Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy ngoại ngữ ở trường mầm non: Tại sao phải cấm?


Cuối tháng 2, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản chấn chỉnh việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN). Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các CSGDMN; không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng. Nhưng có một thực tế: Vẫn có cầu nên chắc chắn sẽ vẫn còn cung.


Các bé mầm non xem truyện tranh nước ngoài cũng là cách để tiếp cận việc học ngoại ngữ


Tiếng Việt chưa sõi đã "cõng" tiếng Anh
Anh Phan Quang Anh có con đang học tại Trường MN Greenworld (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho biết học phí mỗi tháng là 4.500.000 đồng (chưa kể học tiếng Anh). Nếu cháu học tiếng Anh, mỗi buổi phải đóng thêm 50.000 đồng, mỗi tuần 3-5 buổi (tùy vào từng lứa tuổi). Nhà trường không "ép" nhưng cũng như là "ép", vì nhà trường nói "trường dạy chương trình song ngữ". Tương tự một phụ huynh Trường MN Hoa Sen (Ba Đình, Hà Nội) cho hay học phí ở trường thu như một trường công lập, nhưng nếu học sinh nào học ở lớp "chất lượng cao" học phí sẽ lên gần 2 triệu đồng/tháng. Lí do học phí lớp "chất lượng cao" cao là do lớp này dạy thêm tiếng Anh". Chị Lưu Thúy Quỳnh, có con 4 tuổi đang học tại Trường MN Chất lượng cao Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: Mỗi tháng học phí tiếng Anh là 450.000 đồng, nhưng cháu nhớ được rất ít từ mới. Tôi thấy dạy và học tiếng Anh ở các trường MN hiện nay là chưa phù hợp. Trong khi đó, các trường thu học phí quá cao so với độ tuổi mà chất lượng dạy ngoại ngữ lại quá thấp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã không cho con học tiếng Anh tại trường MN vì đơn giản tiếng Việt nói còn chưa sõi sao đã phải "cõng" tiếng Anh. PGS.TS Đỗ Huy Thịnh - Giám đốc Trung tâm SEAMEO tại Việt Nam - cho rằng đối với trẻ em, dấu ấn của các bài học, người dạy, cách học đầu tiên là vô cùng quan trọng và lưu lại rất lâu. Đối với việc học ngôn ngữ nói chung và học ngoại ngữ nói riêng, việc phát âm, nghe nói thì vai trò của giáo viên là vô cùng quan trọng, cần độ chính xác, chuẩn và rõ ràng. Giáo viên là người có vai trò tác động lớn đến học sinh. Đối với trẻ lần đầu tiếp xúc với ngôn ngữ mới, nếu giáo viên phát âm không chuẩn thì sẽ khiến trẻ về sau rất khó nghe, nói chính xác".


Còn khi được hỏi, hầu hết hiệu trưởng các trường MN đều thừa nhận nhiệm vụ chính của trường là giữ trẻ nhưng vì nhu cầu nên mới chọn trung tâm Anh ngữ để kết hợp tổ chức dạy. Còn chất lượng thế nào thì các trường cũng khó có thể kiểm định được. Ngoài việc tổ chức dạy thêm tiếng Anh trong chương trình ngoại khóa, thực tế tại các trường MN của Hà Nội còn đang tồn tại một tình trạng các trường còn bán sách "tự nguyện". Thực tế có nhiều trường là "cầu" kết nối giữa phụ huynh với các công ty cung ứng văn phòng phẩm, trung tâm Anh ngữ hay các đơn vị xuất bản. Dường như, nhiệm vụ của các trường MN đang bị lạm dụng quá nhiều thứ.


Chỉ cấm tạm thời?
Bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết văn bản của Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các CSGDMN có hai ưu điểm. Thứ nhất là cấm những cơ sở nào không đủ điều kiện vẫn tiến hành dạy. Thứ hai là chống lạm thu. Tuy nhiên, theo bà Nga nhu cầu trẻ làm quen với tiếng Anh ở MN là nhu cầu có thật của một bộ phận phụ huynh học sinh. Vì theo nghiên cứu của thế giới, trẻ em phát triển ngôn ngữ tốt nhất từ 2-6 tuổi. Nếu có điều kiện để cho trẻ làm quen với tiếng Anh sớm thì cũng là điều rất tốt cho thời kỳ hội nhập hiện nay. Thực tế, trẻ cũng rất thích thú với những buổi làm quen tiếng Anh. Còn về mặt hứng thú học tập, cũng tốt hơn nhiều khi trẻ tham gia các lớp này như tinh thần phấn chấn, tự tin hơn, năng động hơn, chính vì vậy mà phụ huynh có nhu cầu cho con em mình học.


Bà Nga cũng cho biết, khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, sở cũng chấp hành đúng quy định, lãnh đạo sở cũng yêu cầu các phòng giáo dục thảo một văn bản thực hiện quy định này, tạm dừng tất cả những việc làm quen với tiếng Anh ở các CSGD. Sở cũng đang chờ các động thái tiếp theo của bộ. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đang làm dự án để trình Bộ GD-ĐT xem xét về làm quen tiếng Anh của trẻ MN. Theo bà Nga, các cơ sở đáp ứng được yêu cầu phải có giảng viên là người nước ngoài, có nghiệp vụ sư phạm, có chứng chỉ MN, được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và Hà Nội. Thứ hai là chương trình chỉ là chương trình hết sức mở. Đó là làm quen với tiếng Anh thông qua bài hát, thông qua trò chơi, thời gian học chỉ 30 phút, ở những nơi cơ sở vật chất phải đảm bảo. Trẻ học tự nguyện ngoài giờ, sau 15 giờ 30. Học phí cũng phải được công khai, tự nguyện và minh bạch. Thu tiền để phục vụ dạy và học tiếng Anh cho trẻ chứ không phục vụ một mục đích nào khác.


Về phía Bộ GD-ĐT, Phó vụ trưởng Vụ GDMN Phan Thị Lan Anh cho rằng việc nghiêm cấm các CSGD dạy thêm tiếng Anh cho trẻ là cần thiết. Ởđộ tuổi này có thể trẻ bắt chước nhanh nhưng điều kiện tại CSGD chưa đảm bảo cho trẻ tiếp cận tiếng Anh như: Giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình. Chính tình trạng liên kết "trăm hoa đua nở" tạo ra nhận định không tốt của phụ huynh về GDMN, nên bộ thấy cần phải chấn chỉnh. Khi có nghiên cứu thấu đáo cộng với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đảm bảo, bộ sẽ xem xét đưa môn này vào trường MN.


Trước nhu cầu muốn con sớm học ngoại ngữ của phụ huynh, bà Lan Anh khẳng định chương trình GDMN thực hiện 2 buổi/ngày, trẻ phải thực hiện chương trình này và chương trình không học tiếng Anh.


Theo Báo Giáo Dục