Cảm xúc mầm non
   Giáo dục thông qua giao tiếp
 

Tất thảy giáo viên đều nghĩ rằng công việc giáo dục của mình thông qua môn học.

 

Cô và trò Trường Mầm non Tứ Hiệp A, Thanh Trì (Hà Nội).

Nhưng khi được phân tích, cùng nhau suy ngẫm, thầy cô đều đồng ý rằng giao tiếp cũng là một con đường thực hiện giáo dục.

Năng lực giao tiếp quyết định thành công

Năm trước, một trường học phải chấm dứt hợp đồng với một giáo viên có tiếng, chỉ vì người đó đã có những lời nói sỗ sàng với học sinh (chuyện tượng tự đã xảy ra nhiều lần trước đó). Đôi khi chúng ta nghĩ rằng giáo viên cũng có quyền bức xúc, việc nói “một vài câu khó nghe” hay “bỗ bã” sẽ không ảnh hưởng đến bản chất “yêu thương học sinh” và “chuyên môn” của mình. Điều này còn phụ thuộc vào ngưỡng chịu đựng của người trong cuộc. Thỉnh thoảng, tôi nhớ lại, cô trò ngày xưa đã kể “con buồn nôn và sợ hãi” khi nghe “thầy cô nói tục”.

Đấy chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì thuộc về giao tiếp của giáo viên. Những nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh tiểu học, trung học cơ sở rất chịu ảnh hưởng của người giáo viên mà các em yêu thích hoặc kính nể. Các em thường làm theo, có lời nói, cử chỉ na ná người thầy của mình. Sự khéo léo, công tâm, trau chuốt trong lời nói, cử chỉ của giáo viên là mẫu mực cho các em học theo.

Một đồng nghiệp cũng cho tôi biết, anh đã theo dõi những giáo viên không thành đạt (bao gồm cả những người hay gặp mâu thuẫn ở trường, gia đình), phần đa mắc lỗi giao tiếp: Quá nóng nảy, kiệm lời, cư xử không cởi mở, kể cả qua văn hóa ăn, văn hóa mặc… Còn tôi, trong quá trình làm việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các nhà trường nhận thấy rằng, giao tiếp của giáo viên rất quan trọng trong định hình năng lực bản thân và phối hợp công tác giữa nhà trường - phụ huynh - xã hội.

Chúng tôi quan tâm đến cả việc nhắn tin trả lời phụ huynh của giáo viên khi biết rằng, khá nhiều giáo viên mắc lỗi. Thời đại này, có quá nhiều kênh giao tiếp. Giáo viên chưa chuẩn bị đầy đủ có thể trở thành nạn nhân trong chính “lời ăn, tiếng nói, cư xử…” của mình.

Ngay hôm trước, một phụ huynh phàn nàn trên group của lớp về việc giáo viên chậm trễ trả lời điện thoại của họ. Thay vì suy ngẫm, để chọn một kênh phù hợp trao đổi lại với phụ huynh, cô giáo lập tức đáp trả và sự việc đã bị đẩy đi rất xa khi hai bên đều gán cho nhau những lỗi lầm thuộc về nhân cách.

Còn có câu chuyện ở đường, ở chợ. Khi người khác đánh giá “lời nói” của giáo viên. Họ luôn nhắc chúng ta rằng “giáo viên mà thế à”. Những “cơn ngứa cổ, ngứa tai” có thể xảy ra trong những trường hợp đó. Như thế có phải ĐỜI rất khắt khe với nghề giáo hay không?

Tôi nghĩ là không đâu. Bởi quy chuẩn của xã hội, của mối quan hệ đòi hỏi bất kì ai cũng cần được tôn trọng và tôn trọng người khác. Hơn nữa, xây dựng hình ảnh bản thân thông qua giao tiếp là việc chúng ta cần hiểu là cần thiết, cũng như coi đó là cơ hội để định nghĩa bản thân mình.

Nghề giáo có kênh giao tiếp để thực thi nhiệm vụ, ấy là một thuận lợi. Những thầy cô giáo là “cây đa, cây đề” đều truyền lại bí quyết giỏi nghề, trở thành “đức cao, vọng trọng” đó là: Rèn phong thái từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, đến ánh nhìn, nết ở. Chừng ấy thôi đã thấy hoàn toàn phù hợp với những gì giáo dục hiện đại chỉ ra: Năng lực giao tiếp của giáo viên quyết định thành công trong công việc và thành quả giáo dục của họ.

 

Nhìn học sinh để sửa bản thân

Đấy chính là một trong những ý mà tôi đã luôn tự nhắc mình khi tham gia cố vấn chuỗi tập phim tài liệu thực tế thuộc chương trình THẦY CÔ CHÚNG TA ĐÃ THAY ĐỔI. Trước đó, việc bồi dưỡng giáo viên theo đặt hàng của các nhà trường đã nhắc nhở tôi tiến hành các nghiên cứu bài học, để thấy việc dạy tác động vào việc học của học sinh như thế nào, để từ đó khuyến nghị người dạy tiến hành những thay đổi về phương pháp.

Có những khi dành thời gian quan sát học sinh chơi ở sân trường, đi ngoài đường và tiếp nhận những thông tin được phản ánh từ cuộc sống của các em, tôi mới thấy, giáo viên chúng ta cần sửa bản thân mình nhiều lắm. Cũng như có ai đó nhắc nhở “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Ban đầu, có vẻ những lời này có chút mâu thuẫn, vì người ta có thể “tỉa cây” nhưng làm sao có thể “sửa đất”. Nhưng nếu ta biết “sửa đất” không phải chỉ là “cắt” mà thực ra chính là chuỗi hành động để đất phù hợp hơn, để có thể “trồng cây”.

Chẳng hạn như thay đổi chất dinh dưỡng để cho ra màu hoa khác nhau của cây cẩm tú cầu; rồi đánh lại những luống, phân chia đường nước khi chuyển từ vườn nhãn, thành vườn ổi đan xen trồng rau…; rồi khi trồng cây quý hiếm thì phải chú tâm làm hàng rào… đấy chính là sửa đất vì cây.

Mỗi năm, tôi luôn dành sổ tay cá nhân để ghi lại những trường hợp nhà giáo đã “thay đổi” trước tiên vì học sinh, nhưng sau đó họ đều nhận ra: Điều đó thật tốt cho bản thân mình. Đợt Covid-19 lần thứ nhất, tôi chứng kiến một vài ông giáo gàn, giờ đây lại say sưa học sử dụng máy tính để dạy học online. Những người đó trở nên tích cực và còn dạy tốt hơn những giáo viên trước đây được coi là “thạo”. Khi kết hợp “nội công thâm hậu” với “bí kíp võ công” thì quả nhiên có “tuyệt đỉnh công phu”.

Nay, nghe đồng nghiệp, nghe học trò, người thân kể về những ngày “thầy ấy học” rồi chứng kiến thầy tràn trề cảm hứng, mới thấy, nếu biết sửa mình, thì lúc nào chúng ta cũng có một con đường sáng. Tôi cũng muốn kể về những người thầy, người cô còn rất trẻ trong sự nghiệp vì họ còn chưa làm cha, làm mẹ. Thế nhưng, họ đã học để bản thân mình trở nên hiểu biết, kiên trì.

Có lần, họ tâm sự với tôi: “Em không nghĩ việc em xem gì trên YouTube ở điện thoại lại có ảnh hưởng đến học trò như thế”. Một điều đơn giản vậy, cũng khiến tôi xúc động. Vì đôi khi, người lớn chẳng chịu sửa bản thân mình, nhưng khi nhìn các học trò, chúng ta biết rằng, nếu chúng ta không sửa mình, thì dạy ai cho được.

Học trò của chúng ta rất thông minh, chúng có thể tự đọc, tự học và mang đến cho chúng ta những bài học chưa từng được biết đến trong quá trình học tập của bản thân mình. Thế nên việc học của người thầy là lẽ đương nhiên, chứ không thể tự tin rằng “thầy thì giỏi hơn trò”. Việc sửa mình bao hàm cả việc hoàn thiện kiến thức, quan điểm nhận thức, lối sống...

Tôi nhớ một đồng nghiệp đã biết chơi thể thao, khi nhìn tấm gương cậu học trò của anh ấy đã vượt qua bệnh tật kiên trì thế nào. Rồi có những cô giáo rất ghê gớm, hay mắng học trò, đã trở lại sự dịu dàng. Vì khi cô nhận ra, lời mắng mặn lắm, không thể ngọt bằng sự thấu hiểu. Mà ai giúp cô ấy hiểu ra điều đó, chính là cô bé học trò lớp 10 của mình. Có những giáo viên đã viên mãn khi kể rằng, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn khi nhìn thấy học trò đã tổn thương thế nào, và các em cần có gia đình hạnh phúc.

Thế đấy, một hành trình giáo dục chính là tự giáo dục. Dạy học là một công việc chuyên nghiệp, nhưng lại có sứ mệnh thiêng liêng, khiến cho người hành nghề không chỉ giỏi chuyên môn là đã đủ. Hạnh phúc của nghề giáo có thể đến bằng thành công của học trò, nhưng cũng có thể là những gì chúng ta cảm nhận được, thay đổi được bản thân mình. Nhìn học trò để sửa mình cũng là một con đường thu nạp hạnh phúc, lặng lẽ riêng mình, vì hạnh phúc cũng là cảm nhận của riêng mình.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-thong-qua-giao-tiep-post645370.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cô giáo người Mường luôn hết lòng vì học trò (7/6)
 Những giáo viên tình nguyện lên bản Tèn dạy chữ ở xóm '3 không' (1/6)
 Những cống hiến của thầy cô vùng khó xứng đáng được tôn vinh (22/5)
 Quảng Ninh: Cô giáo người Dao hết lòng với học trò (19/5)
 Quỹ Hy Vọng tài trợ xây phòng học mầm non ở Phú Yên (18/5)
 Thêm 3 điểm 'Trường đẹp cho em' được đưa vào hoạt động (13/5)
 Trăn trở tuổi nghỉ hưu của giáo viên vùng khó (9/5)
 Bội phần vất vả dạy chữ trên đại ngàn (8/5)
 Cô Thuỳ Dương đam mê 'trồng người' (4/5)
 Nâng cấp trường mẫu giáo từ Ngày lao động cộng đồng 2023 (24/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i