Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Không nên 'mang cả siêu thị' về cho con


Cậu ấm 5 tuổi của chị Lan Vân không thiếu món đồ chơi nào, từ súng, xe tăng, siêu nhân đến xe hơi, máy bay... Tiền mua đồ chơi ngốn gần nửa lương chị mỗi tháng.

Chị Vân không phải là trường hợp đặc biệt. Có nhiều gia đình còn dành hẳn một phòng để đồ chơi cho con, y như mang cả "siêu thị" về nhà vậy.

Không như ngày trước, muốn mua cho con một cô búp bê, bố mẹ phải cân nhắc trước sau, và chỉ mua vào dịp đặc biệt như lễ tết, sinh nhật, con học giỏi... Vì thế, món đồ chơi có khi theo trẻ đến tuổi trưởng thành. Nay đời sống được nâng cao, cha mẹ kiếm ra nhiều tiền hơn nên dễ dàng mua cho con vô số đồ chơi đẹp. Trẻ chơi một món đồ dăm ba hôm rồi chán, đòi mua thứ khác, nếu không được đáp ứng thì khóc lóc, hờn dỗi, thậm chí là bỏ ăn.

Chuyên gia Hồ Thị Tuyết Mai cho biết, những cặp vợ chồng hiện đại sinh ít con nên có tâm lý muốn cho con tất cả những gì có thể. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ thiếu sáng suốt. Đồ chơi giúp các bé giải trí, là một phần đời sống tinh thần của trẻ thơ, nhưng cái gì nhiều quá sẽ thành thừa. Càng nhiều đồ chơi, bé càng không biết nâng niu, giữ gìn, lại càng mau chán.

Khi con khóc đòi mua một món đồ, hãy xét lại món đồ chơi đó có thật sự cần thiết hay không? Phải nghiêm khắc nói không với con nếu cần. Bé có thể khóc nhưng rồi sẽ quên. Nên dùng đồ chơi như một món quà xứng đáng khi bé ngoan, học giỏi, hay làm được một việc gì đó có ích.

Ngoài ra, bố mẹ nên tập làm những món đồ chơi bằng giấy như xếp hình thuyền, chim, búp bê, hay cùng bé vẽ tranh nhiều màu sắc... Những cách này vừa giúp bé biết sáng tạo, vừa tiết kiệm chi tiêu của gia đình.

Theo Báo đất việt