Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chế độ dành cho cô nuôi trường mầm non còn nhiều bất cập


Vất vả là vậy nhưng các cô nuôi hiện nay lại mới chỉ nhận được mức lương "khiêm tốn" trong khoảng từ 1.050.000 - 2,5 triệu đồng/tháng; ngoài ra không có thêm bất cứ một chế độ nào khác.


Công việc vất vả, áp lực nhưng mức thu nhập lại quá bấp bênh, gần như không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu - Đó là thực trạng đáng quan tâm của những người làm nghề cấp dưỡng (hay còn gọi là cô nuôi) tại các trường mầm non vừa được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xác nhận trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn TP Hà Nội.


Theo quy định, chức năng của trường mầm non là nuôi và dạy trẻ. Dạy là công việc của giáo viên, còn nuôi (trong đó quan trọng nhất là ăn uống) là nhiệm vụ của cô nuôi. Thế nhưng, hiện nay Thông tư số 71/2007/TTLT-BGDĐT - BNV ngày 28-11-2007 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập mới chỉ quan tâm đến giáo viên mầm non, nhân viên làm công tác văn phòng. Dẫn đến tình trạng, nhiều năm nay, các cô nuôi làm việc ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội chỉ được làm việc dưới cơ chế thuê khoán hoặc làm việc theo hợp đồng mùa vụ.


Công việc vất vả, áp lực nhưng thu nhập của các cô nuôi mầm non hiện còn quá bấp bênh. Ảnh: TL


Trong khi đó, mỗi cô nuôi thường phục vụ 50 trẻ mẫu giáo hoặc 35 trẻ nhà trẻ. Đây là công việc không đơn giản. Ngoài việc không được phép để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, các cô nuôi còn phải tính toán làm sao từng bữa ăn phải cung cấp đủ chất, đủ năng lượng cho từng cháu, ở từng lứa tuổi khác nhau.


Mỗi bữa ăn, phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất bột, chất béo, chất đạm, rau củ, trái cây. Thậm chí còn phải tính đến màu, mùi của thực phẩm trong từng bữa ăn để kích thích các cháu ăn ngon miệng. Các cháu còn bé, nhiều cháu ăn chậm, bữa ăn vì thế thường xuyên bị kéo dài. Đến lúc các cháu ăn xong, cô nuôi còn phải tiến hành thu dọn rồi mới có thể ngồi ăn trưa.


Nhiều hôm, đến khi các cô được ăn trưa thì đồng hồ cũng đã điểm gần 13g. Xong bữa trưa, lại bắt tay lo bữa ăn phụ cho các cháu (bữa ăn này thường diễn ra vào 14g30 - sau khi các cháu ngủ trưa dậy). Tiếp đó, cô nuôi lại lo rửa bát, vệ sinh bếp ăn, đến khi vãn việc cũng đã 17g. Chưa kể, ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chuyên môn, các cô nuôi còn có thể phải kiêm nhiệm các công việc khác do hiệu trưởng phân công theo quy định tại khoản 5 mục I Thông tư 71.


Vất vả là vậy nhưng các cô nuôi hiện nay lại mới chỉ nhận được mức lương "khiêm tốn" trong khoảng từ 1.050.000 - 2,5 triệu đồng/tháng; ngoài ra không có thêm bất cứ một chế độ nào khác. Tại Hà Nội, hiện nay ngoài một số quận, huyện đã có chế độ đặc thù cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhân viên hợp đồng như: Quận Cầu Giấy hỗ trợ làm thêm giờ theo mức từ 300 - 500 nghìn đồng/tháng; quận Long Biên hỗ trợ 50% mức lương cơ bản/tháng đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng có mức lương dưới hệ số 2.0; huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai đã động viên 50.000 - 200.000 đồng/tháng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu thi đua cấp quận, huyện... song đa phần đời sống của các cô nuôi vẫn còn rất nhiều khó khăn.


Do mức lương không đảm bảo cuộc sống dẫn đến rất khó giữ chân các cô lâu dài cũng như để các cô toàn tâm, toàn ý với việc nuôi dưỡng các cháu. Trong trường hợp không may xảy ra sự cố, việc xem xét trách nhiệm của cô nuôi cũng là một vấn đề.


Theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bất cập này đã tồn tại nhiều năm và được hầu hết địa phương trong danh sách giám sát thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non phản ánh với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay Thông tư 71 chưa được sửa đổi. Trong khi đó, dù ở thời kỳ nào, để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của các cháu, bảo đảm cho sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước, không thể thiếu khối óc và bàn tay của các cô nuôi.


Từ bất cập kể trên tại buổi làm việc với đoàn giám sát, đại diện ngành giáo dục mầm non TP Hà Nội đề xuất, để các cô nuôi trong các trường mầm non yên tâm công tác, mang hết tâm sức phục vụ các cháu, các Bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản thay thế Thông tư số 71, trong đó quan tâm đến bổ sung định biên, chế độ của nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non công lập.


Theo PL&XH