Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ trông trẻ tại gia


Hình thức trông giữ trẻ tại nhà đã đua nhau "mọc" lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Tuy nhiên, những băn khoăn đặt ra liên quan đến năng lực hành nghề, chất lượng cơ sở vật chất, bởi hầu hết các nhà trẻ tự phát này đều đang bị buông lỏng quản lý...


Việc kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân vẫn còn bất cập (ảnh minh họa).


Cứ 17h hằng ngày, chị Nguyễn Thị Hương (ở huyện Từ Liêm) lại "ba chân bốn cẳng" từ chỗ làm, cách nơi gửi cậu con trai là một trường mẫu giáo tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) gần 5km để đón con. Dù vậy, nhưng ngày nào cũng vậy, mẹ con chị cũng là những người cuối cùng rời trường cùng cô giáo. Bị các cô nhắc nhở nhiều, nhưng chị Hương cũng không thể làm gì hơn, bởi khi tan sở cũng là giờ cao điểm, việc di chuyển không hề dễ. Gần đây, chị Hương tìm được một lớp tư nhận trông trẻ bán trú, lại gần cơ quan, nên chị quyết định đến đây gửi con.


Không khó để tìm được những địa chỉ "trông giữ trẻ tại nhà" trên các trang mạng. Gần 1,3 triệu kết quả cho cụm từ "Trông giữ trẻ tại nhà" khi gõ trên google. Những hình thức quảng cáo chỉ đơn giản như một đoạn tin rao vặt: Nhận trông trẻ tại nhà, đảm bảo ăn uống giáo dục tốt; mẹ nào bận có nhu cầu gửi con xin liên hệ Ms Phương 097xxxxxx"... Một số quảng cáo còn kèm địa chỉ và bảng giá trông giữ trẻ. Các quảng cáo đăng tải thường không quên giới thiệu kinh nghiệm bản thân chủ nhà và không gian trông giữ như: "Tôi đã có kinh nghiệm trông trẻ tại các trường mầm non. Nhà rộng rãi thoáng mát, có phòng ăn, phòng ngủ sạch sẽ cho bé. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo, thực đơn thay đổi hằng ngày giúp bé phát triển tốt về thể chất...".


Trên thực tế, thời gian trả trẻ sau giờ tan sở là 17h30, trong khi, hầu hết các trường mầm non, công lập đều trả trẻ trong thời gian 16h-17h, nên đã đánh trúng tâm lý của nhiều phụ huynh.


Qua khảo sát thực tế cho thấy, có khá nhiều cơ sở hoạt động chui (không trưng bảng tên, không làm ồn ào... chỉ nhận 10-15 học sinh) để không bị kiểm tra. Cơ sở trông giữ trẻ nằm sâu trong ngõ 248 đường Khương Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) là một điển hình. Căn nhà có vẻ khá yên ắng, tuy nhiên, nơi đây thường trông giữ khoảng hơn chục em nhỏ. Khi được hỏi về độ tin cậy của các điểm trông giữ trẻ này, một phụ huynh tỏ ra thận trọng: "Trước khi gửi cháu đến đây, tôi cũng phải thăm dò ý kiến nhiều rồi.


Cũng từ thông tin của người quen cả, nên không lo lắm". Tuy nhiên, khi được hỏi về tính hợp pháp của điểm trông giữ trẻ này, chính vị phụ huynh trên cũng lắc đầu và thừa nhận chưa thấy giấy phép kinh doanh. Thậm chí, ngay cả vị chủ nhà giữ trẻ cũng tỏ ra không quan tâm và lúng túng khi được hỏi về giấy phép kinh doanh: "Tôi chỉ trông có dăm, bảy trẻ. Cũng toàn người trong làng cả, chứ có kinh doanh gì đâu mà giấy phép" (?!).


Dù chưa có thống kê cụ thể, tại khu vực nội thành thủ đô hiện có khoảng hơn 300 nhà trẻ gia đình, hầu hết đều không có giấy phép hành nghề. Trong khi đội ngũ chăm sóc trẻ không được thẩm định về trình độ, chất lượng, tiêu chuẩn nuôi giữ trẻ yếu kém cùng với sự lỏng lẻo về quản lý để lại hậu quả khôn lường.


Theo LĐ