Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những dị tật xương khớp thường gặp ở trẻ nhỏ


Trong những năm đầu tiên, nhiều trẻ nhỏ có dấu hiệu phát triển không bình thường với biểu hiện như đi kiễng, bàn chân bẹt, ngón chân quặp (ngón chân chim câu), chân vòng kiềng và khớp gối quay vào trong (chân chữ X). Đây chính là những dị tật xương khớp thường gặp.

Đi kiễng

Đi kiễng trên đầu ngón chân rất hay gặp ở các bé đang chập chững những bước đi đầu tiên, nhất là khi bé ngoài 1 tuổi. Nói chung, kiểu đi này sẽ hết khi bé lên 2. Nhưng nếu sau 2 tuổi bé vẫn tiếp tục đi kiễng thì nên đi khám bác sĩ. Đi kiễng chân kéo dài ở trẻ hoặc đi kiễng một chân có thể liên quan với những chứng bệnh khác, như bại não hoặc bệnh của hệ thần kinh.

Bàn chân bẹt

Hầu hết các bé được sinh ra với bàn chân phẳng, và cung bàn chân chỉ phát triển khi bé lớn lên. Nhưng ở một số trẻ bị bàn chân bẹt bẩm sinh, cung bàn chân không bao giờ phát triển đầy đủ. Đầu tiên các bậc cha mẹ chỉ để ý thấy trẻ bị tình trạng mà họ mô tả là “yếu mắt cá chân”. Mắt cá chân có vẻ xoay vào trong do dáng đứng của bàn chân. Các bác sĩ không khuyên dùng bất kỳ một loại giày đặc biệt nào, như giày có mũi cao hoặc giày có phần nâng đỡ cung bàn chân, vì những cách “điều trị” này không tác động đến sự phát triển của cung bàn chân. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ cân nhắc việc điều trị nếu tình trạng này gây đau, bằng cách cho trẻ sử dụng dụng cụ nâng đỡ cung bàn chân đặt trong giày.

Ngón chân quặp (ngón chân chim câu)

Ngón chân quặp, hay bàn chân xoay trong là một biến thể bình thường khác của trục cẳng chân và bàn chân. ở khoảng 8 đến 15 tháng tuổi, khi bắt đầu tập đứng, chân của bé có thể xoay tự nhiên. Các loại giày và nẹp đặc biệt (trước đây thường được dùng để điều trị) chưa bao giờ tỏ ra có tác dụng đẩy nhanh quá trình điều chỉnh tự nhiên. Tật ngón chân quặp hầu như không bao giờ cần điều trị. Tình trạng này thường do sự xoay trong của khớp háng, y học gọi là tật xương đùi xoay trước. Nó cũng không cản trở việc đi bộ, chạy hoặc chơi thể thao và sẽ tự hết ở tuổi vị thành niên, khi khả năng điều khiển cơ và phối hợp động tác của trẻ phát triển tốt hơn.

Chân vòng kiềng

Chân vòng kiềng là tình trạng cẳng chân từ đầu gối trở xuống bị cong quá mức ra ngoài, có thể do di truyền, thường gặp ở trẻ nhỏ và trong nhiều trường hợp, nó tự hết khi trẻ lớn lên. Chân vòng kiềng khi trẻ đã hơn hai tuổi hoặc chân vòng kiềng chỉ ở một bên có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn như còi xương. Cha mẹ cũng nên đưa bé đi khám bác sĩ nếu chân vòng kiềng chỉ xảy ra ở một bên hoặc ngày càng nặng.

HNM