Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mùa học hè - Phòng tránh bệnh tay chân miệng


Hầu hết các trường mầm non trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu tựu trường học hè sau một khoảng thời gian ngắn tạm nghỉ. Theo Sở Y tế TPHCM, với quy luật mọi năm, đây là thời điểm các dịch bệnh lây lan ở học đường tăng cao, nhất là dịch bệnh tay chân miệng.


Giám sát ở trường
Sáng 17-6, nhiều trường mầm non đã bắt đầu tổ chức học hè. Mặc dù trong thời gian nghỉ hè vừa qua, một số trường đã cho vệ sinh, tu sửa phòng học, khuôn viên nhà trường nhưng vẫn không lơ là phòng ngừa dịch bệnh. Tại Trường Mầm non 30-4 (quận 1), ngay khi đến lớp, các bé đều được cô giáo kiểm tra tay, chân và miệng để xem những dấu hiệu của bệnh. Bé nào có dấu hiệu bệnh sẽ được báo ngay với phụ huynh có cách chăm sóc hoặc cho cháu nghỉ ngơi ở nhà. Mặt khác, nhân viên y tế của nhà trường cũng túc trực ngay từ sáng sớm khi các bé đến lớp để nhận thuốc do các phụ huynh gửi lại hoặc ghi nhận tình hình sức khỏe của các cháu để có cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Theo một cán bộ quản lý nhà trường, mặc dù số lượng bé đăng ký học hè không nhiều nhưng các quy trình giám sát, phòng ngừa dịch bệnh vẫn được đảm bảo như khử khuẩn các lớp học hàng ngày, vệ sinh đồ chơi, bố trí các vòi nước kèm xà phòng rửa tay ở các góc sân trường...


Chăm sóc bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.
Trong khi đó, tổ chức học suốt mùa hè và có quy mô nhỏ nhưng Trường Mầm non Dreamhouse ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 vẫn duy trì các hoạt động phòng dịch. Ngoài vệ sinh sát khuẩn các lớp học, nhà trường luôn kiểm tra tình trạng sức khỏe các cháu mỗi ngày. Trong những ngày nắng nóng, trước khi ngủ buổi trưa, các cháu được tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ...


Theo Sở Y tế TPHCM, hiện mùa tựu trường học hè đã đến và là cao điểm lây lan dịch bệnh tay chân miệng. "Thời điểm này năm ngoái dịch tay chân miệng bùng phát mạnh ở các trường học", BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế cảnh báo. Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã ghi nhận một chùm ít nhất 10 trẻ tại Trường Mầm non Hoa Lan (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) phải nhập viện vì bệnh tay chân miệng, trong đó có 3 ca bệnh nặng.


Trong khi đó, tại các bệnh viện nhi, số lượng ca mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng trở lại kể từ tháng 5 vừa qua. Theo BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 - TPHCM, hiện mỗi ngày vẫn điều trị nội trú trung bình 40 - 50 cháu bệnh tay chân miệng, chưa kể số bệnh nhi cho điều trị ngoại trú gấp 2 - 3 lần.


Vệ sinh hàng ngày
Trước diễn tiến theo chiều hướng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động phòng chống bệnh cho con em mình bằng các phương pháp vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần bằng dung dịch sát khuẩn tại khu vực các bé sinh hoạt vui chơi; rửa tay bằng xà bông trước khi tiếp xúc với bé; giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể của trẻ và người giữ trẻ. Theo BS Trương Hữu Khanh, khi thấy trẻ có các biểu hiện nóng sốt; đau họng, chảy nước bọt liên tục; biếng ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều và bất thường; nổi bóng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, loét đỏ ở miệng... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.


Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, hầu hết thời gian các bé đều ở trường, do đó công tác phòng chống dịch bệnh ở trường học có vai trò rất quan trọng. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ngành giáo dục và các trường học phải cử cán bộ y tế tham gia các lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tay chân miệng cũng như cập nhật các kiến thức mới về phòng ngừa dịch bệnh. Cùng với đó, nhà trường cần có kế hoạch vệ sinh, sát khuẩn hàng ngày, hàng tuần nhưng phải đảm bảo việc dạy và học. Bác sĩ Nam cũng cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM kiểm tra, giám sát công tác phòng ngừa dịch bệnh ở các trường học...


Nhận định về dịch bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát và phòng ngừa, nhất là thời điểm tựu trường. Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước có gần 15.000 ca mắc tay chân miệng với 4 ca tử vong. Và đây là một trong 10 dịch bệnh có số tử vong cao nhất tại Việt Nam trong thời gian qua. Do đó, việc chủ động phòng ngừa hạn chế ca mắc và tử vong là rất quan trọng.


Cục Y tế dự phòng khuyến cáo dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp và có nhiều tuýp virus gây bệnh nhưng hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy cần nâng cao ý thức rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; người bệnh nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên lau sạch các bề mặt và vật dụng đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, ít nhất 2 lần trong ngày; cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung chén, muỗng; tránh tiếp xúc với người đã mắc bệnh; theo dõi và phát hiện sớm để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh và đưa trẻ đến cơ sở y tế; các nhà trẻ, mẫu giáo phải có các khu vực rửa tay bằng xà phòng, có khu vực xử lý chất thải theo quy định...


Trẻ có thể mắc nhiều lần và không rõ triệu chứng

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng dễ mắc nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh gây nhiều tác hại đến đến sức khỏe của trẻ, nhất là những trường hợp mắc do virus EV71. Trẻ có thể bị mắc đi mắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc độc tính của chủng virus EV71. Phụ huynh cần ghi nhớ trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng, nhưng hiện nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ triệu chứng, chỉ khi xét nghiệm mới phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Nhiều trường hợp virus gây bệnh đã tấn công vào não bộ, hoặc gây biến chứng tại các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.


Theo SGGP