Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho trẻ uống nước ngọt: hãy coi chừng!


Rối loạn chuyển hóa và béo phì là những gì mà trẻ sẽ phải đối mặt khi uống nhiều soda và nước quả. Hơn thế, chế độ dinh dưỡng trước tuổi 13 sẽ là nền tảng cho thói quen ăn uống khi trưởng thành.

Đây là tuyên bố của các nhà nghiên cứu ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) sau 8 năm nghiên cứu với 154 bé gái (5 tuổi) tham gia.

Sau 8 năm (các bé được 13 tuổi), 14% các bé gái bị chứng rối loạn chuyển hóa (mức độ trao đổi chất tăng bất thường) - một dấu hiệu báo trước nguy cơ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ hay tiểu đường tuýp 2 - ở mức gần hoặc trong ngưỡng báo động. Tất cả đều có những biểu hiện rất rõ rệt: vòng bụng lớn, huyết áp cao và có lượng cholesterol LHD tốt ở mức thấp.

Tại sao những bé gái này lại bị như vậy?

Cha mẹ của tất cả các bé tham gia nghiên cứu đều có xu hướng béo phì mà béo phì liên quan chặt chẽ với các vấn đề về sức khỏe. Kết quả là tất cả con cái của họ đều thuộc nhóm nguy cơ cao luôn có xu hướng nặng cân hơn và tăng cân nhanh hơn so với những trẻ khác.

Tuy nhiên, trong chế độ dinh dưỡng giữa nhóm rối loạn chuyển hóa và nhóm bình thường, chỉ có một sự khác nhau duy nhất là lượng nước ngọt chúng uống mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy: nhóm có nguy cơ cao nhất luôn uống nhiều nước ngọt hơn những trẻ ở nhóm khác khi chúng trong độ tuổi 5 – 9. Khi lớn hơn, chúng lại uống soda nhiều hơn còn khi nhỏ hơn thì chúng lại hay uống nước hoa quả chế biến sẵn, nước khoáng và các loại nước pha hương liệu, thêm đường so với các bạn khác.

Ở tuổi lên 9, những bé gái thuộc nhóm nguy cơ cao thường uống nhiều hơn khoảng 50% lượng nước ngọt so với các bé gái thuộc nhóm nguy cơ thấp nhất.

“Điều này không có nghĩa rằng soda hay nước ngọt là thực phẩm xấu. Vấn đề chính là trẻ uống nhiều hơn mức cho phép”, chuyên gia dinh dưỡng TS Leslie Bonci, giám đốc Dinh dưỡng thể thao, ĐH Y Pittsburgh, cho biết.

Nguyên nhân ở đây chính là do kích cỡ của các sản phẩm nước ngọt đóng chai. Không có cỡ dành cho trẻ nhỏ nên khi khui chai, tâm lý chung là phải uống hết. Thêm vào đó, không như các thực phẩm giàu calo, những đồ uống giàu calo bậc nhất này lại không hề làm người uống có cảm giác đầy bụng dù uống với lượng bao nhiêu.

Ngoài ra, những trẻ khoái khẩu nước ngọt thì đương nhiên sẽ không thích sữa. Vì đồ uống ngọt đã chiếm một phần lớn trong chế độ dinh dưỡng của trẻ.

Các nhà nghiên cứu khẳng định nghiên cứu này thực sự đã gióng lên một hồi chuông báo động đối với các bậc cha mẹ: “Những vấn đề liên quan đến chuyển hóa thường diễn ra âm thầm. Vì vậy cha mẹ cần ý thức trong việc xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống khoa học ngay từ đầu. Những gì trẻ ăn trong suốt thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thói quen của trẻ sau này. Khi ở tuổi 13, những thói quen ăn uống sẽ theo trẻ suốt đời”.

Theo CBSnews.