Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho bé ăn trứng vịt lộn, trứng cút lộn


Trứng lộn là món ăn bổ dưỡng và 'khoái khẩu' của rất nhiều người lớn, nhưng với bé thì cha mẹ nên chú ý.

Hàm lượng dinh dưỡng của trứng lộn

Trứng trong quá trình phát triển từ phôi đã có một số chất bị chuyển hóa (tiêu hao) để biến đổi thành nhiều chất cần thiết giúp cho quá trình tăng trưởng của phôi mà tạo nên giá trị bổ dưỡng của loại trứng lộn (dù là trứng vịt hay trứng cút).

Trong trứng lộn có chứa vitamin A (retino) và tiền vitamin A (beta caroten) khá cao. Bởi vậy, khi ăn vào cần có đủ lượng dầu mỡ để hòa tan thì cơ thể mới hấp thu được trọn vẹn. Do đó có thể ăn kèm với bánh lạc (vừng) hoặc uống thêm sau khi ăn một chút dầu ăn lạc (hay vừng). Chim cút còn được mệnh danh là sâm động vật nên cút lộn cũng vô cùng bổ dưỡng.

 

Bé dưới 5 tuổi không nên ăn

Tuy là loại thức ăn bổ dưỡng nhưng không được lạm dụng vì mỗi khi ăn quá nhiều, cơ thể không dung nạp kịp, bị đào thải ra ngoài, thậm chí sinh tiêu chảy; mặt khác không phải ai cũng dùng được. Vì vậy, bé dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa của bé chưa kiện toàn dễ gây đầy bụng, tiêu chảy...

Đối với bé 5-12 tuổi

Lúc đầu chỉ nên ăn nửa quả trứng vịt lộn hay 1-2 quả trứng cút lộn mỗi ngày. Trứng lộn thích hợp cho bé bị còi cọc, thế lực yếu... Có thể cho ăn thường xuyên mỗi ngày một quả trứng vịt lộn hay 5 quả trứng cút lộn.

Không cho bé ăn quá nhiều: Theo các chuyên gia, việc cho các bé ăn nhiều trứng vịt lộn gây hại gan là do hàm lượng vitamin A trong trứng cao. Trung bình trong 100g trứng lộn có khoảng 1.000mcg vitamin A (trong đó nhu cầu vitamin A của bé chỉ ở khoảng 300-500mcg). Ăn nhiều trứng vịt lộn thường xuyên khiến lượng vitamin A dư thừa. Vì vitamin A được hòa tan trong dầu mỡ nên khi dư thừa, chúng tích lũy dưới da, gan làm vàng da, bong tróc biểu bì, gây ảnh hưởng đến việc hình thành xương.

Thành phần cholesterol trong trứng cũng cần thiết với bé để phát triển các tế bào thần kinh nhưng ăn thường xuyên trứng vịt lộn sẽ là nguyên nhân tích lũy cholesterol dẫn đến làm cao mỡ gan, mỡ máu, tăng nguy cơ tim mạch.

Lương y Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, nhiều trường hợp bị xơ gan, trướng bụng do ăn nhiều trứng, nhất là trứng vịt lộn. Đông y xem trứng lộn là bài thuốc bổ huyết, ích trí, tinh mắt dùng phối hợp với các vị thuốc khác để bồi bổ. Tuy nhiên, trứng vịt tính lạnh, mát, người tỳ vị hư ăn vào dễ đầy trệ, không tiêu. Đặc biệt, người bị ung nhọt độc ăn vào dễ bị đùn thịt thừa gây nguy hiểm cho tính mạng.

Giáo sư Bùi Minh Đức (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, so với trứng thường, trứng vịt lộn tốt hơn nhiều. Bởi trong quá trình phát triển từ trứng vịt thành trứng vịt lộn (bào thai vịt), một số chất bị tiêu hao biến đổi thành nhiều chất cần thiết cho sự tăng trưởng của bào thai vịt tạo nên giá trị bổ dưỡng.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhất thiết phải đúng liều lượng và đúng cách thì mới đem lại hiệu quả. Ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày và ăn liên tục có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch (huyết áp, đái tháo đường...) và protein không tốt cho người bị bệnh gout. Bởi trong một quả trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng (13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốtpho, 600mg cholesterol...). Ngoài ra, còn có chất sắt, gluxit, vitamin B1 và vitamin C...

Với người lớn khoẻ mạnh chỉ nên ăn 2-3 quả/tuần. Những người có bệnh cao huyết áp (tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch...) cũng nên kiêng (hoặc không ăn nhiều) trứng vịt lộn vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Tốt nhất nên ăn vào buổi sáng, tránh buổi tối vì có thể gây khó tiêu, ngủ không yên giấc.

Theo bevame.com