Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những nhà “khoa học nhí”: Bài 2: Nhà khoa học mê động vật


Nguyễn Vương Thanh Duy với dụng cụ "khoa học" của mình
Không chỉ đam mê sáng tạo, cậu học trò Nguyễn Vương Thanh Duy - học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) còn là một học sinh giỏi 7 năm liền, đạt giải "Văn hay chữ tốt" cấp quận năm học 2009-2010... Tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi lần 5 năm 2010, hai sản phẩm Thanh Duy gửi dự thi đều đoạt giải - một giải nhất, một giải nhì.

Sáng tạo từ thực tế
Bắt đầu từ việc thường xuyên chứng kiến cảnh ông ngoại già yếu hay bị té ngã khi ở một mình, trong khi con cháu thì ở xa không thể có mặt giúp đỡ. Với mong muốn giảm bớt khó khăn cho ông ngoại, cũng như để con cháu trong gia đình kịp thời phát hiện mỗi khi ông té ngã nên Duy đã nảy ra ý tưởng chế ra chiếc máy "Trợ giúp người già - phát hiện té ngã kết nối qua điện thoại". Duy cho biết, chiếc máy gồm 3 bộ phận: bộ phận phát tín hiệu, bộ phận thu tín hiệu và một điện thoại bàn để kết nối với đường dây điện thoại. Theo đó, cho người già đeo vào một thiết bị phát tín hiệu, khi họ thấy cần giúp đỡ thì ấn nút lập tức chuông ở bộ phận thu reo lên, chuông này được đặt ở gần nơi con cháu đang làm việc hay đang ở. Hay khi người già bị té, thì tín hiệu chuông thứ 2 reo lên và cùng lúc đó, bộ phận thu tín hiệu kết nối vào điện thoại và gọi đến số máy điện thoại cần liên lạc mà người nhà đã cài đặt sẵn. Ý tưởng phác thảo là vậy, nhưng để hoàn thành được chiếc máy đầy tiện ích này, cậu học trò 13 tuổi đã gặp không ít trở ngại bởi kiến thức vật lý của em còn nhiều hạn chế. Nhưng nhờ sự tư vấn của ba về lĩnh vực này, cuối cùng Duy đã hiện thực hóa được ý tưởng của mình khi cho ra đời chiếc máy sau 4 tháng mày mò sáng chế. Và chiếc máy ấy đã thuyết phục được Ban giám khảo đánh giá rất cao về tính năng hoạt động nên đoạt luôn giải nhất.

Không chỉ có thế, cậu HS kính cận còn khiến các bạn thí sinh khác ngạc nhiên khi "rinh" luôn giải nhì với sản phẩm "Hệ thống van chống ngập lụt cục bộ". Duy bật mí, sản phẩm "Hệ thống van chống ngập lụt cục bộ" ra đời xuất phát từ nguyên nhân con đường trước nhà em thường xuyên bị ngập khi có mưa. Em sợ nhất cảnh phải lội qua những đoạn đường bị ngập nước đen sì, bốc mùi hôi thối. Xuất phát từ đó, trong đầu em luôn thường trực một suy nghĩ: "Sao nhiều tuyến đường ở thành phố luôn bị ngập trong khi đã có cống thoát nước?". Mày mò tìm hiểu thông tin ở bất kỳ cuốn sách nào có đề cập về chuyện... cống thoát nước, rồi lên mạng tra cứu thông tin... cuối cùng em cũng đưa ra được giải đáp cho mình: Do địa hình thành phố cao thấp không đều nhau. Để hạn chế tình trạng ngập nước cần phải có một hệ thống van một chiều được lắp vào hệ thống cống đã có sẵn ở những vùng trũng, thấp nhằm ngăn không cho nước cống trào lên và tạo một lực đẩy đưa nước thoát ra.

Thích "tọc mạch" và mê động vật
Mục sở thị góc học tập của "nhà khoa học nhỏ tuổi" này, tôi thấy được nhiều điều thú vị. Ngoài những cuốn tập, sách được xếp ngay ngắn thì trên bàn còn lỉnh kỉnh những dụng cụ làm "khoa học" do em tự sưu tầm hay mua bằng tiền ăn sáng như mút, kiếng, tua-vít, mũi hàn... Tôi hỏi Duy: Lý do nào em thích sáng chế? Duy chia sẻ: "Do em không học thêm, ở nhà có nhiều thời gian rảnh không biết làm gì nên em hay "tọc mạch" các đồ điện tử trong nhà. Buồn buồn em lấy những đồ cũ mang ra sửa lại, dần dần thích và đam mê tạo ra những đồ chơi cho riêng mình lúc nào không hay".

Có một điều ít ai biết được, ngay từ khi mới học lớp 2, Duy đã rất thích đọc sách về các loài động vật. Trên kệ sách của Duy, số lượng sách về các loài động vật rất nhiều. Mỗi khi trên ti vi phát về loài động vật nào là em có thể nói rành mạch về loại động vật đó, đến nỗi có nhiều loài động vật quý hiếm ba mẹ Duy không biết, em làm người thuyết minh "giảng giải" để ba mẹ nghe. Chưa hết, Duy còn là một nhà sinh vật học tài ba khi lai giống thành công cá lia thia cha và mẹ để cho ra cá con có màu sắc mà em yêu thích.

Theo Báo Giáo Dục