Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP.HCM tăng học phí 3-5 lần: Không ảnh hưởng nhiều đến người dân?


Tại phiên bế mạc kì họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa VIII vừa qua, HĐND Thành phố đã thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về điều chỉnh tăng học phí. Theo đó, từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2014-2015, các trường công lập trên địa bàn Thành phố sẽ bắt đầu thu theo mức học phí mới tăng từ 3-5 lần so với mức học phí hiện hành.


Bậc học nhà trẻ có mức học phí tăng cao nhất so với mức phí hiện hành. (Ảnh: Thu Dịu)


Mức học phí mới được chia thành 2 nhóm gồm: Nhóm 1 là học sinh sống ở các quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân); Nhóm 2 gồm học sinh sống ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè. Theo đó, năm học 2013-2014, ở bậc nhà trẻ tăng cao nhất 150.000 đồng/tháng ở nhóm 1 và nhóm 2 là 90.000 đồng/tháng; bậc mẫu giáo sẽ là 120.000 đồng/tháng ở nhóm 1 và 60.000 đồng/tháng ở nhóm 2. Tương tự, đối với bậc THCS mức thu là 75.000 đồng/tháng và 60.000 đồng/tháng; bậc THPT là 90.000 đồng/tháng và 60.000 đồng/tháng; hệ bổ túc THCS, THPT từ 90.000 đồng đến 135.000 đồng/tháng.


Năm học 2014-2015 mức học phí ở các bậc học cũng sẽ tăng hơn. Cụ thể, ở bậc nhà trẻ tăng 200.000 đồng/tháng ở nhóm 1 và 140.000 đồng/tháng ở nhóm 2; bậc mẫu giáo là 160.000 đồng/tháng ở nhóm 1 và 100.000 đồng/tháng ở nhóm 2; bậc THCS sẽ là 100.000 đồng/tháng và 85.000 đồng/tháng... Riêng bậc tiểu học vẫn giữ nguyên việc không thu học phí.


Trước nhiều ý kiến thắc mắc của đại biểu HĐND TP.HCM về mức học phí mới tăng cao gấp 3-5 lần so với học phí hiện tại, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng, mức học phí hiện hành được áp dụng từ năm 1998 là quá thấp so với mặt bằng thu nhập của xã hội. Vì thế, các trường không thể phát huy cơ chế tự chủ tài chính, đầu tư phát triển, đổi mới hoạt động giáo dục theo yêu cầu đặt ra. Mặt khác, mức học phí thấp khiến nhiều trường phải vận dụng chủ trương xã hội hóa để tìm thêm nguồn thu khác bổ sung. Với những khoản thu thêm ở các trường nếu không được sử dụng không hiệu quả, hợp lí, thiếu minh bạch sẽ dẫn đến việc lạm thu, gây bức xúc trong dư luận và phụ huynh. Do đó, việc áp dụng mức thu học phí mới sẽ giúp các trường có thêm nguồn thu để phát triển hài hòa các hoạt động giáo dục, tạo môi trường dạy và học tốt hơn.


Một số đại biểu tỏ ra lo ngại về mức học phí mới sẽ là gánh nặng cho phụ huynh, nhất là những gia đình có hai con nhỏ cùng học bậc mẫu giáo, nhà trẻ hoặc đang học THCS, THPT. Giải đáp thắc mắc này, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND cho rằng mức tăng học phí mới tuy cao hơn 3 - 5 lần so với hiện hành nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Bởi lẽ mức thu học phí trước đây quá thấp nên phải kéo lên cho bằng với mặt bằng thu nhập chung của xã hội.


Cụ thể, riêng mức lương cơ bản ở khu vực nhà nước đã tăng từ 290.000 đồng/tháng lên trên 1 triệu đồng/tháng và thu nhập ở các khu vực kinh tế khác cũng tăng gấp nhiều lần so với năm 1998. Bên cạnh đó, theo ông Hứa Ngọc Thuận để giảm bớt chi phí học hành cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, TP.HCM và các quận, huyện đều có chính sách miễn giảm từ 50-100% học phí, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường. Đối với các trường chuyên, lớp chuyên thì học sinh học lớp chuyên không thu học phí, học sinh học lớp thường thu theo mức học phí phổ thông cùng cấp.


Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, UBND TP.HCM cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng học phí mới sao cho việc sử dụng đạt hiệu quả. Đồng thời, việc tăng học phí phải gắn với tăng chất lượng giáo dục đáp ứng mục tiêu phát triển hoạt động giáo dục tại TP.HCM./.


Theo HQ Online