Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Không cứng nhắc trong dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non


Hiện nay, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp mang tính toàn cầu cho nên nhu cầu của phụ huynh cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, giáo viên cần phải lựa chọn phương pháp, nội dung và hình thức giảng dạy sao cho phù hợp để trẻ cảm thấy hứng thú khi tiếp cận ngôn ngữ thứ hai.


Giờ học tiếng Anh của các em lớp mẫu giáo Trường mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ


Những phản hồi tích cực
Trong vai một phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non đi chọn trường, chúng tôi được "mục sở thị" những tiết học làm quen với tiếng Anh của trẻ mầm non ở một số trường trên địa bàn TP Hà Nội. Điều khiến chúng tôi cảm nhận được trong tiết học có thời lượng khoảng 30 phút là trẻ rất hào hứng và được tự nhiên thể hiện mình. Mỗi từ vựng trẻ được dạy đều gắn liền với một hoạt động, một trò chơi, hay một bài hát vui nhộn cùng với sự tương tác giữa giáo viên bản ngữ và học sinh. Chương trình tận dụng các bài hát, trò chơi, các hoạt động hội họa như làm thủ công, tô mầu, vẽ tranh... nhằm phát huy tính sáng tạo và sự năng động của trẻ, từ đó giúp trẻ cảm thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả. Những chủ đề gần gũi với cuộc sống thường ngày khiến trẻ thích học, tiếp thu bài tốt hơn và ứng dụng vào đời sống nhanh hơn.


Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Thị Kim Phượng, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương (CĐSPTƯ), cần phân biệt rõ mục đích việc làm quen tiếng Anh của trẻ mầm non với mục đích học tiếng Anh của trẻ độ tuổi lớn hơn. Trong giảng dạy không thể ấn định số lượng từ, các cấu trúc ngữ pháp hay đặt ra mức độ kỹ năng dịch tiếng nước ngoài ra tiếng Việt hoặc ngược lại đối với trẻ mầm non. Trẻ chỉ làm quen một ngôn ngữ mới với những niềm vui, sự say mê và những cảm xúc tích cực thông qua hình thức "học mà chơi, chơi mà học" chứ không phải bằng những giờ học như ở trường phổ thông. Đồng quan điểm, thạc sĩ Võ Thị Khánh Linh, Trường CĐSPTƯ Nha Trang cho rằng: Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở lứa tuổi mầm non không phải là quá sớm vì trẻ nhỏ có khả năng tự động thu nạp ngôn ngữ một cách tự nhiên, hào hứng và bản năng. Tuy nhiên, giáo viên phải tạo ra môi trường học ngoại ngữ bảo đảm cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất và sẵn sàng để bắt đầu chuyến hành trình thú vị này.


Xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và của xã hội, Trường mầm non Thực hành Hoa Hồng (CĐSPTƯ) đã triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh vào năm 2007. Thời gian đầu thử nghiệm chương trình, trường còn gặp khó khăn do trình độ tiếng Anh của giáo viên chưa đồng đều, chưa tự tin trong phát âm, kinh nghiệm lồng ghép tiếng Anh với chương trình dạy tiếng Việt chưa nhiều. Nhưng đến nay, trường đã khắc phục được những nhược điểm nêu trên. Giáo viên Phạm Thị Ngọc Diệp chia sẻ: Nhà trường thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả nhất theo đặc thù lứa tuổi và qua các giáo viên chuyên ngữ, thống nhất lại cách phát âm các từ và các mẫu câu chuẩn bị trước khi cho trẻ làm quen. Bên cạnh đó nhà trường thường dành thời gian trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ ở nhà để nắm bắt thông tin kịp thời. Đến nay, trường đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía phụ huynh vì chương trình đã đáp ứng được nhu cầu.


Sau gần nửa năm được làm quen với tiếng Anh, chị Nguyễn Thu Hồng có con học tại Trường mầm non Thực Nghiệm mới (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Từ khi được làm quen với tiếng Anh, con chị trở nên hoạt bát hơn và không còn rụt rè, e ngại như trước. Sau những buổi học, thấy con về hát "nghêu ngao" một bài hát tiếng Anh hay mỗi lần nhìn vào các đồ vật quen thuộc như sách vở, bàn, ghế, quả... con đều nói được bằng tiếng Anh, gia đình thấy rất tự hào và sẽ tiếp tục đầu tư cho con học tiếng Anh vào những cấp học tiếp theo.


Vai trò của giáo viên mầm non
Thực tế có rất nhiều phụ huynh băn khoăn và e ngại việc cho trẻ học ngoại ngữ ở lứa tuổi mầm non sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển tiếng mẹ đẻ của trẻ. Tuy nhiên, theo TS Đặng Lộc Thọ, Trường CĐSPT.Ư, trẻ mầm non hoàn toàn có khả năng học ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh trong trường mầm non không những không ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển mà còn có tác động tích cực đến các lĩnh vực của trẻ. Vì thế sẽ thật lãng phí nếu không tận dụng những năng lực tự nhiên của trẻ vì giai đoạn này trẻ học ngôn ngữ thứ hai cũng dễ dàng như khi học ngôn ngữ thứ nhất. Và, một khi xác định trang bị cho con kỹ năng ngoại ngữ từ nhỏ, phụ huynh cần có những đầu tư hợp lý để mang lại kết quả tốt nhất cho bé.


Tuy nhiên, giáo viên mầm non đóng vai trò quan trọng đến quá trình học tiếng Anh của trẻ. Giáo viên phải tạo ra một môi trường học ngoại ngữ bảo đảm cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Quan trọng là giáo viên cần nhiệt tình quan tâm, chăm sóc và lưu ý đến các thay đổi của trẻ, làm cho trẻ cảm thấy an toàn, vui vẻ và thoải mái khi học. Nhiều giáo viên trường mầm non đã thành công trong quá trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh bằng sự cố gắng và nỗ lực của bản thân. Để làm được điều đó giáo viên cần có năng lực ngoại ngữ tốt, phát âm chính xác vì trong giai đoạn ban đầu việc xây dựng cơ sở nền tốt cho trẻ phát âm đúng rất quan trọng.

 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc làm quen với tiếng Anh ở cấp học mầm non không mang ý nghĩa bắt buộc mà nó giống như một cuộc dạo chơi trong khu vườn mới lạ của âm thanh. Vì thế, việc làm quen với tiếng Anh sớm sẽ giúp cho trẻ có khả năng hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên thay vì phải học một cách bắt buộc, gò bó. Trẻ học qua chơi, qua bài hát, bài thơ, điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái khi tham gia vào các lớp học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, giáo viên không chỉ cần có năng lực ngoại ngữ đạt yêu cầu mà còn phải được bồi dưỡng để có những hiểu biết nhất định về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, có phương pháp dạy học phù hợp với trẻ mầm non. Đặc biệt, giáo viên phải có khả năng phát âm tiếng Anh, có ngữ điệu phù hợp để trẻ mầm non được nghe, được bắt chước ngay từ đầu cách nói tiếng nước ngoài, tránh cách phát âm cứng nhắc, thiếu ngữ điệu tự nhiên, thiếu chính xác sẽ dẫn đến lớn lên trẻ hình thành thói quen khó sửa, gặp khó khăn khi nghe người nước ngoài nói chuyện.


Để trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đạt hiệu quả cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi, giám sát thường xuyên việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở các trường mầm non cũng như bảo đảm việc thực hiện thí điểm dạy ngoại ngữ có chất lượng, theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình khung để bảo đảm quản lý thống nhất trong tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết như tranh ảnh, đồ chơi, thiết bị nghe nhìn cùng với chương trình bảo đảm về mặt thời lượng, cường độ cũng như tính liên tục và sự chuyển tiếp để trẻ có thể học tiếng Anh hiệu quả ở những bậc học tiếp theo.


Trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc giao tiếp không chỉ bằng tiếng mẹ đẻ mà cần có năng lực ngoại ngữ để giúp tăng khả năng cạnh tranh tích cực. Trên thế giới có gần 60 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, bên cạnh tiếng mẹ đẻ và gần 100 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Vì vậy những người thành thạo tiếng Anh có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh về khả năng chuyên môn cũng như có sự hội nhập tốt với thị trường lao động quốc tế.
NGUYỄN THỊ NGHĨA - Thứ trưởng Bộ GD và ĐT


Theo Báo Giáo Dục