Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những chiêu dạy con muôn thủa của cha mẹ Việt gây tranh cãi


Cha mẹ nào cũng có điểm chung là tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái của mình. Thế nhưng, mỗi người một quan điểm dạy con khác nhau, mỗi đứa trẻ cũng có những tính cách khác nhau khiến những lý thuyết về nuôi dạy con không phải lúc nào cũng đúng và mang lại hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.


Có những "chiêu thức" trở thành kim chỉ nam của người này, nhưng người khác lại không đồng tình, thậm chí phản đối.


"Vâng, dạ, ạ" khi nói chuyện với trẻ

Nhóm mấy chị em chơi thân ở cơ quan tôi cũng từng tranh cãi về việc này. Một cô có con 4 tuổi kể rằng khi nói chuyện với con, cô luôn phải "dạ, vâng" để con bắt chước. Lâu dần thành quen, con cô rất lễ phép khi nói chuyện với người ngoài, tuy nhiên, thỉnh thoảng lại mách mẹ kiểu: mẹ ơi, bác/cô ... hư, con gọi bác/cô ấy không dạ mà ơi...


Một chị khác thì lại cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ trẻ nói được các từ đó, mà bố mẹ cần dạy bé ý thức được cách xưng hô khi nói chuyện với người lớn hơn. Cụ thể, cô dạy con: Mẹ và những người lớn khác có thể "ơi, ừ" khi nói chuyện với con, nhưng con nhỏ thì con phải "vâng, dạ" khi đáp lời. Con gái cô rất vui vẻ chấp nhận điều đó, nhưng thường ngày thỉnh thoảng, cháu vẫn bị lẫn giữa "vâng" với "ừ", "dạ" với "ơi" khiến cô phải nhắc nhở thường xuyên.


Quả thật, nếu bạn muốn con sử dụng những từ đó thì hãy cư xử như thế với bố mẹ mình, với những người nhiều tuổi hơn mình để bé hiểu. Còn phương pháp người lớn cũng phải "dạ vâng" với em bé là đang làm mẫu sai trật tự xã hội và sai cách dùng tiếng Việt?


Dạy con cách kiếm tiền từ nhỏ

Một chuyên gia người Mỹ cho rằng: "Nên dạy con cách tiêu tiền từ tuổi lên 3" vì theo bà, dạy trẻ em có ý thức về đồng tiền từ lúc bé sẽ dễ dàng hơn khi trẻ trở thành thanh thiếu niên.


Đồng ý quan điểm này, không ít ông bố bà mẹ hiện nay đã cho con làm quen sớm với đồng tiền, thậm chí tạo điều kiện cho con được "kiếm tiền" như: làm việc nhà, dạy em học, làm việc tốt, nhổ tóc sâu ... và bố mẹ trả tiền.


Theo họ kiểu "lao động - trả công" này còn giúp các em hiểu biết về nguyên tắc "có làm - có hưởng", về giá trị của sức lao động cũng như được khích lệ tham gia vào các công việc trong gia đình.


Ngược lại, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng làm như vậy là phản khoa học, dễ dẫn đến hệ lụy các bé sống thực dụng, vì tiền chứ không phải vì tình cảm gia đình hay bổn phận, trách nhiệm của một thành viên trong gia đình. Liệu rằng khi đã quen nhận tiền như vậy, lúc bố mẹ già yếu, chúng sẽ vì yêu thương mà chăm sóc bạn hay cũng đòi thù lao như người giúp việc?


Dọa dẫm, đánh mắng con

Với ông cha ta ngày xưa thì "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", nhưng ngày nay, việc dùng đòn roi với con cái đang bị lên ánvà mổ xẻ. Không ít những bài viết đã khẳng định rằng chỉ những ông bố bà mẹ kém cỏi, bất lực mới phải dọa dẫm, đánh mắng con. Thường xuyên đánh mắng con sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.


Nhưng bên cạnh đó, vẫn có không ít những ý kiến trái chiều khác. Tuy công nhận việc lạm dụng đòn roi là không nên nhưng rất nhiều người cho rằng chẳng bố mẹ nào trong đời chưa một lần dọa dẫm hay đánh mắng con. Phụ huynh thời xưa không ít người dùng roi dạy con và con cái họ vẫn nên người và thành đạt. Với những đứa trẻ vô cùng bướng bỉnh, nếu không nghiêm khắc theo kiểu ấy thì chẳng cách nào khiến chúng nghe lời? Họ cho rằng, không việc gì phải "bỏ" những chiêu thức ấy khỏi cẩm nang nuôi dạy con cái, ngược lại, nếu tiết chế đúng - đủ khi áp dụng, chúng vẫn mang lại kết quả tốt.


Theo Giadinh.net