Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ


Bé cưng nhà bạn thích ăn ở các quán cóc vì được chạy nhảy thoải mái. Thế nhưng, các món ăn ở những nơi này có an toàn?

Nhiều bậc phụ huynh thường chiều theo ý con khi bé muốn ăn ở các quán vỉa hè. Bạn đâu biết, ly nước với màu sắc bắt mắt có thể chứa màu công nghiệp độc hại, xiên thịt thơm ngon đôi khi không đảm bảo vệ sinh. Nếu dùng, trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao.

 Nhận diện chân dung “thủ phạm”

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó, hai “thủ phạm” chính là vi khuẩn và hoá chất trong thức ăn.

Ngộ độc thực phẩm do hoá chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ. Chẳng hạn, dùng thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm… bé sẽ mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gien.

Tình trạng ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường ủ bệnh của vi khuẩn. Các loại vi khuẩn thường phát triển ở môi trường giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa…

Khi bị vi khuẩn tấn công, cơ thể sẽ sản sinh khí nitric oxide để tự vệ. Tuy nhiên, một số vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng bắt đầu sinh sản và tấn công hệ miễn dịch cũng như làm vô hiệu hoá khí nitric oxide.

Các vi khuẩn gây ra những triệu chứng nguy hiểm này thường là: vi khuẩn E.coli, Salmonella, nhiễm độc do tụ cầu hoặc vi khuẩn Escherichiacoli.

Khi bị ngộ độc do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, nhiễm chất hoá học, bé thường bị chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy không dứt.

Dùng những  thức ăn chứa nhiều chất đạm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, trẻ sẽ có triệu chứng như: sốt, đau quặn vùng bụng, buồn nôn, đi ngoài ra máu.

Nếu do vi khuẩn E.coli, con bạn sẽ có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, mất nước. Khi ăn phải thịt, cá bị nhiễm tụ cầu, các độc tố trong tụ cầu sẽ khiến bị trẻ đau đầu, nôn, đau bụng, đi ngoài liên tục và có thể dẫn đến tình trạng hôn mê. 

Tất cả những loại vi khuẩn trên đều là thủ phạm gây ra tình trạng ngộ độc cho trẻ. Nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng cách, trẻ sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.

Làm thế nào khắc phục sự cố?

Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, bạn cần chú ý vài điều sau:

  • Không mua thực phẩm chưa qua kiểm dịch như thịt, cá, trứng…
  • Tránh chọn rau củ giập nát, thịt, hải sản có mùi khác lạ.
  • Những loại thức ăn như tiết canh, gỏi cá, hàu sống là môi trường để các vi khuẩn “ẩn trú” và xâm nhập vào cơ thể.
  • Dụng cụ nấu nướng phải sạch sẽ.
  • Tránh cất giữ thực phẩm sống và chín gần nhau.
  • Hạn chế đi ăn ở bên ngoài, vì bạn không bao giờ biết được trong món ăn đó có những thành phần hoá học nào.
  • Hơn nữa, đầu bếp có thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo  quy định không.

Nếu phát hiện trẻ bị tiêu chảy, nôn và sốt sau khi ăn, bạn không nên chần chừ, hãy đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

 Theo Tiếp Thị Gia Đình