Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp con tự lập, tự tin


5 năm đầu đời là giai đoạn trẻ hòa nhập với xã hội và phát triển các kỹ năng sống, tuy nhiên, tâm lý của trẻ lứa tuổi mầm non hiện chưa được quan tâm đúng mức.


Giúp con tự lập, tự tin là nội dung BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang - Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM - chia sẻ với các bậc cha mẹ và giáo viên mầm non tại hội thảo "Bé đến trường ăn ngoan, học giỏi" do báo Sức khỏe và Đời sống vừa tổ chức.


Trẻ lỳ do tâm lý bất ổn

Vì sao trẻ lỳ, bướng, không nghe lời, hay vùng vằng, khóc lóc, giận dỗi khi không vừa ý? Theo BS Trang, những phản ứng này phản ánh một điều: trẻ cần được yêu thương và hướng dẫn. Đừng đặt điều kiện để yêu thương trẻ. Đây là tình yêu không có điều kiện. Trong cuộc sống, người lớn nhiều khi vô tình ra điều kiện "con phải ăn hết mẹ mới thương", "con phải học giỏi mẹ mới yêu, mới là con của mẹ". Lâu dần, đứa trẻ bị tổn thương tâm lý. Ngoài ra, trẻ phải cảm nhận được sự ổn định về tình cảm để lớn lên. Hôm nay người bảo mẫu này, mai người bảo mẫu khác, trẻ sẽ có cảm giác bất an, khó thích nghi. Trẻ càng nhỏ càng cần sự ổn định. Trong khi, người lớn thường vội vàng và không để ý đến điều đó.


Cuộc sống luôn ẩn chứa những bất trắc, quanh trẻ là những nguy cơ hiểm họa từ củi lửa, điện đóm, té ngã, xe cộ... Người lớn ngoài đảm bảo an toàn thân thể cho trẻ, còn phải để ý đến sự an toàn về tâm lý. Hôm qua con ở nhà, ngày hôm nay con đến trường, cô giáo xa lạ, môi trường xa lạ. Người lớn thường sai lầm khi cho rằng chuẩn bị một cái ba lô để trẻ đến trường là đủ. Nhưng trẻ không được giải thích ngày mai con đến trường, con làm gì, ai sẽ chăm sóc con, phải xa mẹ bao lâu, mấy giờ mẹ đón về... Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến lớp rồi trốn chạy tiếng khóc của con, phó mặc con cho cô giáo. Giáo viên nhiều khi cũng yêu cầu mẹ chạy trốn thật nhanh mà không biết những điều này khiến tâm lý trẻ thêm tệ hại.


Giúp trẻ "hoàn thành nhiệm vụ"

BS Trang khuyên: "Khi đưa con đến trường, cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện vui vẻ với cô giáo, giúp con làm quen môi trường xung quanh, nắm tay để trẻ không cảm thấy sợ hãi. Mô hình chăm sóc trẻ tích cực không phải chỉ để trẻ tăng trưởng chiều cao, lên cân, mà còn giúp trẻ lớn lên về mặt cảm xúc, giao tiếp xã hội". Vì vậy, cha mẹ cần kết hợp với các cô giáo mầm non để giúp trẻ tự lập, tự tin, vui thích khám phá thế giới. Qua đó, cha mẹ phát hiện, hướng dẫn và hỗ trợ can thiệp các vấn đề hành vi của bé (nhút nhát, hung hăng, ăn ngủ và tự lập kém); phát hiện sớm các vấn đề phát triển của trẻ: chậm nói; chậm phát triển; tự kỷ hay tăng động giảm chú ý.


Mỗi lứa tuổi, trẻ cần phải hoàn thành một số việc căn bản "được quy định". BS Trang chia sẻ: "Tôi từng tiếp nhận điều trị một trẻ bốn tuổi mà chưa biết tự ăn. Đến bữa, người mẹ để con nằm ngửa ra và đưa bình sữa cho trẻ bú nuốt. Như vậy, trẻ đã không thể phát triển toàn diện".


Ngoài sự tăng trưởng về thể chất (cân nặng - chiều cao), trẻ cần phải đạt sáu lĩnh vực phát triển (vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc và xã hội). Gần như 2/3 ngày trẻ ở trường, gắn bó với các cô giáo. Giáo viên mầm non cần được trang bị kỹ năng để tiếp cận trẻ tích cực, phù hợp với lứa tuổi và cũng cần được trang bị kỹ năng phối hợp với phụ huynh để giúp trẻ phát triển tối ưu.


Theo PNCN