Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thực phẩm và đôi mắt.


Thực phẩm có ảnh hưởng khá nhiều đến đôi mắt. Nếu biết cách ăn uống bổ sung nhiều vitamin tốt cho mắt, chắc chắn bạn sẽ được sở hữu một đôi mắt khỏe, đẹp...

Ông bà ta thường nói "Giàu hai con mắt, có hai bàn tay". Đôi mắt được đánh giá là tài sản có giá trị nhất của mỗi con người. Ai cũng mong mình có một đôi mắt "trong sáng", không chỉ là theo nghĩa bóng mà còn là theo đúng nghĩa đen. "Trong" là sự trong suốt của giác mạc, lòng đen lòng trắng phân minh, không sẹo, không đỏ ngầu, mi mắt không sưng húp hay thâm quầng. "Sáng" là nói về thị lực, nhìn rõ ràng trong ánh nắng gay gắt ban ngày cũng như ánh sáng chập chọang ban đêm, không nhìn mờ, nhìn đôi, không cận thị, viễn thị, loạn thị...

Đa số mắt trẻ con thì vừa trong lại vừa sáng, chẳng phải chỉ vì chúng còn ngây thơ, mà là vì chúng... còn trẻ. Theo thời gian, đôi mắt nào cũng mờ đi, quy luật là thế mà! Dù vậy, nếu được chăm sóc tốt, như mọi thứ khác trên đời này, đôi mắt cũng sẽ chậm lão hóa hơn, phục vụ con người lâu hơn. Thật ra đôi mắt của chúng ta hàng ngày phải chịu đựng không biết bao nhiêu yếu tố nguy cơ từ môi trường chung quanh như: các yếu tố vật lý (ánh nắng, ánh sáng gắt, các tia tử ngoại...), yếu tố hóa học (các hóa chất, hơi cay...), yếu tố cơ học (các dị vật, các chấn thương trực tiếp hay gián tiếp...), yếu tố về bệnh lý (bệnh lý tại mắt hay bệnh lý toàn thân), cả yếu tố tâm lý và tinh thần nữa (buồn rầu, lo âu, căng thẳng, mất ngủ...). Cho nên để giữ gìn đôi mắt, ta phải bảo vệ mắt tránh khỏi tất cả những yếu tố trên, và cũng nên chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe nền tảng bằng một chế độ ăn tốt cho mắt.

Có thể bạn chưa biết
 
Nói đến sức khỏe của mắt không thể thiếu vitamin A, được xem là nguyên nhân nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến đôi mắt nếu không được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu.
 Gần đây, người ta thường nói về các chất chống oxy hóa và vai trò của chúng trong việc ngăn chặn sự lão hóa của cơ thể, bao gồm cả đối với mắt. Các chất chống oxy hóa thường được nhắc đến là beta-caroten, vitamin E, vitamin C, Selen và một số chất khác như: các vitamin nhóm B, các chất khoáng kẽm, đồng, mangan, các chất màu và acid hữu cơ có trong thảo mộc, rau quả, tanin của trà, flavonoid, một số phenolis thực vật.

Những chất cần thiết cho mắt

- Beta-caroten: Có nhiều nhất trong các loại rau quả màu vàng đậm và các loại rau lá màu xanh đậm như: cà rốt, bí đỏ, khoai lang bí, rau ngót, rau dền... đặc biệt là trong quả gấc, hàm lượng beta-caroten rất cao, gấp 10 lần so với các loại thực phẩm giàu beta-caroten khác. Thành phần và hoạt tính của beta-caroten trong rau quả thay đổi tùy theo mùa, nhiệt độ môi trường và thời gian bảo quản. Lượng beta-caroten trung bình cần cho một người trong ngày là 6-8mg.

- Nguồn vitamin C trong thiên nhiên rất dồi dào, chủ yếu thông qua các loại trái cây tươi như: cam, quýt, xoài, dâu tây, đu đủ, cà chua... Vitamin C nhạy với nhiệt, ánh sáng, không khí (oxy) và là một vitamin tan trong nước nên rất dễ bị mất qua quá trình chế biến, nấu nướng và lưu trữ. Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 70-100mg vitamin C.

- Vitamin E thường được gọi là vitamin của sắc đẹp. Đây là một loại vitamin tan trong chất béo có nhiều trong rau, dầu, mầm ngũ cốc, mỡ cá, trứng, sữa, thịt, gan...

- Trong tự nhiên, nguồn thực phẩm cung cấp Selenium có giá trị nhất là từ các loại hải sản, phủ tạng động vật, thịt, các loại ngũ cốc...  Hàng ngày cơ thể cần khoảng 55-70mcg Selenium.

- Carotenoid, các chất màu thảo mộc:

Lutein: Có trong bắp, trứng, được gọi là carotenoid võng mạc do vai trò quan trọng của nó đối với võng mạc, đặc biệt là ở điểm vàng.
Anthocycanes: Có nhiều trong trà, nho đen, rượu nho.
Zeaxanthin: Có trong trứng.
Lycopen: Có nhiều trong cà chua, cà rốt.
Curcumin: Có nhiều trong nghệ.
- Các chất khoáng:

Kẽm (Zn): Nhu cầu hàng ngày khoảng 12-15mg. Nguồn cung cấp chủ yếu qua hải sản, thịt đỏ, gan, cá, trứng, sữa, đậu đỗ, đặc biệt trong hàu hàm lượng kẽm rất cao.
Magnesium (Mg): Mg được phổ biến rộng rãi, có nhiều trong ngũ cốc, trà, rau xanh, sữa, hải sản... Nhu cầu Mg hàng ngày khoảng 280–350mg.
-  Flavonoids

Rutine, Quercetin: Có tác dụng bảo vệ tế bào thành mạch máu, có nhiều trong hoa hòe, hành.
Kaempféol: Có nhiều trong táo, củ hành, trà, nho, cam, quýt, chocolate, rượu vang...
Allicine: Có nhiều trong tỏi.
- Vitamin A hiện diện trong các thức ăn có nguồn gốc động vật, đặc biệt nhiều hơn trong gan, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, sữa mẹ nhất là trong sữa non. Thức ăn thực vật không chứa vitamin A nhưng các loại rau quả màu vàng cam, màu xanh đậm có chứa beta-caroten khi vào trong cơ thể có thể đuợc chuyển đổi thành vitamin A.

Nhìn chung, một chế độ ăn tốt cho mắt là một chế độ ăn đa dạng, giàu rau trái tươi, đặc biệt là các loại rau trái màu vàng đậm, cam đậm xanh đậm, ăn nhiều cá và ăn đủ dầu mỡ. Đối với trẻ em, sữa vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho mắt.

BS. Đào Thị Yến Phi