Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mạnh hơn cả lời nói – Chuyện của người mẹ có con bị bệnh tự kỷ


Khi bạn hỏi một người đã làm mẹ rằng "Điều gì khiến bạn thấy hạnh phúc nhất?", chắc sẽ không ai phủ nhận một điều: được chứng kiến đứa con yêu thương lớn lên, khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác chính là niềm hạnh phúc vô bờ.

Thế nhưng, có những người mẹ vẫn hàng ngày, hàng giờ đối diện với căn bệnh của con. Có những căn bệnh có thể gọi rõ tên, nhưng cũng có những căn bệnh mà triệu chứng lại hết sức mơ hồ đôi khi khiến người ta tuyệt vọng: Bệnh tự kỷ - căn bệnh đang trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người mẹ.

"Mạnh hơn cả lời nói" là cuốn sách kể về cuộc hành trình của người mẹ đương đầu với việc chẩn đoán và chữa trị bệnh tự kỷ cho con trai mình của tác giả Jenny McCarthy. Tác phẩm như một cánh cửa mở ra hi vọng với những ai có con đang bị bệnh tự kỷ mà chưa tìm ra hướng đi thích hợp.

Cũng như bao người mẹ có con bị tự kỷ khác, phải chứng kiến những gì diễn ra hàng ngày Jenny McCarthy đã bày tỏ "Khi biết con bạn mắc bệnh ung thư, hàng xóm sẽ thăm hỏi, động viên. Còn khi con bạn mắc bệnh tự kỷ, dù chạm mặt bạn nhưng họ sẽ tránh hướng đi khác". Điều chúng ta cảm nhận ở đây đó là những đau khổ là những nỗi giày vò, bất lực của người mẹ khi biết con mình không bình thường như bao đứa trẻ khác, thấy niềm hi vọng của mình dồn cho đứa con bé bỏng tan vỡ. Nỗi đau ấy, tình yêu thương con ấy và sự quyết tâm chiến đấu chống lại căn bệnh kỳ lạ này của một người mẹ có thật, một người mẹ có con tự kỷ: Jenny McCarthy.

Luôn sát cánh bên con chị hiểu hơn ai hết "Bệnh tự kỷ đã lấy mất tâm hồn của đứa trẻ; và cũng tàn nhẫn hút hết nghị lực sống của hết người này đến người khác trong gia đình. Nó khiến mọi thứ bình thường khác trở thành vô nghĩa". Dù biết khó khăn nhưng bản năng người mẹ không cho phép chị đầu hàng cam chịu. Với tình yêu con vô bờ bến Jenny McCarthy đã lắng nghe, tìm hiểu từng lời nói, cử chỉ, từng ánh mắt của con, tìm hiểu căn nguyên để khắc phục. Chị không từ bỏ dù chỉ là một tia hi vọng, chị bước vào tất cả những cánh cửa mà chỉ cần ở đó chị cảm thấy có thể tìm ra hướng chữa bệnh cho con. Cứ như thế, từng bước, từng bước chị tiếp cận sâu hơn vào khái niệm thế nào gọi là "bệnh tự kỷ" để dần dần chị đã trở thành một bác sĩ bất đắc dĩ, một bác sĩ riêng tốt nhất của con với tình yêu vô bờ bến.

Không dễ dàng để tìm ra một phương pháp tối ưu nhất cho căn bệnh này, đôi lúc người mẹ tưởng chừng như rơi vào tuyệt vọng, và có những lúc không còn cách nào khác Jenny McCarthy đã phải làm liều khi chính bản thân mình uống thuốc mà Evan vẫn uống xem như thế nào? Và thật may mắn là sao nếu chị không làm thế sớm thì có thể tính mạng của Evan đã bị nguy kịch. Chính tình yêu, linh cảm thiêng liêng của người mẹ đã giúp Evan vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết vốn đã rất mong manh ấy.

Lần giở từng trang sách, chúng ta sẽ như đang sống cùng những cảm xúc của chính tác giả với những yêu thương, buồn khổ, hờn giận, mâu thuẫn, tuyệt vọng để rồi hi vọng. Tất cả như những thước phim ngắn dần hiện ra trước mắt chúng ta với những cung bậc tình cảm mà nhân vật chính đang phải trải qua, đó là tâm trạng của một người mẹ yêu con hết lòng, cung bậc của tình mẫu tử thiêng liêng. Trong hành trình vật lộn với căn bệnh tự kỷ của Jenny McCarthy và Evan chúng ta sẽ phát hiện ra được nhiều thứ. "Chúng ta hiểu cảm giác của một bà mẹ khi chứng kiến những mơ ước của mình tan vỡ. Chúng ta biết về căn bệnh và nhận ra cách những người đồng cảnh ngộ có thể giúp đỡ nhau. Chúng ta cũng hiểu ra rằng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau rất khả quan. Chúng ta học được về hàn gắn, hi vọng và niềm tin"

Cũng qua tác phẩm Jenny McCarthy đã chứng minh một cách xúc động nhất cái người ta vẫn gọi là mối giao cảm giữa mẹ và con khi chính bản thân cô cũng trải qua những cơn đau đớn, những giằng xé, những ấm ức mà con cô đang hàng ngày phải gánh chịu. Chính tình yêu thương cùng với sự kiên trì, niềm tin sẽ giúp bạn có sức mạnh vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống. Jenny McCarthy đã từng bước, từng bước lôi đứa con của mình vượt qua cánh cửa của riêng nó mà nó luôn đóng kín, để con có thể hòa nhập vào cuộc sống, để một ngày nào đó con có thể hiệu được hai từ có hoặc không, để con có thể nhìn vào mắt mẹ và nói: "Con yêu mẹ"! "Để khi mẹ hỏi: Lớn lên con sẽ làm gì? Con nói rằng lớn lên con sẽ làm một bông hoa, mẹ không thể nghĩ được điều gì tuyệt vời hơn thế, con là bông hoa đẹp nhất mà mẹ từng biết và mẹ là người mẹ may mắn nhất trên thế giới này khi nhìn thấy con là bông hoa rực rỡ nhất mà chúa đã tạo ra". Đó là niềm hạnh phúc to lớn mà cuối cùng Jenny McCarthy cũng có thể với tới được.

Với tất cả những gì chị đã trải qua, những gì thật nhất mà Jenny McCarthy đã chia sẻ qua cuốn sách chắc chắn sẽ giúp được những ai có người thân bị bệnh tự kỷ. Mở ra cho họ một hi vọng bởi: "Bệnh tự kỷ không phải là chứng bệnh kết thúc bằng cái chết. Nó là điểm khởi đầu của hành trình về niềm tin, hi vọng, tình yêu và sự hồi phục".

Hồng Thái mamnon.com