Sức khỏe và Phát triển
   Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ mùa tựu trường
 

Trong bối cảnh bắt đầu năm học mới, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ tăng cao.

Giáo viên cần chú ý kiểm tra ở lòng bàn tay, chân, cũng như yêu cầu trẻ há miệng để xem có vết loét không. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh bắt đầu năm học mới, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ tăng cao. Theo các chuyên gia, cần có những biện pháp phòng tránh để giảm thiểu tình trạng lây lan ở trẻ.

Nguy cơ lây lan cao

Trong những dịch bệnh đang lưu hành, nhiều chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại khi bệnh tay chân miệng đang bùng phát tại nhiều địa phương, đặc biệt trong bối cảnh ngày tựu trường cận kề. Bởi, đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu vệ sinh không bảo đảm.

Thời điểm này, bệnh tay chân miệng là căn bệnh dễ lan rộng và bùng phát nếu người dân không chủ động phòng bệnh cho trẻ. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 49.006 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó, có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tay chân miệng tăng.

Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận có sự gia tăng tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng dương tính với chủng Enterovirus 71 (EV71). Virus gây bệnh nhiều diễn biến nặng so với các năm trước.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám. Trong đó, có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó, có 20 - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.

Tại TPHCM, tính từ ngày 14 - 20/8 (tuần 33), số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm. Cụ thể, có 1.869 ca bệnh được ghi nhận. Trong khi trước đó, ở tuần 31, TPHCM ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, tuần 30 là 2.665 trường hợp.

Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi nhóm người. Tuy nhiên, có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh trở nặng với các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là dẫn đến tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng. Vì vậy cần có những biện pháp phòng tránh để giảm thiểu tình trạng lây lan ở trẻ. Trong đó, cần chú trọng vệ sinh cá nhân.

Cụ thể, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/ cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.


Không mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong phòng bệnh. Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Ngoài ra, cần thu gom và xử lý chất thải của trẻ. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Trẻ em cũng phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh. Từ đó, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Xử trí trẻ mắc tay chân miệng tại trường

"Hiện nay, khu vực miền Bắc chưa phải là đỉnh dịch tay chân miệng, nhưng với việc phát hiện 20% bệnh nhi mang chủng EV71, các bác sĩ cảnh báo phụ huynh không được chủ quan. Bệnh tay chân miệng có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3 - 5 cũng như tháng 9 - 10. Trong môi trường sinh hoạt ở trường học, chỉ một bé bị tay chân miệng, những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào".

BSCKI Huỳnh Lâm Thuỳ Trinh - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, bệnh tay chân miệng đa số diễn ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, không ít trường hợp trẻ mắc bệnh được phát hiện bởi phụ huynh hoặc giáo viên. Trong bối cảnh năm học mới, bác sĩ Trinh cho biết, các cô giáo, bảo mẫu của trẻ cần chú ý tới những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng.

Cụ thể, trẻ mắc tay chân miệng thường xuất hiện các nốt đỏ. Đặc biệt, trẻ có thể nổi ban ở lòng ban tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông, cũng như xuất hiện vết loét ở miệng. Đôi khi, trẻ mắc tay chân miệng có biểu hiện kín đáo hơn, như: Biếng ăn, chảy nước miếng, sốt.

Khi đó, cô giáo cần chú ý, kiểm tra ở lòng bàn tay, chân, cũng như yêu cầu trẻ há miệng để xem có vết loét không. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, giáo viên cần liên hệ phụ huynh để đưa trẻ đến bác sĩ khám. Từ đó, xác định bệnh và có cách điều trị thích hợp.

Bác sĩ Trinh cảnh báo, tỷ lệ bệnh nặng, tử vong do tay chân miệng đang xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi là nhóm thường xuyên đến trường. Do đó, cần truyền thông cho các nhà trường, cũng như giáo viên về cách phòng bệnh. Giáo viên cần nhắc trẻ rửa tay trước, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Các giáo viên cũng cần được tập huấn để phát hiện sớm những dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng.

"Nếu phát hiện trong lớp có một ca mắc tay chân miệng, giáo viên cần đưa trẻ nhiễm bệnh tới phòng y tế để cách ly. Sau đó, hãy liên hệ phụ huynh đưa con tới bệnh viện. Mặt khác, cô giáo hãy thông báo tới tất cả phụ huynh về việc trong lớp ghi nhận một ca tay chân miệng. Sau đó, khuyến cáo các phụ huynh này theo dõi sức khoẻ trẻ", bác sĩ Trinh khuyến cáo.

Theo Afamily.vn

Theo Giáo dục thời đại

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ trong mùa tựu trường (5/9)
 Hàng loạt trẻ đi khám vì đau mắt đỏ, cha mẹ lưu ý những gì? (27/8)
 Trẻ có thể bị tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng lúc không? (27/8)
 Vì sao trẻ dậy thì sớm? (24/8)
 Khi con sốt co giật, cha mẹ không nên làm những hành động nguy hiểm này (24/8)
 Trẻ em cũng dễ bị viêm mũi xoang, triệu chứng bệnh ở trẻ (24/8)
 Trẻ nhiễm giun sán gây mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu (7/8)
 Viêm tai giữa ở trẻ em: Chưa khỏi hay bị tái nhiễm? (7/8)
 Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ gia tăng: Khi nào cần thăm khám bác sĩ? (3/8)
 Dấu hiệu bất thường khi ngủ ở trẻ có thể gây nguy hiểm (3/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i