Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bộ chuẩn phải “chuẩn” hơn


Bộ chuẩn phát triển dành cho trẻ 5 tuổi do Bộ GD-ĐT ban hành đã có hiệu lực từ tháng 9-2010. Song, tính đến nay đã gần 3 năm nhưng việc triển khai, áp dụng vẫn gặp nhiều lúng túng, mỗi tỉnh, thành đánh giá theo một khung thang bậc khác nhau.


Vừa qua tại TPHCM, Sở GD-ĐT phối hợp cùng Sở KH-CN đặt hàng nhóm tác giả gồm các giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Cao đẳng Sư phạm trung ương biên soạn tài liệu hướng dẫn xây dựng bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, nói như thừa nhận của TS Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương, chủ nhiệm đề tài: "Bộ chuẩn còn nhiều chỗ cứng nhắc, thiếu rõ ràng, nội dung một số chỉ tiêu chưa nhất quán khiến tổ công tác gặp nhiều khó khăn trong việc biên soạn tài liệu hướng dẫn". Mặc dù được đầu tư, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng nhưng nếu ban hành, e rằng vẫn chưa thể áp dụng đại trà ở tất cả trường mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Mặt khác, nguy cơ nảy sinh bệnh thành tích dựa trên bộ chuẩn đánh giá là có thật khiến nhiều người lo ngại về tính hiệu quả khi đem thực thi, áp dụng.


Cụ thể, ở phần đánh giá khả năng nhận thức của trẻ có các yêu cầu "biết và không ăn, uống một số thứ có hại cho sức khỏe" (chỉ số 20), "biết và không làm một số việc có thể gây nguy hiểm" (chỉ số 22), "biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực khi được an ủi, giải thích" (chỉ số 41), "có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày" (chỉ số 57) và "không nói tục, chửi bậy" (chỉ số 78). Đây là những yêu cầu không phải học sinh tiểu học, THCS nào cũng làm được, huống gì các bé mẫu giáo. Đó là chưa kể định nghĩa thế nào là "bảo vệ môi trường", "nói tục, chửi bậy"? Ngay cả người trưởng thành cũng chưa chắc nhận thức một cách đầy đủ. Thay vào đó, tại sao không diễn đạt cho cụ thể, gần gũi với tâm sinh lý trẻ mẫu giáo là biết bỏ rác vào đúng nơi quy định, không sử dụng những ngôn từ chưa phù hợp.


Theo bà Trương Thị Việt Liên, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, nói tục, chửi bậy ở trẻ mẫu giáo đôi khi chỉ là những cách nói bắt chước từ người lớn như "bạn ngu như bò", không phải theo định nghĩa của người lớn. Do đó, nếu như không nắm rõ tâm sinh lý lứa tuổi rất dễ sa vào việc áp dụng cứng nhắc, không phù hợp thực tế. Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài còn phát hiện một số chỉ tiêu có nội dung mơ hồ, trùng lặp như yêu cầu "sử dụng một số từ chào hỏi và từ lễ phép phù hợp với tình huống" (chỉ số 77) trên thực tế là một cách diễn đạt khác của yêu cầu "có thói quen chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi và xưng hô lễ phép với người lớn" (chỉ số 57), hoặc yêu cầu "đặt lời mới cho bài hát" (chỉ số 117) làm không khéo sẽ mâu thuẫn với việc "hát đúng giai điệu bài hát trẻ em" (chỉ số 100).


Theo công bố của những người có trách nhiệm, bộ tài liệu hướng dẫn công cụ đánh giá đã hoàn tất, chuẩn bị đưa vào áp dụng rộng rãi ở các trường mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một khi Bộ GD-ĐT chưa có sự điều chỉnh các bất hợp lý thì xem ra công cụ (nếu có) chỉ mang tính đối phó, chưa thể khiến xã hội an lòng.


Theo SGGP