Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thêm một "thần đồng" gần 3 tuổi: Lớn lên nhờ dòng sữa của... bà ngoại



Gần 3 tuổi nhưng Bùi Đức Lâm có những dấu hiệu của một đứa trẻ phát triển không bình thường: Chẳng nói chẳng rằng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Nhưng đột nhiên một ngày, cậu bé đọc chữ vanh vách.

Đó là buổi sáng cách đây khoảng 3 tháng, khi Lâm được bà ngoại (bà Phạm Thị Huệ, 51 tuổi trú tại Thanh Xuân Trung, Hà Nội) bế xuống trạm y tế phường chơi. Khi đang tha thẩn trong sân, bà Huệ chợt giật mình khi nghe tiếng trẻ con đọc: “Phòng khám”. Nhìn đứa cháu, đang không tin vào tai và mắt mình, thì bà lại thấy Lâm đọc tiếp từng từ: “Ra vào cơ quan...”.

Vẫn nghĩ rằng, có thể cháu mình nghe tivi hoặc nói vẹt những từ mà cu cậu nghe được ai đó đã nói, bà bế cháu dừng lại trước cửa hàng bán chè trước khu tập thể. Bà hàng chè cũng không tin vào điều bà Huệ nói, nên bế Lâm đứng trước tấm biển bán chè. Ngay lập tức Lâm đọc rau ráu: Chè, đậu xanh, đen, khoai, bưởi... Sợ và bối rối, bà bán chè vội vã bỏ Lâm xuống đất và khuyên bà Huệ cho Lâm đi... khám.

Đọc chữ và số sau... 1 giây

Tiếp xúc với PV Báo GĐ&XH, bà Huệ lo lắng nói: “Từ khi Lâm biết đọc, đã không ít người bàn tán: “Tưởng thế là hay à, thế là phát triển không bình thường đâu. Cho nó đi khám ngay đi, kẻo...”. Tôi lo quá, xin được số điện thoại một vài nơi định đưa cháu đến khám nhưng vẫn chưa dám gọi”.

Thấy chúng tôi, rút máy điện thoại di động ra gọi, mắt cậu bé sáng lên, đòi chơi điện thoại.

Đưa cho Lâm chiếc điện thoại di động, tôi bấm những phím bất kỳ và nhanh như cắt, Lâm đọc theo: “sáu, chín, một, ba, năm, bốn..., mười”. Sau đó, cậu bé tiếp tục chứng minh năng lực lạ lùng của mình bằng cách đọc trơn tru gần như tất cả các số được tôi bất chợt viết ra trong cuốn sổ ghi chép.

Để khẳng định một lần nữa những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi cùng bà Huệ dắt Lâm xuống đường. Tại đây, Lâm tiếp tục “biểu diễn”. Nhìn thấy dòng chữ: “Để xe, khóa cổ khóa càng” trước trụ sở UBND phường, Lâm bỏ qua chữ: “Để xe” bên trên mà đọc lau láu chữ: “khóa cổ khóa càng” bên dưới. Đến cửa hàng photocopy, Lâm đọc: “Đóng bìa cứng”, “mạ chữ vàng bạc”, “đánh máy vi tính”.

Bà Huệ cho biết: “Chỉ có tiếng Anh là bà chưa thử cho cháu đọc thôi, các anh thử cháu xem sao, tôi có biết tiếng Anh, tiếng em gì đâu”.

Từ tiếng Anh được tôi trắc nghiệm là từ: “LOVE”, “ONLINE”, “THANKS”. Tuy nhiên Lâm chỉ đọc được hai từ đầu, đọc theo kiểu tiếng Việt “lo - ve”; “on - lin”, còn từ “thanks” thì Lâm im lặng.

Đột biến nhờ... sữa bà?

Khi chúng tôi hỏi chuyện những người hàng xóm của bé Lâm, thì được biết: Bà Huệ cho cháu ngoại bú ngay từ khi cháu mới chào đời. Bà cũng bảo với hàng xóm: “Không biết có phải bú sữa tôi không mà nó thông minh. Ngày bé, tôi đã từng là học sinh giỏi của tỉnh đấy”.

Khi chúng tôi hỏi bà Huệ về chuyện cháu bú bà, bà Huệ phấn khởi xác nhận ngay: “Mẹ thằng Lâm người nhỏ như cái dây khoai, nên không có sữa. Khi đẻ nó suýt thì gặp biến cố cả hai mẹ con, phải mổ đẻ gấp. Khi Lâm sinh ra, thấy nó khóc, tôi vạch ti cho nó ngậm, nào ngờ 2 ngày sau, sữa về ào ạt. Thế là tôi cho nó bú đến khi nó 8 tháng tuổi. Kể cũng lạ, tôi đẻ đứa thứ hai cách ngày thằng Lâm ra đời những 14 năm, thế mà sữa vẫn về như thời con gái”.

Bà Huệ cho biết chế độ dinh dưỡng của Lâm khá thiếu thốn. “Nó chưa sinh ra đã khổ. Mẹ nó sinh năm 1984, có bầu nó năm 20 tuổi. Tác giả của cái thai trốn biệt và đến bây giờ vẫn không nhận con. Mẹ thằng Lâm đến giờ vẫn không nghề nghiệp vì nghỉ học từ lớp 11, phải đi làm thuê nay việc này, mai việc khác. Chồng tôi thì nghỉ hưu theo chế độ 41/CP (nghỉ chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước) 5 năm rồi nhưng đến giờ vẫn chưa có lương. Vì kiên quyết bắt con tôi giữ lại cái thai, nên tôi cũng phải nghỉ chế độ 41/CP để trông, nuôi cháu.

Thế là tất cả chi tiêu gia đình 5 người bây giờ chỉ trông vào suất lương hơn triệu đồng của tôi. Thế nên thằng Lâm chỉ được dùng mấy hộp sữa Enfa A+, sữa cô gái Hà Lan thôi chứ có gì đâu. Ấy thế mà khi nó 2 tháng tuổi, tôi đã thấy nó có sự khác thường: Biết gọi “mẹ ơi” tổng cộng 16 lần. Khi đó nó gọi lơ lớ, chưa rõ chữ như bây giờ, tôi thấy lạ nhưng cũng không để ý lắm. Nhưng bây giờ, thấy cháu đọc được, tôi mới thấy đúng là từ hồi đó nó đã có khả năng đọc, gọi”.

Khi chúng tôi ra về, tần ngần mãi, bà Huệ mới dám bày tỏ: “Nếu cháu đúng là có khả năng đặc biệt nào đó, thì gia đình tôi cũng không có tiền để đầu tư phát triển trí tuệ cho cháu vì đang còn phải chạy ăn từng bữa. Qua báo chí, tôi cầu mong có ai đó quan tâm, tư vấn, kiểm tra khả năng của cháu và giúp cháu phát triển”.

Theo giadinh.net