Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Động kinh lành tính ở trẻ nhỏ


Trẻ dưới 5 tuổi có thể bị động kinh toàn bộ tự phát với biểu hiện là những cơn co cứng - co giật, cơn vắng ý thức hoặc cơn giật cơ xảy ra lúc thức. Bệnh đa phần lành tính, tiên lượng tốt. Các cơn động kinh toàn bộ tự phát xuất hiện đột ngột, ngắn, cơn sau giống cơn trước và lặp lại nhiều lần. Ngoài cơn, trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh có nhiều thể: Co giật sơ sinh lành tính, vô căn Xuất hiện trong vòng 7 ngày đầu sau sinh, đỉnh cao là vào ngày tuổi thứ 5 ở trẻ ra đời bình thường: sinh đủ tháng, cân nặng bình thường, không bị ngạt và không bị chấn thương sản khoa. Thể này thường hay gặp ở trẻ trai hơn trẻ gái. Bệnh biểu hiện bằng những cơn giật cơ, khởi đầu là giật cục bộ ở một bên cơ thể, sau đó có xu hướng lan tỏa sang bên đối diện nhưng rất ít khi chuyển thành toàn bộ hóa. Các cơn giật này chỉ ngắn 1-3 phút, có thể kèm theo ngừng thở. Một số ít trường hợp có các cơn động kinh liên tục, thời gian 1-20 giờ, thậm chí là 3 ngày. Sau cơn động kinh, trẻ có thể ngủ gà, giảm trương lực cơ kéo dài đến vài ngày. Tiến triển của thể động kinh này tương đối tốt, rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần vận động, và cũng không trở thành động kinh sau này. Co giật sơ sinh có tính chất gia đình lành tính Thường xuất hiện vào ngày thứ 2 hoặc 3 (có thể vào ngày thứ 21 hoặc 1 tháng sau sinh) ở trẻ ra đời bình thường và tỷ lệ mắc ở bé trai cũng nhiều hơn bé gái. Triệu chứng chính của bệnh là các cơn giật cơ, cơn ngưng thở hoặc cơn co cứng - co giật, diễn ra chỉ trong 1-2 phút, cơn có thể tái phát tới ngày thứ 7 hoặc trong vài tuần tiếp theo. Chứng co giật loại này có tiền sử gia đình. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị, ít ảnh hưởng đến vấn đề phát triển tâm trí - vận động của trẻ. Tuy nhiên 10-15% trẻ vẫn có thể bị động kinh thứ phát hoặc bị sốt cao co giật sau này. Động kinh giật cơ lành tính ở trẻ bú mẹ Gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, thường thấy ở trẻ trai hơn trẻ gái. Các cơn động kinh dưới dạng cơn giật cơ toàn bộ ngắn, cường độ nhẹ ở mặt, thân và các chi nhưng trẻ vẫn tỉnh táo. Một ngày trẻ có thể bị hàng chục cơn nhưng chỉ xảy ra lẻ tẻ chứ không đồng loạt và cơn sẽ mất đi khi trẻ ngủ say. Tiến triển của bệnh tốt, ít ảnh hưởng đến vấn đề phát triển tâm trí và vận động. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị động kinh cơn lớn lúc trưởng thành. Động kinh cơn vắng ý thức ở trẻ nhỏ Có thể bắt đầu từ lúc 3 tuổi, đỉnh cao là 6-7 tuổi, thường gặp ở trẻ gái hơn trẻ trai. Cơn động kinh khởi đầu và kết thúc đột ngột làm trẻ ngừng mọi hoạt động và gián đoạn tiếp xúc với người xung quanh; ví dụ như trẻ đang nói tự nhiên ngưng lời, đang chơi đùa tự nhiên đứng sững lại và đánh rơi đồ chơi, hoặc đang ăn thì ngừng nhai, mặt “ngây” ra, gọi hỏi trẻ không biết. Các cơn này chỉ kéo dài 10-15 giây, mỗi ngày trẻ có thể bị lên cơn từ 10-200 lần nhưng không biết mình đã lên cơn. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)