻ chậm bò, chậm đứng, chậm đi...) kèm theo đó là tăng trương lực cơ, chiếm 75 - 80% (trẻ có những cơn gồng người), hoặc giảm trương lực cơ (không ngóc đầu được, khi ngồi đầu cứ bị gục xuống). Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi gặp phải tình trạng như thế.

 
Thanh Niên