Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi cho trẻ 0 đến 6 tuổi


 

Đồ chơi là người bạn thân thiết gần gũi nhất và không thể thiếu đối với trẻ lứa tuổi mầm non. Đồ chơi phù hợp sẽ tạo cơ hội cho trẻ được phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo, phát triển vận động, ngôn ngữ và đem lại niềm vui, niềm hứng thú cho trẻ. Chính vì vậy khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ, cha mẹ và giáo viên phải căn cứ vào độ tuổi, giới tính, đặc điểm lứa tuổi và tính cách, sở thích của trẻ, nhất là phải đặc biệt chú ý đến sự an toàn của đồ chơi.

 

Nguyên tắc khi lựa chọn đồ chơi:

- Phù hợp với lứa tuổi
- Đảm bảo vệ sinh, an toàn, dễ rửa sạch, không sắc nhọn, không dễ gãy, dễ vỡ
- Đồ chơi có âm thanh nên vừa phải, không quá lớn dễ làm ảnh hưởng thính giác của trẻ

 

 

Lựa chọn đồ chơi theo lứa tuổi:
1/ Trẻ từ 0 - 4 tháng tuổi:
Bạn nên chọn cho trẻ những đồ chơi có màu sắc cơ bản, cỡ to, có âm thanh êm dịu nhằm phát triển thị giác, thính giác và phát triển cơ tay. Với các đồ chơi treo trên cao nên cách tầm mắt bé khoảng 25 -30cm. và nên thường xuyên thay đổi vị trí, tránh để trẻ nhìn quá lâu vào một hướng, một vị trí.
2/Trẻ từ 5 - 11 tháng tuổi:
Nên chọn những đồ chơi dễ cầm nắm và có thể cho vào miệng gặm vì lứa tuổi này trẻ đã có thể với tay cầm nắm đồ vật và bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên nên trẻ thường đưa đồ chơi vào miệng gặm, nhay... Các đồ chơi phát ra âm thanh đa dạng cũng sẽ giúp trẻ phát triển thính giác và tạo sự chú ý với trẻ (Đồ chơi có thể là vòng mọc răng, đàn phím, xúc xắc, trống lắc...)
3/ Trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi:
Trẻ bắt đầu biết đi nên bạn có thể mua một số đồ chơi giúp trẻ tập đi như xe đẩy, xe tập đi, xe kéo nhỏ... Trẻ cũng rất hứng thú khi khám phá và chú ý quan sát các đồ chơi chuyển động, phát ra âm thanh như chơi thả bóng gỗ, đập bóng, "đánh đàn", lăn bóng...
4/ Trẻ từ 18 tháng - 3 tuổi:
Trí tuệ và thể lực của trẻ đã phát triển hơn. Tư duy trẻ mang tính trực quan hình tượng vì thế bạn nên mua cho trẻ những đồ chơi mô phỏng xã hội hoạt động của người lớn như bộ đồ chơi nấu bếp, đồ chơi bác sĩ, chăm sóc em bé... Các đồ chơi xếp hình đơn giản, lắp ghép mảnh to cũng giúp phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo và khả năng tập trung ghi nhớ của trẻ cũng như phát triển sự khéo léo của đôi bàn tay. Trẻ lứa tuổi này đã bắt đầu học cách chơi cùng bạn khác nên bạn cũng cần chú ý khuyến khích trẻ chơi với bạn
5/ Trẻ từ 4 - 6 tuổi:
Trẻ ở độ tuổi này đã thể hiện rất rõ mối quan tâm của mình tới thế giới xung quanh thông qua hoạt động vui chơi. Các kỹ năng, thao tác của trẻ cũng hoàn thiện lên rất nhiều do đó bên cạnh các đồ chơi mô phỏng xã hội của người lớn bạn cũng cần chú ý chọn các loại đồ chơi phát huy các kỹ năng tư duy và vận động tinh của trẻ như Bộ xếp hình nhiều chi tiết, tranh ghép hình, đất nặn, kéo, bút sáp, giấy màu... Một số đồ chơi toán học và ngôn ngữ cũng được khuyến khích cho trẻ chơi trong lứa tuổi này như bộ ghép số, bộ ghép chữ, bộ gấu học đếm, bộ xếp hình theo quy luật sắp xếp...

 

Lựa chọn đồ chơi theo tính cách của trẻ:

Đối với trẻ trầm ngâm, nhút nhát: Bạn nên chọn các loại đồ chơi ở trạng thái động và các loại đồ chơi cần phải chơi cùng bạn như các loại đồ chơi đóng kịch, mô hình xe cộ, lắp ghép... để trẻ mạnh dạn, tự tin và nhanh nhẹn hơn.
Đối với trẻ quá hiếu động, hấp tấp: Bạn nên chọn những đồ chơi cần nhiều thời gian tĩnh, sự tập trung chú ý, ví như chơi đất nặn, bộ lắp ráp chi tiết thành mô hình... để trẻ tự tay làm sẽ luyện được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, không nóng vội.

 

Thoa Nguyen