Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát hiện sớm chứng vẹo cột sống ở trẻ


Nếu bạn có nghi ngờ gì về cột sống của con mình, hãy kiểm tra lưng của trẻ; chú ý đến sự mất thăng bằng của hai vai và thân mình. Vẹo cột sống phải được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng ở tuổi trưởng thành. Vẹo cột sống phát triển ở tuổi nhỏ và kéo theo sự không cân xứng của lồng ngực, tạo nên phần nhô ra (hay bướu gù) của xương bả vai. Sự biến dạng có thể ổn định hoặc dần dần nặng thêm. Cột sống có thể vẹo về bên phải, bên trái hoặc thành hình chữ “S”. Tổn thương có thể thấy ở vùng thắt lưng, vùng lưng hoặc cả hai. Vẹo cột sống lưng sang phải và cột sống thắt lưng sang trái là thường gặp nhất. Do không biết rõ nguyên nhân của sự biến dạng cột sống nên nhiều người cho là nó “tự phát”. Nhưng thực tế, tư thế sai của trẻ, đặc biệt là ở trường học, chính là nguyên nhân. Cũng có những trường hợp vẹo cột sống do di truyền. Vì vậy, với trẻ nhỏ, cần chú ý đến tư thế của cột sống. Trong những trường hợp biến dạng nghiêm trọng (lớn hơn 80 độ), một số biến chứng có thể xảy ra như suy hô hấp, bệnh tim, bệnh thấp khớp. Việc chẩn đoán được dựa trên khám lâm sàng chi tiết và chụp X-quang thường quy. Ở lứa tuổi vị thành niên, sự tăng trưởng nhanh chóng cũng gây áp lực cho cột sống. Ở giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, con trai cao thêm khoảng 1 cm mỗi tháng; nếu xuất hiện một biến dạng cột sống nhẹ thì bệnh có nguy cơ tăng lên trong một thời gian ngắn. Chụp X-quang cổ tay rất có ích trong việc xác định tuổi xương, dự đoán quá trình sinh trưởng của trẻ và báo trước những nguy cơ có thể xảy ra. Điều quan trọng là phải phát hiện biến dạng cột sống sớm nhất để điều trị kịp thời. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu trẻ vừa cúi đầu nhẹ nhàng, từ từ vừa giữ thẳng chân và quan sát lưng của cháu, nhìn từ phía sau rồi phía trước. Nếu xuất hiện chỗ nhô ra (hay bướu gù), phải đến bác sĩ chuyên khoa xương khớp để khám và điều trị. Quá trình điều trị phụ thuộc vào mức độ biến dạng của cột sống và sự tiến triển của vẹo cột sống. Người ta uốn lại vẹo cột sống mới phát sinh bằng liệu pháp vận động hoặc thể dục đặc trị, nhằm nắn lại cột sống và phát triển cơ lưng. Vì thế, tập bơi cũng được chỉ định. Ngoài ra, trẻ phải tập được những tư thế đúng và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Kết quả sửa vẹo cột sống được theo dõi bằng cách chụp X-quang. Trong những trường hợp vẹo cột sống nặng, trẻ phải đeo áo chỉnh hình (trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm) để làm dừng tiến triển của bệnh. Việc đó nhằm tránh cho trẻ phải can thiệp bằng phẫu thuật, tránh cơn đau lưng và những vấn đề hô hấp ở tuổi trưởng thành... Khi mang áo chỉnh hình không đem lại hiệu quả, có thể phải xem xét phẫu thuật. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)