Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những lưu ý khi ăn hải sản


Hải sản giàu đạm, sắt, vi khoáng... rất tốt cho sức khoẻ. Nhưng chúng cũng có thể tiềm ẩn mầm bệnh.

Hải sản là một trong những thức ăn ngon. Mọi người ưa chuộng hải sản vì những giá trị dinh dưỡng quý giá của chúng. Đó là:

- Chứa ít năng lượng và chất béo bão hoà (nhất là những loài nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến...).

- Giàu protein và sắt cùng nhiều vị khoáng khác như can -xi, phốt-pho, selenium, potassium, kẽm, đồng...

 Trong hải sản rất giàu chất dinh dưỡng

- Nhiều vitamin nhóm B (Thia, Riboflavine. Niacin, nhất là vitamin B12).

- Giàu a -xít béo bão hòa nhiều nối đôi omega -3. Omega-3 là thành tố quan trọng giúp cơ thể phòng chống một số bệnh như tim mạch, viêm nhiễm, đái tháo đường, rối loạn tiêu hoá, ung thư...

Tuy nhiên, hải sản cũng có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí sinh mạng con người. Do đó, cần thận trọng khi dùng hải sản nếu bạn không muốn nhiễm bệnh từ chúng.

Sẽ ngộ độc nếu ăn hải sản chứa độc tố

Tetrodotoxin, vi khuẩn cộng sinh, là độc tố nguy hiểm thường thấy ở gan, buồng trứng và ruột của nhiều loại cá. Chỉ 10-45 phút sau khi ăn cá có chứa độc tố này, mặt mũi sẽ ngứa ran, người mềm nhũn, liệt hô hấp, tụt huyết áp, ngừng tim và tử vong (cá nóc là một ví dụ).

Có hơn 400 loại cá có chứa độc tố Ciguatera phát sinh từ tảo Dinoflagellates. Chúng có trong ruột, gan, mô cơ của cá. Chỉ vài tiếng sau khi ăn, nạn nhân nôn, tiêu chảy, ngứa khắp người, có thể gây vỡ mạch máu, tử vong...

Nếu các loài nghêu, sò và điệp ăn tảo Dinoflagellates, cơ thể chúng sẽ giữ lại độc tố. Người ăn phải sẽ bị ngứa, rát, tê cóng môi, uể oải, nói sảng, có khi liệt hô hấp, tử vong... ảnh hưởng đến trí não, thần kinh

Các chất thải công nghiệp đổ ra ao, hồ, sông, biển... gây ô nhiễm môi trường. Ăn phải thủy sản, hải sản trong nguồn nước ô nhiễm, trẻ em bị ảnh hưởng đến phát triển trí não, người lớn bị giảm trí nhớ. Chúng còn tác động lên hệ miễn dịch, sản sinh ra những chất gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, thần kinh...

Ở những quốc gia kém phát triển, người nhiễm ký sinh vật khá phổ biến. Nguyên nhân là do cách xử lý phân, rác chưa tốt và những tập quán ăn uống mất vệ sinh. Vài thủy hải sản (cá, ốc...) là ký chủ của một số loại ký sinh vật. Nếu ăn phải loại hải sản bị nhiễm ấu trùng, người ăn sẽ mắc các bệnh do ký sinh vật. Quá trình lây nhiễm sẽ lan rộng.

Một số nơi ở Việt Nam nuôi cá bằng phân người (thải trực tiếp xuống ao, hồ) rồi lại ăn gỏi cá từ chính những con cá được nuôi bằng phương thức ấy. Nếu một người nhiễm ký sinh vật (như sán lá gan, lá ruột hay lá phổi) phóng uế xuống ao hồ để nuôi cá, chắc chắn bệnh sẽ lây lan cho các thành viên khác trong gia đình, hàng xóm.

Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, một vùng quê rộng lớn tại đồng bằng Bắc bộ đã bị nhiễm sán lá gan Clonrochis sinensis. Gần đây, báo chí lại cảnh báo: Để tránh viêm gan, áp -xe gan hay xơ gan, không được ăn cá sống.

Làm gì nếu không muốn nhiễm bệnh?

Khi mua thủy hải sản, cần chọn những loại:

- Không có mùi đáng ngờ.

- Thủy hải sản phải sống. Nếu là loài giáp xác, vỏ phải đóng chặt, hoặc đóng chặt khi ta chạm nhẹ vào chúng. Đồng thời, phải dùng thủy hải sản tươi không quá 2 ngày sau khi mua về.

- Nếu không dùng ngay, phải giữ đông lạnh.

- Không ăn sống, nhất là thủy hải sản được nuôi trồng thiếu khoa học, mất vệ sinh...

Đừng lầm tưởng rằng người Nhật sống lâu nhờ ăn cá sống. Họ chọn cho mình những chế độ ăn cân đối, rất khoa học, hợp vệ sinh: ăn nhiều đậu nành, rau xanh và cá.

Họ ăn phần lớn là cá ở sâu dưới đại dương nước lạnh. Thủy hải sản đánh bắt cũng như nhập khẩu đều được kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Và người Nhật ăn chín là chủ yếu. Nếu có ăn sống những cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ hay cá voi, người ta cũng yên tâm hơn vì chúng ít bị nhiễm độc.

Tuy nhiên, cần biết thêm rằng tỉ lệ dân Nhật nhiễm sán, viêm gan, áp -xe gan, xơ gan, ung thư gan cũng đứng ở thứ hạng cao trên thế giới.

- Giữ vệ sinh chung trong quá trình chế biến hải sản sống. Rửa tay sạch trước và trong quá trình chế biến.

- Không để lẫn thực phẩm sống hoặc chưa rửa sạch cùng các thực phẩm khác.

Theo Nguyễn Hữu Toản
TGVH