Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phạt trẻ sao cho hiệu quả?


"Một buổi chiều chủ nhật, cả gia đình đi dạo phố, trẻ nhìn thấy đồ chơi đẹp liền đòi bố mẹ mua, nhưng bố mẹ không mua cho. Đứa bé cắt đầu khóc lóc không chịu đi tiếp.


Bố không chịu nổi tát cho con một cái. Mẹ xót con liền cãi nhau với bố. Trong tiếng cãi vã của bố mẹ, đứa trẻ sợ hãi nín khóc...


Không ngờ sau đó, đứa trẻ trở nên nhút nhát, sợ sệt, nói chuyện không dám nhìn vào mắt bố, khi gặp thứ mình thích cũng không dám chủ động bày tỏ ý nguyện của mình


Từ xa xưa, cách giáo dục truyền thống của gia đình chính là "yêu cho roi cho vọt". Thế nên khi trẻ mắc lỗi, không ít phụ huynh đã áp dụng biện pháp trừng phạt thân thể và trừng phạt tinh thần khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, những hình phạt như thế thường để lại những vết thương về tinh thần và có thể ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của bé. Vậy làm thế nào để phạt trẻ một cách hiệu quả và khoa học?


Theo chuyên gia tham vấn tâm lý của trung tâm iSmartKids, thay vì đánh mắng, cha mẹ nên dùng tình cảm ôn hòa tác động đến trẻ, giúp trẻ ý thức một cách đúng đắn lỗi sai của bản thân và trở lên tiến bộ.


Trước khi phạt, cần giải thích nguyên nhân phạt trẻ
Muốn phạt trẻ có hiệu quả tốt, cha mẹ phải tìm hiểu nguyên nhân hành vi sai phạm của con cái bằng thái độ bình tĩnh, lắng nghe tích cực để hiểu rõ vì sao trẻ hành động như vậy. Thái độ mềm mỏng, kiên trì, biết tự kiềm chế cảm xúc của cha mẹ khi dạy con bao giờ cũng có hiệu quả tích cực và lâu dài hơn việc trừng phạt trẻ.


Phạt trên cơ sở tôn trọng trẻ
Cha mẹ không được tùy tiện trách mắng, xỉ vả trẻ, như vậy sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ, đặc biệt không nên trách phạt trẻ ở chỗ đông người.


Bố mẹ cần đối xử với trẻ một cách lịch sự ngay cả khi phạt con. Đó là cách duy nhất để trẻ bình tĩnh suy nghĩ và nhìn nhận lỗi lầm của mình.


Không nên áp dụng hình phạt quá nhiều
Cố gắng không nên phạt trẻ quá nhiều, nên dùng lời nói nhẹ nhàng để dẫn dắt và thuyết phục trẻ, nếu trẻ đã quen với việc trách phạt của mẹ, tỏ ra lì lợm thì việc trừng phạt sẽ mất tác dụng


Cần giữ tính nhất quán khi phạt trẻ
Khi bố trách phạt trẻ, mẹ không được phủ định cách làm của bố. nếu trẻ có sự đồng tình của mẹ, việc trách phạt đó sẽ không có tác dụng. Trẻ phạm lỗi nào đó, không nên mẹ phạt rồi, bố lại phạt nữa. Nếu trẻ tái phạm, phạt nặng hơn trước, không nên bỏ qua cho trẻ khi tâm trạng bố mẹ đang vui.


Sau khi phạt cần an ủi trẻ
Cần để trẻ biết rằng bố mẹ rất yêu trẻ, chỉ là không thích cách làm sai trái của trẻ, hy vọng trẻ thay đổi, như vậy trẻ vừa nhận ra lỗi của mình, vừa không ghét hoặc tức tối với bố mẹ.


Khi cha mẹ tức giận, không nên phạt trẻ
Nếu cha mẹ đang rất bực bội, cáu giận, hãy bình tĩnh đếm từ 1 đến 10, như vậy có thể điều chỉnh tâm trạng của mình, tìm cách khác để dạy con, không quát mắng trẻ.


Trẻ giống như mầm cây nhỏ, cần được sự yêu thương và chăm sóc, cần sự thông cảm và chia sẻ, cha mẹ nên dạy dỗ trẻ chứ không phải đánh mắng trẻ, làm tổn thương đến tâm hồn trẻ. Nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng dạy dỗ trẻ, uốn nắn trẻ từng chút một, áp dụng trừng phạt đúng đắn mới đạt hiệu quả tốt.


Theo Báo GD&TĐ