Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cơ sở mầm non ngoài công lập : Nhiều giáo viên chưa được đào tạo bài bản


Các trường hợp trẻ mầm non tử vong ở lớp tại các trường mầm non ngoài công lập (NCL) thời gian gần đây, khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh hoang mang. Đây chính là hồi chuông báo động về sự buông lỏng quản lý chất lượng tại cơ sở mầm non NCL.


Có căn cứ để lo lắng
Theo Quy chế tổ chức hoạt động trường mầm non tư thục của Bộ GD&ĐT, giáo viên đứng lớp chỉ cần có sức khỏe tốt, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất là 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý. Đối với những nơi khó khăn, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được thành lập có thể chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non tối thiểu 3 tháng do cơ quan quản lý giáo dục địa phương tổ chức... Tuy nhiên, với quy định này, người ta không khỏi nghi ngại về trình độ sư phạm để có thể tổ chức chặt chẽ các nhóm trẻ tư thục.

Giờ ăn của các cháu trường Mầm non tư thục Dream for kids. Ảnh: Duy Anh


Sự lo lắng không phải vô căn cứ, bởi những trường hợp trẻ tử vong tại lớp thường xảy ra ở cơ sở mầm non NCL. Gần đây nhất là trường hợp cháu Trần Nhật Hương, 1 tuổi, tử vong tại lớp Mầm non tư thục Thiên Thần nhỏ (Giang Biên, Long Biên, Hà Nội). Rồi tại trường Mầm non xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, 2 đứa trẻ "mất tích" trong lúc cô giáo đi lấy cơm trưa cho lớp. Tìm thấy 2 bé sau đó, thì 1 trong 2 cháu đã chết đuối ở hố ga của trường. Trước đó, bé 20 tháng tuổi bị hôn mê phải đi cấp cứu vì các cô giáo tại trường Mầm non Baby Home (Hoàng Mai, Hà Nội) để cháu uống 2 viên thuốc an thần... Người ta đặt dấu hỏi, giáo viên dạy ở các trường, lớp, nhóm trẻ tư thục được tuyển dụng ra sao, có đủ yếu tố, trình độ sư phạm không? Bậc học mầm non không chỉ chuyên môn dạy học, mà còn đòi hỏi người giáo viên có đầy đủ các yếu tố nuôi, dưỡng, chăm sóc... Và bên cạnh trình độ giáo viên, không thể không nói đến vấn đề cấp phép mở trường, việc giám sát, kiểm tra chất lượng đào tạo, chăm sóc của nhà quản lý giáo dục.

Cơ sở vật chất không đảm bảo
Những năm gần đây, quy mô, mạng lưới trường, lớp mầm non ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... liên tục được mở rộng. Tại Hà Nội, tính đến tháng 6/2013, có hơn 900 trường mầm non (698 trường công lập; 5 trường dân lập; 202 trường tư thục...). Trường, lớp mầm non NCL ở Hà Nội tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nơi đông dân như các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy... Ngoài ra, còn nhiều lớp, nhóm trẻ tự phát xen kẽ ở các khu dân cư. Theo bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội), mặc dù hệ thống trường NCL đã giảm áp lực rất nhiều cho các trường công lập. Song, bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn còn những cơ sở hoạt động manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư, do đó cơ sở vật chất chưa đảm bảo theo quy định. Một trường mầm non ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, tại nhiều nhóm trẻ gia đình, giáo viên chỉ được đào tạo qua sơ cấp: "Với các cơ sở hiện nay, yêu cầu giáo viên tại các nhóm trẻ ở trình độ sơ cấp là chưa bảo đảm. Giáo viên của các nhóm trẻ cần được đào tạo qua trung cấp mới nắm vững được tâm lý, kỹ năng chăm sóc trẻ".

Để quản lý các cơ sở mầm non NCL, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp cụ thể: Trình UBND TP phê duyệt, ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2015"; Tăng cường quản lý các trường, nhóm, lớp mầm non NCL... Bà Hương cho biết thêm, năm học 2013 - 2014, Sở chỉ đạo tăng cường rà soát, kiểm tra đối với loại hình NCL, nhất là các nhóm lớp tư thục về việc duy trì các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các cơ sở vi phạm, kiên quyết đóng cửa đối với những nhóm, lớp không đủ điều kiện tối thiểu để chăm sóc, nuôi dạy trẻ mầm non. Bên cạnh đó, sẽ đổi mới công tác kiểm tra, tổ chức kiểm tra theo kế hoạch 3 đợt/năm học. "Đặc biệt, cần nâng yêu cầu quy định về bằng cấp đối với chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Ngoài ra, cần khuyến khích phát triển trường mầm non tư thục tại các khu đô thị, hạn chế tối đa mở các cơ sở nhóm, lớp" - bà Hương kiến nghị.


"Trước việc một số cơ sở giáo dục mầm non xảy ra tình trạng không đảm bảo an toàn cho trẻ, Bộ đã yêu cầu các Sở GD&ĐT kiểm tra, nắm tình hình các cơ sở giáo dục mầm non; chỉ đạo các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm các quy định và chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn cho trẻ; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cở sở giáo dục mầm non ngoài công lập" .

Ông Ngyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)


Theo KTĐT