Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

2 tuổi đã dậy thì có thể do u não


Hiện tượng "hành kinh" đều đặn hằng tháng của cháu bé hơn 2 tuổi ở Đồng Nai nhiều khả năng là do một khối u vùng não gây nên. Tuy nhiên, khối u buồng trứng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu này.

Thạc sĩ Vũ Chí Dũng, Phó trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, các trường hợp có biểu hiện "thấy tháng" khi mới vài tuổi như cháu bé ở Đồng Nai không phải là quá hiếm. Thỉnh thoảng, khoa vẫn tiếp nhận các trường hợp tương tự, gần đây nhất là một bé gái người Lạng Sơn, mới ra viện cách đây khoảng một tuần. Trong y học, đây là hiện tượng dậy thì sớm, gọi là sớm khi nó xuất hiện trước 9 tuổi ở trẻ trai và trước 8 tuổi ở trẻ gái. Ở bé gái sẽ có các triệu chứng như phát triển tuyến vú, vùng sinh dục phát triển, mọc lông mu, có thể hành kinh; bé trai phát triển cơ bắp, vỡ giọng, dương vật phát triển...

Dậy thì sớm ở trẻ có 2 loại: thật và giả. Gọi là dậy thì sớm thật là khi các biểu hiện như hành kinh, phát triển tuyến vú... có nguồn gốc từ sự thành thục trong não và tuyến sinh dục. Những trẻ này có hệ xương phát triển sớm nên cao hơn hẳn bạn bè cùng tuổi, cơ quan sinh dục cũng trưởng thành (bé trai tinh hoàn lớn, bé gái có buồng trứng, tử cung phát triển). Ở trường hợp dậy thì giả, các thay đổi cơ thể xuất phát từ sự rối loạn ở cơ quan khác. 

Từ 1996 đến 2005, khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị 71 trẻ dậy thì sớm, trong đó nữ chiếm 2/3. Trong 48 trẻ gái được phát hiện, hơn một nửa là dậy thì sớm thật, nghĩa là có nguyên nhân từ các bệnh u não, nang nước tuyến yên, teo não, động kinh, sau xuất huyết não. Tuy nhiên, gần 82% số trẻ dậy thì sớm thật không phát hiện được nguyên nhân. Trong các bé gái dậy thì giả, nguyên nhân thường gặp là u buồng trứng; một số trẻ bị hội chứng Mc Cune Albright (một bệnh di truyền chưa rõ nguyên nhân, với biểu hiện điển hình là dậy thì sớm, có các mảng sắc tố màu cà phê sữa trên da), tăng sản thượng thận hoặc u ở tuyến này.

Bác sĩ Dũng giải thích, sở dĩ các tổn thương ở não có thể gây dậy thì sớm là vì "trung tâm" điều kiển quá trình này nằm ở vùng dưới đồi tuyến yên trong não. Vùng dưới đồi tiết ra hoóc môn GnRH để điều khiển việc sản xuất các hoóc môn giới tính là FSH và LH - hai sản phẩm thúc đẩy quá trình dậy thì. Các khối u và tổn thương vùng não có thể làm rối loạn việc tiết ra GnRH và gây dậy thì sớm. Vì vậy mà có những cháu bé tuy mới 3-4 tuổi nhưng đã hành kinh, tuyến vú và cơ quan sinh dục ngoài phát triển như một thiếu nữ.

 Hầu như ngày nào, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận những trẻ gái có biểu hiện phát triển sớm tuyến vú. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng này tự mất sau một thời gian.

Cách đây hơn 10 năm, ở một xã ngoại thành Hà Nội cùng lúc có 50-60 cháu có phát triển tuyến vú sớm, Bệnh viện Nhi Trung ương về khám không tìm ra nguyên nhân. Một thời gian sau, hiện tượng này tự hết. Các bác sĩ cho rằng các loại thuốc, thực phẩm chứa những chất tương tự hoóc môn giới có thể là nguyên nhân.

 
Hành kinh ở bé gái thường là biểu hiện của dậy thì sớm thực sự, do hệ sinh dục đã phát triển thuần thục, nhất là khi hiện tượng trên xuất hiện đều đặn mỗi tháng. Tuy nhiên, các trường hợp u buồng trứng cũng gây chảy máu từ tử cung, đôi khi cũng theo chu kỳ. Ngoài ra, các polyp trong cơ quan sinh dục cũng có thể là nguyên nhân khiến bé gái bị chảy máu. Vì vậy, theo bác sĩ Dũng, để xác định nguyên nhân gây dậy thì sớm cho cháu bé 3 tuổi người Đồng Nai kể trên, cha mẹ cần đưa cháu đến một trung tâm nội tiết chuyên khoa nhi để khám.

Khi nhập viện, trước hết các bác sĩ sẽ thăm khám xem ngoài hành kinh, cháu có các biểu hiện dậy thì khác (như vú phát triển…) không; đồng thời đo chiều cao, chụp X-quang xương và xét nghiệm máu. Nếu em bé có chiều cao phát triển hơn hẳn so với tuổi, xương có cốt hóa sớm, hoóc môn vùng dưới đồi tăng, chứng tỏ cháu bị dậy thì sớm thật. Khi đó, các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân trên não bằng các xét nghiệm hình ảnh như CT, MRI, soi đáy mắt... Trường hợp ngược lại, cháu bé sẽ được siêu âm vùng bụng xem có u ở buồng trứng, tuyến thượng thận hay không. Nếu không thấy gì, bệnh nhi được xếp vào loại vô căn và phải theo dõi định kỳ 3 tháng một lần để đề phòng các bệnh tiềm ẩn.

Riêng với trường hợp em bé người Đồng Nai, do cháu chưa nhập viện nên chưa thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Nhưng nếu đúng là cháu hành kinh đều đặn mỗi tháng, tuyến vú phát triển như thiếu nữ thì nhiều khả năng là dậy thì sớm thật, nguyên nhân từ vùng não.

Bác sĩ Vũ Chí Dũng khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện dậy thì sớm, dù chỉ đơn thuần là phát triển tuyến vú, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm kể trên. Nếu bệnh được xác định, trẻ cần được điều trị theo nguyên nhân (chẳng hạn nếu có u thì điều trị u). Các trường hợp dậy thì sớm thật vô căn trước đây thường không được điều trị, nhưng gần một năm nay thuốc chữa bệnh này đã có ở Việt Nam. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm Diphereline cho các trẻ này mỗi tháng một lần. Thuốc này có cấu trúc gần với hoóc môn GnHR của vùng dưới đồi, khi vào cơ thể sẽ chiếm lấy các thụ thể của hoóc môn này khiến nó không thể phát huy được tác dụng thúc đẩy quá trình dậy thì. Việc tiêm thuốc sẽ được duy trì cho đến khi trẻ bước vào tuổi dậy thì thông thường. Chi phí tiền thuốc khá đắt, khoảng 2 triệu đồng mỗi lần tiêm.

Nếu không được điều trị, tùy theo nguyên nhân gây bệnh, trẻ dậy thì sớm có thể bị nguy hiểm tính mạng do các bệnh từ não, hoặc khi trưởng thành có chiều cao kém hơn bạn bè cùng lứa, hoặc vô sinh. Những trẻ dậy thì sớm thường bị tổn thương tâm lý nặng nề, khi ra ngoài dễ bị lạm dụng tình dục mà không biết tự vệ do tâm lý không trưởng thành tương xứng với thể chất, thậm chí có thể mang thai.

Bé trai cũng dậy thì sớm

Trong 71 trường hợp dậy thì sớm được phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có 23 bé trai; phần lớn là dậy thì sớm thật. Ngoài 1/3 số trường hợp vô căn, các nguyên nhân thường gặp nhất là u vùng não, sọ hầu, não úng thủy, teo não, động kinh, tổn thương vùng dưới đồi, Các ca dậy thì sớm giả thường do tăng sản hoặc u nam hóa tuyến thượng thận. Theo bác sĩ Dũng, khi bé trai có biểu hiện dậy thì sớm, trước hết phải khám loại trừ u não vì đây là nguyên nhân nguy hiểm nhất đe dọa sinh mạng.

Không như ở bé gái, các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ trai có thể phân biệt thật-giả dễ dàng bằng cách khám cơ quan sinh dục ngoài. Nếu là dậy thì thật, tinh hoàn của trẻ có kích thước lớn, thậm chí nhiều trẻ có thể xuất tinh. Nếu là dậy thì giả thì không bao giờ có hiện tượng xuất tinh, tinh hoàn có kích thước bé tương đương với tuổi thật của trẻ mặc dù dương vật có thể phát triển với kích cỡ của người trưởng thành.

Ngoài việc điều trị theo nguyên nhân, dậy thì sớm thật ở trẻ nam cũng được điều trị tốt bằng thuốc Diphereline.

Vnexpress