Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tự nấu cháo dinh dưỡng.


Cháo dễ tiêu hóa và hấp thu. Phép dưỡng sinh của người xưa cho biết cháo là thức ăn nuôi dưỡng rất tốt cho người bệnh, sản phụ. Cháo ngoài các thành phần dinh dưỡng ra, còn chứa chất xơ, giúp ích cho đại tiện, có chức năng tẩy sạch đường ruột.
Y học cổ truyền cho rằng cháo giúp bồi bổ cơ thể, tăng năng lượng, giúp ngủ ngon và làm mát gan. Tùy theo mùa và mục đích bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng, từ món cháo trắng đơn giản (ăn với củ cải muối hay hột vịt muối), cháo đậu (đậu xanh, đen, đỏ…), người ta thêm vào rau củ, các loại thịt, kể cả một số dược liệu, làm cho tác dụng “thực dưỡng” của món cháo càng thấy rõ.

Khi nấu cháo, không nên xát gạo quá trắng, vo gạo quá kỹ hay ngâm gạo trong nước quá lâu làm mất các chất dinh dưỡng. Cho gạo vào nồi khi nước đang sôi. Duy trì độ sôi nhất định mà gạo và nước không tràn ra ngoài, cháo dần dần sẽ đặc. Đậy kín nắp nồi, tránh nhóm vitamin tan trong nước (nhóm B) và các thành phần dinh dưỡng khác bị mất theo hơi nước. Khi nấu cháo, nhỏ vài giọt dầu ăn vào nồi sẽ giúp cháo không tràn ra ngoài. Sau đây là một số món cháo dinh dưỡng điển hình:

* Cháo cật heo: Cật heo 1 cặp, gạo tẻ 100g, muối ăn, bột nêm, đầu hành mỗi thứ vừa đủ. Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, nấu cháo. Cật heo cắt đôi theo chiều dọc, lạng bỏ màng gân, rửa sạch, cùng đầu hành bỏ vào cháo, nấu tiếp, chờ khi cháo đặc, bỏ bột nêm, muối, khuấy đều. Ăn lúc ấm mỗi sáng - chiều 1 lần. Công hiệu bổ thận chắc eo. Thích hợp dùng trong các trường hợp đau lưng thận suy, lưng gối mỏi đau, di tinh, ù tai, ra mồ hôi trộm…

* Cháo đậu xanh: Đậu xanh 100g, gạo 100g, nấu cháo, ninh nhừ, hơi loãng, nêm ít muối ăn khi cháo ấm. Món ăn đơn giản này ngoài việc giải nhiệt còn có tác dụng giúp cơ thể thải các độc tố. Mùa hè, những người mắc chứng khát nước liên tục nên dùng món ăn này thường xuyên.

* Cháo gà ác: Thịt gà ác 100g, gạo tẻ 200g, gừng, hành nhuyễn, bột tiêu, dầu mè, muối, bột nêm mỗi thứ vừa đủ. Thịt gà ác rửa sạch, cắt lát nhỏ, dùng dầu, muối xào sơ. Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, cùng thịt gà ác đã xào vào nồi cùng nấu cháo, đến khi đặc, thêm gừng hành nhuyễn, bột tiêu, bột nêm, trộn đều, nấu sơ. Có thể dùng sáng và chiều. Công hiệu bổ ích can thận, bổ trung ích khí (bổ can và thận, điều hòa chức năng hệ tiêu hóa), dùng phòng chống suy nhược cơ thể.

* Cháo trứng gà – đậu đen: Trứng gà 2 quả, đậu đen 30g, gạo tẻ 100g, muối, bột nêm mỗi thứ vừa đủ. Đậu đen, gạo vo sạch. Trứng gà dùng nước rửa sạch, cho vào nồi luộc chín, lột vỏ, nấu chung gạo và đậu đen, đến khi đậu nhừ cháo đặc, nêm muối, bột nêm trộn đều. Dùng ấm vào buổi chiều. Sau khi ăn cháo người hơi vã mồ hôi, nhưng không thổi quạt. Công hiệu điều chỉnh chức năng tiêu hóa, bổ thận lợi tiểu.

Cháo là món ăn tuy không có tác dụng phụ, nhưng có vài điều cần lưu ý:

- Cháo thường dùng vào bữa ăn sáng hay tối, mỗi lần 1 chén (100g), ăn lúc đói, hơn nữa phải ăn nóng hay ấm, ăn ngay sau khi chế biến, không ăn nguội, cháo nguội để qua đêm dễ gây ra chứng đau bụng và đường ruột bất ổn.

- Các nguyên liệu nấu cháo nhất định phải chú ý về chất lượng, dứt khoát không dùng các thứ đã bị mốc, cần phân biệt rõ nguyên liệu thật hay giả. Các loại rau củ nhất định rửa sạch, tránh ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu.

- Không dùng tiêu muối để nấu cháo, bởi vì tiêu muối sẽ tạo ra môi trường kiềm, các chất dinh dưỡng (vitamin B) rất dễ bị phá hủy.

Lương y BÀNG CẨM