Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chấn chỉnh các điểm trông giữ trẻ tư nhân


Thời gian gần đây, tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), nhất là các điểm trông giữ trẻ tư nhân không có giấy phép hoạt động đã xảy ra tình trạng đánh đập trẻ em, thậm chí có nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Vụ việc gần đây nhất ở TP Hồ Chí Minh, cháu bé 18 tháng tuổi bị người trông trẻ bạo hành gây đa chấn thương dẫn đến tử vong và cháu bé Nguyễn Doãn Long, 13 tháng tuổi bị chấn thương sọ não ở nhà trẻ tự phát.


Tình trạng người trông trẻ thẳng tay đánh đập các cháu bé một cách thô bạo khi các cháu không chịu ăn, ngủ... diễn ra phổ biến. Những hành động tàn nhẫn này đã xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc và lên án mạnh mẽ.


Thật đáng tiếc những vụ việc xảy ra đều do những người trông trẻ không có bằng cấp, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Hơn nữa những nơi này không bảo đảm điều kiện cho trẻ và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao. Tuy nhiên, những cơ sở này vẫn tồn tại và ngày càng "mọc lên như nấm" do nhu cầu của người dân, phần lớn trong số họ là người lao động nghèo không đủ tiền để gửi con vào những trường đạt tiêu chuẩn. Tại những điểm trông giữ trẻ này, thường chỉ có một người chăm cho nên không phải lúc nào người trông trẻ cũng có đủ tính kiên nhẫn và đủ phương pháp sư phạm để nuôi dạy các cháu một cách bài bản, đúng khoa học.


Hiện nay, mật độ công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng cao. Một thực trạng đáng báo động là tại những nơi này, tập trung đông công nhân trong độ tuổi sinh đẻ mà hầu như những nơi này không có đủ trường mầm non. Thậm chí có nhiều nơi không có trường, không có lớp mầm non. Do vậy, đa số công nhân phải gửi con ở những điểm trông trẻ tự phát qua hình thức tự thỏa thuận cá nhân với nhau. Vì vậy, nhu cầu tìm chỗ gửi trẻ an toàn vẫn đang là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh.


Trước thực trạng nói trên, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã ban hành các văn bản quy phạm nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng cường quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập. Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD và ÐT Nguyễn Bá Minh cho biết: Ngay từ đầu năm học 2013 -2014, Bộ GD và ÐT đã có công văn chỉ đạo các sở GD và ÐT bảo đảm an toàn cho trẻ em trong các cơ sở GDMN. Trong đó, đề nghị Sở GD và ÐT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ðiều đáng tiếc là các vụ bạo hành trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra. Bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi bạo lực không chỉ là trách nhiệm của ngành GD và ÐT mà còn là sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, doanh nghiệp và phụ huynh trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời huy động nguồn lực xã hội, tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở trông giữ trẻ.


Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân sâu xa của những vụ bạo hành trẻ em phần lớn đều có một mẫu số chung là trẻ thường khóc lóc, la hét, không nghe lời, không chịu ăn, chịu chơi, chịu ngủ. Tình trạng ấy được lặp đi, lặp lại làm cho người trông giữ trẻ bực bội, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi dẫn đến các hành động bạo hành với trẻ. Ðiều đó cho thấy người trông giữ trẻ cần phải tham gia các lớp học để hiểu đúng đặc điểm tâm sinh lý của trẻ trong giai đoạn phát triển của trẻ; nhận thức rõ và hậu quả của những hành vi bạo hành. Hãy yêu thương trẻ như con của mình.


Theo Nhân Dân