Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đi chợ cho một tuần


Chỉ cần đi chợ một lần trong tuần, những phụ nữ bận rộn vẫn chăm lo được bữa ăn đủ chất cho gia đình và có thời gian thư giãn. Tuy nhiên, để việc này “rút gọn” thật hiệu quả, bạn cần biết cách mua và bảo quản thực phẩm.

Bạn có thể tham khảo một số bí quyết sau để luôn chu tất bữa ăn dinh dưỡng cho cả nhà.

1. Sắp xếp ngày đi chợ hợp lý: Tùy thời gian biểu của bản thân và gia đình, bạn có thể lên lịch một ngày đi chợ cố định trong tuần. Để thuận tiện, bạn lên sẵn thực đơn các bữa ăn và chỉ mua những món trong danh sách.

Lượng thực phẩm dự trữ cho một tuần tương đối nhiều. Vì thế, bạn nên mua chỗ quen để nắm rõ giá cả. Nếu thường đi một siêu thị, bạn sẽ biết khu vực nào bán thứ gì, điều này giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian. Lưu ý chọn thực phẩm tươi, ngon và xem hạn sử dụng nếu có.

2. Trang bị tủ lạnh và lò vi ba: Đây là hai “người bạn” hỗ trợ đắc lực cho việc dự trữ thực phẩm. Ngoài ra, nên mua thêm nhiều chai, lọ, hộp, bao nylon để yên tâm để thực phẩm trong tủ lạnh.

3. Bảo quản đúng cách: Mỗi loại thực phẩm có thời hạn sử dụng và cách bảo quản khác nhau. Tùy theo đặc trưng của từng thứ, nên mua sắm và sắp xếp sử dụng chúng thật hợp lý.

Ngũ cốc: Nên bảo quản các loại ngũ cốc, gạo, mì, nui, bún, phở… ở nơi khô ráo và giữ tối đa 2 tuần.

Với các loại thường sử dụng như gạo, bạn có thể đặt than đá trên nắp thùng chứa để hút ẩm. Ngoài ra, sau mỗi đợt thay gạo, nên phơi ráo vật đựng.

Chất béo: Với dầu ăn sau khi mở nắp, bạn chỉ nên sử dụng trong vòng 2 tuần. Nếu nhà ít người, bạn nên mua chai dung tích nhỏ hoặc trữ sẵn nhiều lọ bé để sang chiết. Bảo quản dầu ăn bằng cách đậy chặt nắp và đặt nơi ít ánh sáng, tránh tiếp xúc không khí. Với mỡ đã rán cho vào hũ đậy kín và trữ trong tủ lạnh tối đa 1 tuần. Tránh sử dụng lại dầu mỡ đã dùng.

Chất đạm: Các loại thịt, cá sau khi mua về phải cho vào ngăn đông lạnh ngay. Bạn chỉ nên giã đông một lần duy nhất bằng lò vi ba. Nếu chưa có lò này, trước khi sử dụng, bạn để thực phẩm vào hộp kín và đặt xuống ngăn mát tủ lạnh.

Tránh giã đông bằng cách đổ nước lạnh hoặc nước sôi lên thực phẩm. Điều này sẽ làm biến đổi protein, gây hại cho cơ thể, thực phẩm cũng không còn ngon. Cá, hải sản bảo quản tối đa từ 3-5 ngày, các loại thịt có thể dự trữ từ 1-2 tuần. Trứng dự trữ trong tủ lạnh tối đa 1 tuần.

Sữa sau khi pha hoặc sữa tươi chỉ nên giữ tối đa 2 giờ. Riêng với sữa hộp giấy, sau khi mở bao bì, nếu đậy kín và để vào tủ lạnh, bạn có thể dùng trong một ngày.

Ngoài ra, với các loại đồ hộp, đồ khô… nên xem kỹ hạn sử dụng, không nên dùng thực phẩm đóng hộp quá 2 lần/tuần.

Rau và trái cây: Nếu có thể, bạn nên mua rau và trái cây khoảng 2 lần/tuần để bảo đảm độ tươi giòn. Các loại rau nên được bảo quản ở nhiệt độ 4-12 độ C.

Rau lá như cải xanh, rau dền… chỉ nên giữ từ 1-2 ngày bằng cách bỏ rễ, để ráo, cho vào túi nylon kín miệng và xếp vào ngăn đựng rau trong tủ lạnh.

Rau quả như bí, bầu… có thể bảo quản trong 3-4 ngày. Bạn nên rửa sạch, để ráo và cho chúng vào ngăn mát. Không nên giữ trong bao nylon vì chúng rất dễ bị úng.

Rau củ như cà-rốt, khoai tây… có thể dự trữ 6-7 ngày. Để chúng không bị úng, bạn không nên rửa mà chỉ lau sạch, cho vào túi nylon, đặt trong ngăn mát. Trái cây sau khi mua về, nên dùng trong vòng 4 ngày để không mất vitamin.

Thức ăn nấu chín: Chỉ nên dùng trong vòng 2 ngày.

4. Xử lý đúng cách khi mất điện: Nếu chẳng may bị mất điện trong vài giờ, bạn nên chế biến các thực phẩm tươi sống như thịt, cá… Tránh đông lạnh lại thực phẩm đã rã đông, cũng không nên tiếp tục trữ chúng bằng cách ướp đá.

Theo Tiếp Thị & Gia Đình.